Những gốc cây sần sùi, tấm gỗ cũ kỹ lại có thể đội giá hàng trăm triệu đồng nhờ tài "biến hoá" của các nghệ nhân gỗ.
Những gốc cây sần sùi, tấm gỗ cũ kỹ lại có thể đội giá hàng trăm triệu đồng nhờ tài “biến hoá” của các nghệ nhân gỗ.
Tay chân lúc nào cũng lấm lem bởi tiếp xúc nhiều với bụi bặm, mạt cây, nhưng chính nhờ lòng yêu nghề đã thúc đẩy những người thợ điêu khắc gỗ vượt lên vất vả để cho ra đời những kiệt tác.
Bằng bàn tay và khối óc, những người thợ đã thổi hồn cho vật vô tri, vô giác trở nên sống động, mang đến nhiều giá trị vật chất, tinh thần.
Gian truân đến với nghề
Ông Thạnh “biến hoá” khối gỗ thành tác phẩm điêu khắc có giá trị hàng trăm triệu đồng. |
Anh Trương Văn Khương, 24 tuổi, ấp Xóm Chùa, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, được nhiều người biết đến bởi tài đắp tượng Phật và điêu khắc gỗ.
Xuất thân trong gia đình khó khăn, ba mẹ lại ly tán lúc anh còn nhỏ, theo cha lên Bình Dương mưu sinh bằng nghề bán vé số, anh Khương thường đến nơi khắc gỗ, đắp tượng Phật trộm nhìn.
Nhờ có năng khiếu bẩm sinh, chỉ học lỏm ở một số nơi mà anh đã có thể tự phác hoạ và điêu khắc gỗ được.
Trở về địa phương lập nghiệp, anh Khương săn lùng những gốc cây đã bỏ đi để khắc bàn, ghế và đắp tượng Phật. Sau khi sản phẩm được ra đời, anh đăng lên mạng xã hội được rất nhiều bạn bè, người quen thích thú và ngõ giá mua. Khách hàng ban đầu của anh chỉ có thế.
Dần dần, anh tiếp tục cho ra đời những sản phẩm thủ công bằng gỗ như các con vật, bàn trang điểm, tủ đựng mỹ phẩm, kệ dép, móc khoá bằng gỗ… Nhờ khéo tay hay làm, sản phẩm của anh được nhiều người đặt hàng qua sự giới thiệu của bạn bè và mạng xã hội.
Cũng gian truân trong buổi đầu đến với nghề “tạo hình cho gỗ”, bởi anh Nguyễn Trúc Nhị, 23 tuổi, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, khiếm khuyết (câm) bẩm sinh.
Mỗi lần đi qua cơ sở điêu khắc gỗ Út Thạnh, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình của nghệ nhân Trần Văn Thạnh là anh lại ghé vào xem. Và rồi niềm đam mê với nghề đã thôi thúc anh xin học nghề.
Chàng thanh niên gương mặt thanh tú lại có số phận không may này lại thuộc "top" học trò xuất sắc của cơ sở điêu khắc gỗ Út Thạnh. Mặc dù bị câm nhưng anh vẫn nghe, hiểu được lời nói của mọi người.
Vốn có năng khiếu bẩm sinh, tháo vát và không ngại việc nên chỉ trong thời gian ngắn học nghề, anh Nhị đã thông thạo các bước điêu khắc gỗ, đặc biệt là rất giỏi trong khâu đục gỗ.
Là một trong những thợ điêu khắc gỗ có tiếng tại Cà Mau, ông Trần Văn Thạnh, 58 tuổi, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Út Thạnh, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: "Tôi khá bất ngờ khi gia đình đến xin cho Nhị học nghề.
Làm nghề mấy mươi năm và cũng nhận khá nhiều học trò nhưng đây là trường hợp đặc biệt nhất. Mặc dù bị khiếm khuyết nhưng cậu học trò này học nghề rất nhanh và được tôi đánh giá là có tố chất và tiềm năng nhất. Bởi cậu ấy rất siêng năng, nhanh nhạy, khéo tay và có óc sáng tạo".
Lưu giữ nét nghề
Cũng là tạo tác trên gỗ, nhưng nghề điêu khắc gỗ phần nhiều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, óc sáng tạo so với nghề thợ mộc.
Để thổi “hồn” cho mỗi tác phẩm điêu khắc, người thợ thường dựa theo hình dạng, màu sắc, kích thước, đặc điểm, đặc thù trên từng khối gỗ để phát triển thành những chi tiết sống động nhất.
Hành nghề điêu khắc mấy mươi năm, ông Thạnh được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Điều ông Thạnh trăn trở nhất là đào tạo ra học trò đủ tâm, đủ tài để nghề điêu khắc thủ công ngày càng đứng vững, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp hiện đại.
Ông Thạnh truyền nghề lại cho thế hệ trẻ. |
Ông Trần Văn Thạnh cho biết: “Khâu quan trọng nhất của nghề điêu khắc gỗ là bước phác thảo ra hình dáng rồi đến khâu đục tạo hình và đánh bóng.
Khách hàng thường đặt những tác phẩm gỗ theo phong thuỷ như tượng Phật, tượng Bát tiên, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú (long, lân, quy, phụng, cá chép, tứ quái...).
Trước khi phác thảo, tôi thường tư vấn cho khách hàng về hình dáng, chất liệu gỗ cũng như màu sắc, kích thước cho phù hợp với túi tiền và ý muốn của khách hàng. Bởi mỗi sản phẩm làm ra cũng chính là đứa con tinh thần của người thợ".
Không phụ lòng mong đợi của gia đình, anh Trần Hoàng Tỷ, con trai ông Út Thạnh đã nối nghiệp cha mình với nghề điêu khắc gỗ. Mặc dù hiện tại anh Tỷ chưa thể tự cầm cưa phác thảo ra hình dáng sản phẩm nhưng đã thông thạo khâu đục gỗ.
Anh Tỷ chia sẻ: "Từ nhỏ tôi đã chứng kiến cha phải thức khuya, dậy sớm để sống trọn với đam mê. Và không biết từ bao giờ, hình ảnh mồ hôi nhễ nhại trên vầng trán của người thợ đang chú tâm làm đẹp cho đời đã thôi thúc tôi đến với nghề này. Bởi thế, tôi quyết định theo đuổi nghề để kế nghiệp cha cho ra đời những sản phẩm bằng cả tâm huyết".
Vẻ đẹp hình thể có thể phai mờ theo năm tháng nhưng vẻ đẹp lao động lại hiện hữu mãi với thời gian. Và những người làm nghề điêu khắc gỗ luôn mộc mạc, bình dị, xứng đáng được gọi là “nghệ nhân”, chính họ đã nâng tầm giá trị từ vật chất đến tinh thần cho những khúc gỗ vô tri./.
Theo Báo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin