Một số nông dân Hậu Giang đã bỏ hẳn cây lúa, cây mía để trồng rau nhúc, trồng ấu, trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao.
Một số nông dân Hậu Giang đã bỏ hẳn cây lúa, cây mía để trồng rau nhúc, trồng ấu, trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập cao.
Cây khóm MD2 được trồng tại vùng trồng mía kém hiệu quả. |
Nhiều năm liền trồng mía không hiệu quả, cách nay hơn 1 năm, một số nông dân ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp đã chuyển sang trồng cây khóm MD2, với diện tích gần 4ha.
Những nông dân này cho biết, giống khóm này do Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây có trụ sở tại TP Cần Thơ cung cấp cho bà con với giá 3.500 đồng/con giống và sẽ trả dần trong vòng 3 năm. Khi khóm đến ngày thu hoạch, công ty sẽ thu mua trái với giá bao tiêu 5.700 đồng/kg.
Với 1 công đất, bà con trồng được khoảng 6.000 bụi khóm MD2 và sau khoảng 18 tháng thì thu hoạch với năng suất khoảng 10 tấn trái/vụ, cao hơn 20% so với giống Queen truyền thống. Với năng suất và giá bao tiêu được công ty đưa ra, mỗi công khóm MD2 cho thu nhập gần 25 triệu đồng/vụ. Với kết quả khả quan như vậy, từ 5 ha ban đầu đến nay vùng khóm MD2 xã Phương Bình huyện Phụng Hiệp đã phát triển lên được hơn 30ha và trong thời gian tới sẽ phát triển lên 100 ha.
Ông Ngô Văn Phượng- nông dân trồng khóm ở xã Phương Bình cho biết: “Trồng mía không có ăn, nếu mướn nhân công thì mắc. Trồng khóm rất tốt ở vùng đất này, vì có một số người trồng rồi”.
Từ lâu nông dân tỉnh Hậu Giang chỉ tập trung sản xuất lúa và mía. Tuy nhiên, trước biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt và biến động thị trường khiến thu nhập của nông dân từ hai loại cây trồng này ngày càng bấp bênh. Vài năm trở lại đây, theo chủ trương của tỉnh, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại những vùng sản xuất kém hiệu quả trước đây. Những mô hình mới ra đời thay cho cây lúa, cây mía của nông dân Hậu Giang vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa phù hợp với nhu cầu của thị trường nên mang lại thu nhập khá cao.
Giờ đây, ở những vùng đất trũng trong tỉnh, thay vì làm lúa 3 vụ thì nhiều nông dân đã bỏ hẳn lúa vụ 3, tức lúa thu đông trong mùa nước nổi để tận dụng lượng nước dồi dào trên nền đất lúa nuôi thủy sản, chủ yếu là nuôi cá. Sau 3 tháng nuôi, khi nước lũ rút, thu hoạch cá bán trừ đi chi phí, nông dân lời từ 12 - 15 triệu đồng/ha, chưa kể giảm được nhiều chi phí trong sản xuất vụ lúa kế tiếp. Một số nông dân còn bỏ hẳn cây lúa, cây mía để trồng rau nhúc, trồng ấu, trồng sen kết hợp nuôi cá cho thu nhập khá cao.
Mô hình nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi thay thế cây lúa vụ 3 mang lại thu nhập cao. |
Ông Nguyễn Văn Ngon ở ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ cho biết, 5 công đất của ông nằm ở vùng trũng nên lâu nay trồng mía không hiệu quả vì bị ngập, cách đây 3 năm ông đã chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Cứ sau 3 tháng ông thu hoạch 1 vụ cá, bán được hơn 10 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ tiền bán gương sen.
“5 công này thu hoạch một chuyến, nếu rộ lên có thể 70- 80 kg sen, nghĩa là cách 1 ngày bẻ 1 ngày, nếu 10.000/kg thì được 700.000-800.000 đồng. So với trồng lúa thì trồng sen có lợi hơn, gấp 2-3 lần”.
Nếu mùa nước nổi nông dân Hậu Giang bỏ lúa vụ 3 tận dụng lượng nước dồi dào để nuôi, trồng thủy sản thì vào mùa khô ở những nơi mặn thường xuyên xâm nhập, có nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất, nông dân nơi đây lại chủ động bỏ cây lúa hè thu để trồng rau màu nhằm hạn chế được lượng nước tưới.
Sự chủ động chuyển đổi từ cây lúa hè thu sang trồng rau màu thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại thu nhập cho nông dân từ 5-7 triệu đồng/công đất, tăng gấp 2-3 lần so với trồng lúa hè thu.
Hiện tại ở tỉnh Hậu Giang còn có những nông dân chịu khó tìm tòi, học hỏi để áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm được chi phí, nhất là tiết kiệm được lượng nước, từ đó tăng cao thu nhập như mô hình trồng dưa lưới, trồng rau màu trồng nhà lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới tự động.
Anh Võ Văn Thắng ở ấp Phương An A, xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp cho biết, anh có 1 công đất trồng rau màu. Rau màu được anh trồng trong nhà lưới không sử dụng phân thuốc bào vệ thực vật. Bên cạnh đó, anh còn lắp thêm công nghệ tưới thông minh được điều khiển bằng điện thoại. Nếu tưới 1 công rau này theo kiểu trước đây, anh cần đến 2 nhân công và mất thời gian gần 3 tiếng. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ này thì không tốn nhân công và chỉ cần thời gian tưới khoảng 15 phút.
Với việc xuống giống rau màu luân phiên, mỗi ngày anh Thắng thu hoạch bán cho thương lái theo đơn đặt hàng từ 60-70kg rau các loại, với giá ổn định 10.000 đồng/kg. Với mô hình sản xuất mới này, anh Thắng không chỉ có thu nhập cao mà còn tiết kiệm được thời gian, nhân công và lượng nước: “Đi tới đâu cũng tưới được cây do đã cài sẵn, rất tiện lợi. Chỉ cần bấm gọi, hẹn giờ là nó tự động tưới”.
Nông dân Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay nông dân Hậu Giang đã thay đổi tư duy sản xuất theo công nghệ cao, công nghệ 4.0 và sản xuất xanh. Nếu như 3 năm trước, toàn tỉnh chỉ có khoảng 200 mô hình sản xuất sạch, sản xuất theo chuẩn VietGap, GlobalGap thì hiện nay toàn tỉnh đã tăng lên hơn 520 mô hình, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 70%.
Theo ông Lê Tiến Châu- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua, Hậu Giang đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, bên cạnh việc thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, cùng nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản, Hậu Giang còn khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời áp dụng những mô hình tiên tiến trong sản xuất để mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống.
“Tác động xấu của biến đổi khí hậu rõ nhất là có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh ngày càng diễn biến bất thường; an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều tồn tại. Do đó, tỉnh Hậu Giang đã xác định hướng đi riêng đó là phát triển nông nghiệp, thúc đẩy mô hình làm kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế xanh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logictics. Qua đó, đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để phát triển các mô hình thông minh trong nông nghiệp và từ đó giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, làm giàu được từ ruộng vườn, trên chính mảnh đất quê hương mình”, ông Lê Tiến Châu cho hay.
Những năm gần đây, mỗi năm nông dân Hậu Giang sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn lúa, hơn 300.000 tấn trái cây, gần 70.000 tấn thủy sản các loại. Ngoài gạo, nhiều đặc sản chế biến của Hậu Giang đã được xuất khẩu như: cá thát lát, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, dưa lê, thanh long… Điều này chứng minh, chính quyền địa phương đã dành nhiều tâm sức cho lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân nơi đây giàu khát vọng vươn lên./.
Theo Tấn Phong/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin