Để chủ động phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2019-2020, từ ngày 10/10, các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang đã đắp đập ngăn mặn và đóng cống để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để chủ động phòng, chống hạn, mặn xâm nhập mùa khô 2019-2020, từ ngày 10/10, các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang đã đắp đập ngăn mặn và đóng cống để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Thi công công trình thủy lợi cống Kinh Nhánh. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Tại huyện Hòn Đất, vùng phía Bắc Quốc lộ 80 hiện nay đang thiếu nước cải tạo ruộng, phía Nam Quốc lộ 80 còn hơn 3.000 ha lúa Hè Thu chưa thu hoạch. Để đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân và thực hiện đúng quy chế vận hành hệ thống cống trên tuyến biển, từ ngày 10/10, huyện Hòn Đất tiến hành đóng các cống nhưng duy trì mở một cửa đổ ra biển gồm 15 cống. Ngoài ra, huyện cũng đóng tất cả 19 cống, chỉ cống Hòn Me 2 và Tà Lức được duy trì mở phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Huyện An Biên đã trích kinh phí trên 800 triệu đồng để đắp 23 đập tạm. Các đập được đắp ở khu vực đê bao yếu và nơi dễ ảnh hưởng khi mặn xâm nhập thuộc những vùng sản xuất lúa hai vụ. Hiện toàn huyện An Biên đã gieo sạ xong trên 20.700 ha lúa mùa 2019-2020. Diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 của huyện An Biên là 8.300 ha, dự kiến sẽ gieo sạ dứt điểm vào cuối tháng 10/2019.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc gieo sạ vụ mùa 2019 - 2020 trên nền đất nuôi tôm, với 21.500 ha trong tổng số phải gieo sạ vụ mùa là 26.800 ha, đạt 80% kế hoạch. Diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 của An Minh, đến nay đã gieo sạ khoảng 100 ha. Trên địa bàn các xã ven biển của huyện mới xây xong 4 cống ở tuyến đê quốc phòng và 8 cống trên tuyến đê canh nông, đáp ứng một phần nhu cầu ngăn mặn. Vì vậy, huyện An Minh đề xuất tỉnh Kiên Giang cấp kinh phí 1,7 tỉ đồng để gia cố và đắp 10 đập theo quy trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo Lê Sen (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin