Mùa nước nổi hàng năm là mùa làm ăn nhộn nhịp của người dân ĐBSCL, tận dụng đánh bắt nguồn thủy sản cá tôm theo con nước về đồng để tăng thu nhập. Theo người dân đầu nguồn sông Cửu Long, hơn 10 ngày nay, tuy nước lũ đổ về và dâng lên rất nhanh nhưng còn thấp hơn nhiều so mọi năm. Sản lượng thủy sản đánh bắt được cũng giảm một nửa, thậm chí tới 2/3 so năm rồi.
Mùa nước nổi hàng năm là mùa làm ăn nhộn nhịp của người dân ĐBSCL, tận dụng đánh bắt nguồn thủy sản cá tôm theo con nước về đồng để tăng thu nhập. Theo người dân đầu nguồn sông Cửu Long, hơn 10 ngày nay, tuy nước lũ đổ về và dâng lên rất nhanh nhưng còn thấp hơn nhiều so mọi năm. Sản lượng thủy sản đánh bắt được cũng giảm một nửa, thậm chí tới 2/3 so năm rồi.
Chợ cá đồng thượng nguồn sôi động mua bán khi con nước đổ về. |
Làng nghề đón lũ muộn
Đón con nước năm nay về muộn, các làng nghề đã nhộn nhịp trở lại sau hơn 1 tháng “hồi hộp tưởng nước không lên”. Tại làng xuồng rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung- Đồng Tháp), 1 tháng trước, nhiều cơ sở đóng xuồng đứng ngồi không yên vì “đợi hoài mà hổng thấy nước”.
Một số chủ cơ sở đóng xuồng cho hay, tuy không sôi động như thời hoàng kim nhưng nghề đóng xuồng mùa lũ cũng đủ ăn khi vào mùa.
Chú Nguyễn Thiện Hữu (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cho biết: “Tui theo nghề đóng xuồng gần 20 năm. Năm nay tính đâu nước không lên, ai ngờ lại lên trễ và lên được như hiện nay cũng mừng rồi”. Mỗi tháng cơ sở của chú Hữu đóng và bán được gần 10 chiếc xuồng cui, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Thị trường lưới, ngư cụ đánh bắt cá cũng khởi động muộn theo con nước trễ. |
Tuy nhiên, theo chú Hữu và một số người dân còn theo nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài, hiện nay nghề đóng xuồng đang dần mai một. Nguyên nhân là do những năm gần đây, lũ nhỏ, lũ muộn và có năm không có lũ nên những làng nghề đóng ghe, xuồng ngày càng hiu hắt.
Hiện làng nghề đã có khoảng 90% người đóng xuồng phải chuyển đổi nghề hoặc làm thêm nghề khác để mưu sinh chứ không còn trông chờ vào mùa nước nổi nữa.
Như chú Trần Hữu Khoa có hơn 30 năm theo nghề đóng xuồng, chia sẻ: “Theo nghề này lâu rồi, bỏ thì buồn nên ngày thường tôi đóng thêm giá võng, gởi bán ở làng chiếu Định Yên, làm tới đâu là bán hết tới đó. Rồi tới mùa nước nổi thì lại làm xuồng, làm ghe.
Lúc trước làm cả năm bán được 500- 1.000 ghe, xuồng, còn bây giờ ít lắm. Như cả tháng nay, nước lên chậm, tôm cá ít, tôi chỉ đóng được 10 chiếc/ tháng”.
Trong khi đó, nhiều người dân làng nghề cũng đã mạnh dạn chuyển đổi hướng làm ăn sáng tạo hơn. Trong đó, việc làm các sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ của ông Nguyễn Văn Tốt (ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cũng đã mở ra một hướng đi mới cho làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người thợ làng nghề.
Cùng với làng nghề đóng xuồng, các mặt hàng lờ, lọp tại làng nghề xã Hòa Long (huyện Lai Vung) cũng tất bật phục vụ cho người dân đánh bắt thủy sản theo con nước.
Đang làm lọp tép, cô Lê Thị Bé Ba (xã Hòa Long) cho hay: “Tôi theo nghề này hơn 30 năm rồi. Phần lớn các công đoạn chẻ, chuốt, gióng… đều phải mướn các tay thợ gia công, các thợ làm chính thực hiện các công đoạn khó như: bện hom, dệt vỉ, lắp ráp các bộ phận. Tuy lũ về muộn, nhưng tụi tui cũng làm tất bật để đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Sản vật mùa lũ giảm
Cua đồng đang vào mùa rộ với giá 20.000 đ/kg. |
Mùa nước nổi về muộn, người dân vùng lũ ĐBSCL cũng đã kịp sắm sửa ngư cụ để tận dụng đánh bắt sản vật theo con nước. Theo ghi nhận của chúng tôi, sản lượng thủy sản năm nay tại các chợ thượng nguồn cũng giảm một nửa, thậm chí 2/3 so năm rồi.
Chị Lê Thị Bạch Tuyết- thương lái mua cua ở xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú- An Giang) cho biết, nước đã về tràn ngập nên cua đồng đang vào thời điểm rộ. Hiện giá thương lái mua cua của nông dân là 20.000 đ/kg, giảm 40.000 đ/kg so đầu mùa.
Người dân bắt cua bán mùa lũ từ hàng chục đến vài trăm kg/ngày. Mỗi ngày chị Bạch Tuyết thu mua khoảng 4 tấn cua “leo lên xe tải” đi tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh.
Theo chị Bạch Tuyết, thông thường thời điểm cua giá thấp như hiện nay sẽ kéo dài khoảng 1 tháng trong mùa lũ, sau đó sẽ giảm lượng và tăng giá trở lại.
Mọi năm thời điểm này đã gần hết cua, nhưng năm nay nước lũ về muộn nên mùa cua vào mùa cũng trễ hơn. So năm ngoái, lượng cua mua được từ nông dân đánh bắt giảm mạnh, khoảng 50%.
Là thương lái mua cá ở xã giáp ranh nước bạn Campuchia, anh Nguyễn Văn Mẫn ở Khánh An (huyện An Phú- An Giang) cũng cho biết, hiện đang vào thời điểm sôi động thu hoạch cá linh, mỗi hộ đặt dớn có thể bắt được hàng chục ký cá/ngày.
Thời điểm cá nhiều như hiện nay kéo dài khoảng 1 tháng. Hiện cá linh non có giá hơn 50.000 đ/kg (đầu mùa hơn 100.000 đ/kg). Theo quan sát của anh Mẫn, năm nay lượng cá giảm 2/3 so năm rồi.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trúc Anh- vợ anh Mẫn- cho hay: “Năm nay nước chụp đồng quá nhanh nên không chỉ cá tôm ít mà các sản vật khác của mùa lũ như: bông súng đồng, bông điên điển… cũng ít hơn và giá tăng cao so năm rồi”.
Cụ thể, bông súng hiện có giá khoảng 6.000 đ/khoanh (năm rồi chỉ 2.000- 3.000 đ/khoanh), mỗi xuồng 2 người lặn từ 2- 3 giờ đến 7- 8 giờ sáng được khoảng 60- 70 khoanh; bông điên điển hiện có giá 25.000- 35.000 đ/kg (giảm so đầu mùa tới 50.000- 60.000 đ/kg) mà chủ yếu là điên điển trồng chớ điên điển mọc tự nhiên giờ còn rất ít.
Dù sản lượng ít và giá tăng nhưng chị Trúc Anh cho biết thêm, hiện các sản vật mùa lũ bán rất hút, có bao nhiêu cũng hết.
Theo nhiều tiểu thương mua tôm cá mùa lũ ở các chợ thượng nguồn, năm nay lũ trễ, lên nhanh nên sản lượng các mặt hàng đồng giảm từ 40- 50% so với năm trước. Ít hàng nên giá tăng 20 -30%. Cụ thể, giá bán lẻ cá chạch 80.000- 100.000 đ/kg, rắn nước, rắn mối 100.000- 250.000 đ/kg, cá linh đầu mùa tại chợ từ 150.000- 200.000 đ/kg, càng cua đồng được bán với giá 200.000- 300.000 đ/kg, tôm càng xanh 400.000- 700.000 đ/kg... |
Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin