Rộn ràng thu hoạch cá ruộng

10:11, 28/11/2019

Mấy ngày nay, trên các cánh đồng ở huyện Vị Thủy rộn ràng hẳn lên bởi người dân đang vào vụ thu hoạch cá ruộng. Tuy năm nay mùa nước nổi không như mong đợi, nhưng năng suất và lợi nhuận đạt khá làm người dân phấn khởi.

Mấy ngày nay, trên các cánh đồng ở huyện Vị Thủy rộn ràng hẳn lên bởi người dân đang vào vụ thu hoạch cá ruộng. Tuy năm nay mùa nước nổi không như mong đợi, nhưng năng suất và lợi nhuận đạt khá làm người dân phấn khởi.

Thu hoạch cá ruộng tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Thu hoạch cá ruộng tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.

Vị Thủy là huyện thuần nông với diện tích đất nông nghiệp trên 20.000ha, trong đó canh tác lúa đóng vai trò chủ lực, tạo nguồn thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, với địa hình trũng thấp, nhiều diện tích lúa không thể sản xuất ở vụ 3. Những năm gần đây, diện tích độc canh cây lúa chịu nhiều áp lực khi đất ngày càng suy thoái, sâu bệnh, chi phí đầu tư sản xuất lúa ngày càng tăng.

Ngành nông nghiệp huyện đã xác định nuôi thủy sản là thế mạnh thứ 2 sau cây lúa và cần tìm một giải pháp hiệu quả để hướng đến xây dựng mô hình bền vững, thay đổi dần tập quán canh tác cũ để đa dạng sản phẩm trên cùng một diện tích đất.

Đây cũng là năm đầu tiên huyện Vị Thủy tổ chức mô hình chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa vụ 3 kém hiệu quả sang nuôi thủy sản với quy mô 50ha. 15 hộ dân tham gia được hỗ trợ 50% chi phí cá giống, thức ăn nuôi vỗ ban đầu và các chi phí vật tư khác. 

Nuôi cá ruộng không phải là cách làm mới mà đã được nhiều người dân ở các xã trên địa bàn thực hiện khá lâu. Tuy nhiên, năm nay các hộ nuôi liên kết chặt chẽ hơn và có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện trong quá trình thả nuôi đến thu hoạch.

Ông Trần Văn Huynh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hai Huynh, cho hay: Thực tế các xã viên đã chuyển từ canh tác lúa vụ 3 sang nuôi cá được 5 năm nay. Lợi nhuận qua các vụ nuôi đều cho thấy hơn hẳn so với lúa, trung bình đạt trên 10 triệu đồng/ha.

Thêm vào đó, khi nuôi cá trên ruộng bà con có thời gian nhàn rỗi để làm công việc khác kiếm thêm thu nhập. Vì hầu như cá trên ruộng không đòi hỏi nhọc công chăm sóc hay tốn kém chi phí thức ăn.

Ông Bùi Ngọc Thành, ở ấp 7, xã Vị Thắng, phấn khởi chia sẻ: “Trước khi nuôi cá ruộng, tôi cũng làm lúa vụ 3, nhưng cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng thời tiết xấu nên thất thoát nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí có vụ lỗ vốn.

Không riêng gì HTX, mà các hộ dân bên ngoài cũng chọn cách làm này ngày càng nhiều. Hơn nữa, vụ lúa Đông xuân tiếp theo cũng nhẹ bớt phần nào chi phí phân bón do đất được bổ sung lượng dinh dưỡng từ phân cá, rơm rạ phân hủy”. 

Các loại thường được người dân chọn thả có khả năng thích nghi và phát triển tốt trên ruộng lúa, tận dụng được thức ăn tự nhiên có sẵn như cá chép, mè vinh, mè hoa, rô phi…

Sau khi chọn mua con giống, những hộ dân có điều kiện còn nuôi vỗ trong mương trước khi thả ra ruộng để cá khỏe, đạt trọng lượng tương đối, có khả năng thích nghi với môi trường tốt hơn.

 Vụ nuôi cá ruộng năm nay còn có nhiều trở ngại khi tình hình thời tiết bất lợi, lũ về muộn, lượng thức ăn tự nhiên cho cá ít. Cá chậm lớn và trọng lượng không bằng các năm trước.

Có nơi mới thả cá không bao lâu phải bơm nước vào để điều tiết nước trên ruộng. Lượng cá đồng sẵn có như cá lóc, cá trê, cá rô cũng ít hơn. Dù vậy, năng suất trung bình theo ghi nhận từ những hộ thu hoạch vừa qua cũng đạt khoảng 2 tấn/ha.

Các loại cá trắng như cá chép, mè vinh, mè hoa… được thu mua với giá từ 10.000-12.500 đồng/kg, riêng cá đồng là 35.000 đồng/kg. Các hộ nuôi thu về lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/ha.

Theo bà con nhẩm tính, lợi nhuận này vẫn cao hơn so với làm lúa từ 2-3 triệu đồng/ha. Hơn nữa, khi tới thời điểm thu hoạch rộ nhiều người còn linh động trữ cá trong mương để tiếp tục nuôi chờ giá lên.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho rằng: Để mô hình nuôi cá ruộng đạt kết quả cao bà con cần có mối liên kết và hình thành vùng nuôi rộng lớn để thuận lợi trong quá trình nuôi, cũng như trông coi vùng nuôi, tránh thất thoát khi đến ngày thu hoạch.

Có thể thành lập tổ đối ứng công lao động khi thu hoạch đông keng như hiện nay. Thành công từ mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa vụ 3 kém hiệu quả sang nuôi cá là cơ sở để ngành tiếp tục nhân rộng, góp phần giúp bà con mạnh dạn thay đổi thói quen sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để có lợi nhuận cao hơn trên chính mảnh ruộng của mình.

Khi hình thành vùng nuôi lớn và nhân rộng cho nhiều hộ áp dụng, đầu ra cho mặt hàng này và giá cả là mối quan tâm hàng đầu.

Nắm bắt được những trăn trở và lo lắng đó của bà con, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến khích người dân nên phát triển hình thức nuôi theo hướng nâng cao giá trị, lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường để đảm bảo đầu ra ổn định, giá bán cao. Ngoài ra, khi cá đạt kích cỡ trưởng thành, bà con có thể thu hoạch dần dần thay vì ồ ạt để tránh tình trạng “đụng hàng dội chợ”.

Theo Báo Hậu Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh