Chiếu Cà Mau nhuộm màu... bi đát!

10:09, 16/09/2019

Làng nghề dệt chiếu hàng trăm năm tuổi ở tỉnh Cà Mau đang lụi tàn theo năm tháng

Làng nghề dệt chiếu hàng trăm năm tuổi ở tỉnh Cà Mau đang lụi tàn theo năm tháng

Một thời, chiếu Cà Mau xuôi ngược xuồng ba lá đến khắp các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ. Cứ vào độ tháng 7 âm lịch cho đến Tết nguyên đán hằng năm, làng chiếu Tân Thành (phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) ngày đêm nhộn nhịp như mở hội.

Mai một làng nghề trăm tuổi

Ở phường Tân Thành nay chỉ còn một xóm chiếu nằm bên con đường hẹp, chông chênh, cạnh con sông lớn từng đưa những ghe chiếu đi khắp các tỉnh, thành Tây Nam Bộ. Gọi là xóm chiếu nhưng thật ra chỉ có chừng 5 hộ còn sống lay lắt với nghề.

Ngồi bên khung cửi chỏng chơ bên chái bếp vì chưa có người đặt hàng, bà Nguyễn Thị Thu Trang, một trong những người thợ hiếm hoi còn lại của làng chiếu Tân Thành, than thở: "Hồi đó, vào những ngày này, ở hai bên đường người ta phơi đầy những bó lác rực rỡ đủ màu sắc.

Trong nhà, từ trẻ nhỏ đến người già tất bật, mỗi người một công đoạn hoàn thiện để kịp xuống xuồng chở đi giao hàng cho khách. Còn bây giờ vắng tanh. Nhiều người đã bỏ nghề chuyển sang đào ao nuôi cá, đám trẻ thì đi xứ khác làm ăn hết rồi. Người làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Để dệt ra một chiếc chiếu, người thợ phải rất kỳ công và khéo léo
Để dệt ra một chiếc chiếu, người thợ phải rất kỳ công và khéo léo

Thợ dệt chiếu ở Tân Thành có thể được xem là nghệ nhân bởi họ dệt mỗi chiếc chiếu rất kỳ công và tỉ mỉ với nhiều họa tiết, màu sắc và mang ý nghĩa nhất định.

Chiếu có hình long phụng dành cho đám cưới; chiếu có câu đối chúc may mắn dành cho dịp lễ, Tết; chim chóc, thắng cảnh, sông nước, núi non để trang trí phòng khách...

Để có được những đôi chiếu như vậy, người làng Tân Thành phải trải qua một quá trình sáng tạo không ngừng suốt hàng trăm năm. Trải qua bao thăng trầm, biến cố nhưng chiếu Tân Thành vẫn là sản phẩm được người dùng cả nước ưa chuộng.

Sống trong cái nôi làng nghề từ năm 13 tuổi, đến nay, bà Trang đã có thâm niên 45 năm theo nghề. Mẹ bà Trang nay đã 95 tuổi, biết dệt chiếu từ thời thiếu nữ, cũng do bà ngoại bà Trang truyền nghề. "Tính từ đời bà ngoại tôi thì đến nay, làng nghề đã có trên trăm năm.

Nghề này cực nhất là lúc đi cắt, chẻ lác phơi khô. Dệt một chiếc chiếu mất khoảng 8 giờ nhưng đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Đặc biệt là phải sắp xếp từng sợi lác màu sắc khác nhau để tạo thành một bức tranh, một câu đối" - bà Trang chia sẻ.

Theo bà Trang, chiếu Cà Mau nổi tiếng, vang danh không chỉ do tay nghề khéo léo mà người nằm trên chiếu Cà Mau sẽ cảm thấy mát rượi khi trời nóng bức và ấm áp khi gió lạnh.

Người nằm còn cảm nhận được mùi hương đồng nội từ cây lác, sợi đay. Ngoài ra, kỹ thuật nhuộm lác của người thợ xứ này cũng đạt trình độ cao để chiếu không phai màu.

Không đủ sống và những nghệ nhân sau cuối

Những người thợ cố cựu cho biết thời hưng thịnh, ở Tân Thành có hơn 200 hộ dệt chiếu với trên 1.000 thợ dệt. Khi vào mùa, hàng trăm ha ruộng lác của người dân Tân Thành cung cấp nguyên liệu vẫn không đủ phải đi mua thêm lác ở tận Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Khoảng 10 năm trở lại đây, làng chiếu dần hụt hơi và hiện chỉ còn vài hộ làm cầm chừng theo đơn đặt hàng.

"Làng nghề mai một do người ta phá bỏ ruộng lác để nuôi cá nên thiếu hụt nguyên liệu, rồi lớp trẻ không nối nghiệp. Nhưng nguyên nhân chính là do thị trường ngày càng thu hẹp. Chiếc chiếu dường như không còn xuất hiện trong các gia đình ở đô thị, thậm chí ở cả vùng nông thôn đang ngày càng đô thị hóa" - bà Nguyễn Thị Tuyết, một thợ dệt chiếu lâu năm ở Tân Thành, buồn bã cho biết.

Bà Tuyết thừa nhận ngay trong gia đình mình giờ cũng nằm giường nệm chứ không trải chiếu nữa. "Chiếc chiếu giờ chỉ để trải ngồi chơi ngoài sân hay dùng phơi bánh tráng, phơi cá khô. Không chừng chỉ trong 10 hoặc 20 năm nữa thì nghề này chỉ còn là ký ức khi những người thợ cuối cùng như tôi không còn sức ngồi dệt" - bà Tuyết bùi ngùi.

Nhà bà Tuyết hiện còn 3 khung dệt và 1 guồng quay xe sợi bố, cuộn trái trân. Mẹ bà Tuyết năm nay đã hơn 90 tuổi, không ngồi dệt nổi nên chỉ còn mỗi mình bà theo nghề. Từ khi người con gái duy nhất theo chồng, bà Tuyết phải mướn thêm người vì dệt chiếu thủ công phải có 2 người.

Hiện chiếu lẫy chữ, khổ 1,6 x 2,0m, có giá cao nhất khoảng 600.000 đồng/đôi. Trừ chi phí, người dệt lời khoảng 200.000 đồng nhưng chưa kể tiền công. Rẻ nhất là chiếu khổ 1,2 m bán cho ghe chỉ được 40.000 - 50.000 đồng/đôi, không có lời.

Bà Tạ Thị Thùy (58 tuổi, một trong những người thợ dệt chiếu cuối cùng ở Tân Thành) cho biết khi làng chiếu còn cả trăm hộ dệt thì nhà bà mỗi năm làm ra khoảng 80 đôi chiếu bông, thu nhập bằng một gia đình làm 10 công (1 ha) ruộng.

Bây giờ, tuy chỉ còn vài hộ dệt chiếu nhưng mỗi năm làm chưa tới 20 đôi, thu nhập từ chiếu không đủ sống. "Thật ra, bây giờ dệt chiếu vì đam mê chứ không phải để mưu sinh. Nhiều người phải bỏ nghề và sắp tới chắc tôi cũng không ngoại lệ" - bà Thùy bộc bạch.

Ngay cả bà Trần Thị Chín, một trong những thợ dệt chiếu giỏi nhất ở Tân Thành, cũng đành để 3 khung cửi vào xó bếp. "Nhiều lúc thấy chật chội định vứt bỏ nhưng tiếc nên để đó làm kỷ niệm" - bà Chín thở dài. Bà Chín cho biết nhà bà bắt đầu nghề dệt chiếu nhờ bà ngoại truyền cho.

Thời còn đốt đèn dầu thì nhà nào cũng dệt chiếu. Chiếu trắng, chiếu bông, chiếu lẫy chữ. Từ khi có điện thì nghề dệt chiếu giảm dần, rồi lần lượt bỏ vì làm ra không bán được.

Giữa trưa, câu vọng cổ bất chợt văng vẳng từ ngôi nhà bên cạnh: "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy (…) Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm..." càng làm cho khung cảnh tĩnh lặng của vùng quê vốn là thủ phủ của nghề dệt chiếu phương Nam càng thêm quạnh quẽ.

Bờ kinh Ngã Bảy bây giờ đã không còn ghe chiếu tấp nập neo đậu. Làng chiếu trăm tuổi ở Cà Mau chỉ còn sót lại vài người già đang cố níu nghề được ngày nào hay ngày đó.

Phải gắn với du lịch

Bà Huỳnh Thị Vis Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Thành, cho biết để làm ra những đôi chiếu đẹp, chị em phụ nữ đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức. Thế nhưng, nghề chiếu hiện không còn chỗ đứng trên thị trường. Để giữ gìn và duy trì được nghề truyền thống này thì địa phương phải xây dựng những điểm du lịch gắn với nghề truyền thống, phải tăng cường quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh