Sáng tinh mơ, ngang qua tuyến kênh Mặc Cần Dưng (Châu Thành - Tri Tôn, An Giang) mới thấy hết sự rộn ràng của bà con mưu sinh mùa nước nổi. Dù con nước từ thượng nguồn đổ về đột ngột, lượng cá, tôm ít ỏi, nhưng bà con vẫn sống khỏe nhờ nghề đặt trúm lươn và bắt ốc rất đỗi dân dã.
Sáng tinh mơ, ngang qua tuyến kênh Mặc Cần Dưng (Châu Thành - Tri Tôn, An Giang) mới thấy hết sự rộn ràng của bà con mưu sinh mùa nước nổi. Dù con nước từ thượng nguồn đổ về đột ngột, lượng cá, tôm ít ỏi, nhưng bà con vẫn sống khỏe nhờ nghề đặt trúm lươn và bắt ốc rất đỗi dân dã.
Thú bắt lươn đồng
Dỡ 100 cái trúm lươn chất lên xe, áo quần anh Trần Thanh Kiệt (39 tuổi, ngụ xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành) lấm lem bùn đất. Anh Kiệt hồ hởi nói rằng, nghề đặt trúm lươn tuy cực mà vui, đặc biệt là lúc bắt dính được nhiều lươn bự cỡ bằng cườm tay (cân nặng trên 1kg), bán được giá cao…
Thức dậy khi “gà gáy canh ba”, anh Kiệt phải lội bì bõm theo các cánh đồng nước trắng xóa để dỡ trúm lươn. Năm nào cũng vậy, mùa nước nổi tràn đồng, anh Kiệt “rục rịch” mua tre về làm ngư cụ. Tiếng chặt, vót tre khua cót két vang xa khắp xóm.
Anh Kiệt bồi hồi kể rằng, nghề đặt trúm lươn có từ thuở xa xưa được ông cha truyền lại. Trước đây, người ta dùng cả thân tre tàu to bằng bắp chân, cưa thành từng đoạn khoảng 1m, rồi thụt bỏ tất cả các mắc bên trong để làm trúm.
Với cách làm này, lươn dễ bị ngộp chết khi bị dính trúm, bạn hàng chê, bán giá thấp. Sau này, mọi người mua tre về vót thành từng nan, sau đó đan lại thành cái lọp dài khoảng 8 tấc đem đặt, lươn còn sống khi dính và bán được giá cao.
Niềm vui của anh Kiệt khi đặt dính nhiều lươn |
Nhờ cải tiến ngư cụ khai thác lươn đồng mà anh Kiệt thu hoạch “chiến lợi phẩm” kha khá trong mùa nước nổi. Chỉ cần một đêm đi đặt, anh Kiệt thu hoạch từ 3-4kg lươn đồng đủ loại. Mồi “dụ” lươn chủ yếu là: cua, ốc bươu vàng, trùn chỉ...
“Nếu sang nữa, mua thuốc bắc về rang với cám trộn cá biển rồi xay nhuyễn và cho vào lọp, bắt được lươn nhiều hơn. Bà con ở đây thường dùng mồi truyền thống như: cua, ốc, trùn.
Sử dụng “cây nhà lá vườn” cho đỡ tốn chi phí”- anh Kiệt trần tình. Hiện tại, lươn loại 200gr/con, thương lái thu mua 180.000 đồng/kg, lươn loại dưới 200gr ở mức 140.000 đồng/kg, lươn “đỉa” (lươn giống) 85.000 đồng/kg.
Vào thời điểm hút hàng, lươn đồng loại lớn tăng từ 200.000-250.000 đồng/kg”. Ngày nào “trúng mánh”, anh Kiệt thu hoạch 5kg lươn, thu nhập 500.000 đồng, sau khi trừ chi phí.
Ngoài ra, những năm gần đây, mô hình nuôi lươn trong bồn đang phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, nên lươn nhỏ được người nuôi thu mua mạnh, bà con đặt lọp lươn đồng có thêm thu nhập trong mùa lũ.
Chộn rộn xóm ốc
Ngang qua Tỉnh lộ 941, nhìn dưới dòng kênh Mặc Cần Dưng gặp cảnh bạn hàng và người dân đang trả giá mua bán ốc.
Chuyện buôn bán ốc lác, ốc bươu ở đầu nguồn rầm rộ trong mùa lũ ai cũng rành. Thế nhưng, chuyện con ốc bươu vàng trong mùa nước nổi ở vùng “Bảy Thưa” được bạn hàng chở xe tải cỡ lớn phân phối ra tận miền Trung thì ít ai biết đến.
Loài ốc bươu vàng được liệt vào danh sách sinh vật ngoại lai cần phải loại trừ, vì nó tàn phá ruộng đồng rất “bạo”. Có thời gian, con ốc bươu vàng sinh sôi dữ dội, khiến nông dân “mất ăn mất ngủ” trên chính mảnh ruộng của mình. Nhưng thật lạ, loài sinh vật này lại chính là nguồn thu nhập của bà con trong mùa nước nổi.
“Mỗi đêm, tôi bắt được trên 400kg ốc bươu vàng trên đồng nước, bạn hàng mua với giá 1.200 đồng/kg, kiếm thu nhập hơn 300.000 đồng, sau khi bỏ sở hụi…” - anh Trần Văn Dầy (xóm kênh Mặc Cần Dưng thuộc xã Vĩnh An, Châu Thành) bày tỏ.
Cân ốc bươu vàng |
Khi màn đêm buông dài, tiếng mái chạy lạch tạch, tiếng “í ới” gọi nhau đã xé tan khung cảnh cô liêu, buồn tẻ trên đồng nước. Những bạn hàng thu mua ốc nói vui rằng: “Bà con đi bắt ốc như “con vạc ăn đêm”. Họ căng mắt trên đồng nước để bắt ốc.
Nhờ vậy mà tiêu diệt được số lượng lớn ốc bươu vàng trong mùa nước nổi, giúp nông dân canh tác lúa trúng mùa trong vụ đông xuân”.
Chiếc xe tải vừa đến, đậu cặp bờ kênh Mặc Cần Dưng, cả chục thanh niên nhanh nhảu vác từng bao ốc dưới ghe lên cân cho thương lái, đông vui như ngày hội.
Chúng tôi đưa máy chụp ảnh, mấy thanh niên cười tươi cho biết: “Năm nào lũ về, anh em tụi tôi có sở mần nhờ con ốc bươu vàng này. Tính công vác mỗi tấn kiếm được 100.000 đồng, trung bình mỗi buổi sáng, 1 người vác được 2-3 tấn ốc”.
Còn anh Sang (chủ vựa ốc tại xã Vĩnh An) khoe rằng, những năm trước, người dân bắt được ốc bươu vàng chủ yếu bán cho những hộ nuôi lươn được 300 đồng/kg.
Mấy năm gần đây, nguồn ốc bươu vàng được những hộ nuôi cua biển, tôm sú ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL và miền Trung thu mua mạnh để làm thức ăn tự chế trong chăn nuôi hải sản. Do đó, giá ốc bươu vàng tăng mạnh kéo theo đó, số lượng thương lái vào nghề thu mua cũng nhiều.
“Tình trạng mua phá giá làm gia đình tôi thu mua giảm số lượng từ 15-20 tấn/ngày. 3 năm trước, khu vực cánh đồng ven kênh Mặc Cần Dưng, duy nhất chỉ gia đình tôi đứng ra thu mua, rồi vận chuyển bằng xe tải đông lạnh mang ra tận các tỉnh miền Trung.
Còn bây giờ có rất nhiều người chạy ghe vào tận đồng để thu mua. Trong nghề thương buôn con ốc bươu vàng cũng lắm rủi ro, do cạnh tranh khốc liệt”- anh Sang trầm ngâm.
Chia tay xóm ốc, dưới dòng kênh ngầu đục phù sa, những chiếc xuồng cui đi bắt ốc rẽ nước ràn rạt trở về nhà sau một đêm vất vả trên đồng nước. Người ta ví von, họ như “cái vạc ăn đêm” là vậy!
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin