Cây sen được xem là một loại tài nguyên bản địa quý giá của Đồng Tháp, nhưng với nhiều nông dân, cây sen chỉ đơn thuần dừng lại là một loại cây trồng nông nghiệp, chưa khai thác hết tiềm năng còn ẩn mình.
Cây sen được xem là một loại tài nguyên bản địa quý giá của Đồng Tháp, nhưng với nhiều nông dân, cây sen chỉ đơn thuần dừng lại là một loại cây trồng nông nghiệp, chưa khai thác hết tiềm năng còn ẩn mình.
Nhằm khai thác hết giá trị gia tăng của sen, người nông dân yêu sen huyện Tháp Mười thực hiện giải pháp dệt tơ sen thành lụa với ước mơ đổi đời cho cây sen và chính người trồng sen.
Tuyển chọn thân cây sen để chuẩn bị cho công đoạn rút tơ |
Những ngày qua, tại huyện Tháp Mười có một lớp học nghề đặc biệt - kéo, miết chỉ tơ sen do Hội Nông dân huyện Tháp Mười phối hợp với Viện Kinh tế Sinh thái (ECO ECO) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức, lớp học thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương, nhất là những nông dân trồng sen.
Khi tham dự lớp học, học viên sẽ được đào tạo thuần thục các kỹ năng như: kéo, miết chỉ tơ sen, se tơ... các bước đệm đầu tiên để tiến đến dệt vải tơ sen.
Chị Trần Thị Thu Huyền ngụ ấp 1, xã Tân Kiều là 1 trong 20 học viên của lớp học nghề này tâm sự: “Đã gắn bó với cây sen hơn nửa đời người nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết tơ sen có thể dệt thành vải vóc và có giá trị kinh tế cao.
Trước đây, gia đình tôi trồng sen rất nhiều nhưng chủ yếu chỉ lấy gương và ngó để bán, các bộ phận khác của cây sen như lá, thân thì để khô trên đồng vì chẳng có người mua.
Nếu nghề rút chỉ tơ sen này phát triển, sản phẩm từ tơ sen có đầu ra ổn định, tôi tin đây sẽ là hướng đi triển vọng cho những người trồng sen như gia đình tôi”.
Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng bà Nguyễn Ngọc Nhi rất hào hứng với nghề mới này: “Những ngày học đầu tiên, tôi rút chỉ không đạt lắm, tơ sen chạy ra không nhiều cứ đứt quãng hoài nhưng tôi không nản, quyết tâm làm bằng được.
Bởi có làm tốt từ những công đoạn đầu thì những tấm vải tơ sen sẽ không còn là “giấc mơ” xa xôi. Tôi và các chị em ở đây rất hào hứng và quyết tâm thực hiện bằng được”.
Cũng như chị Huyền và bà Nhi, hơn 20 học viên của lớp học kéo, miết chỉ tơ sen đều quyết tâm với nghề khá mới mẻ ở vùng đất này. Bởi các chị hiểu rằng sự cố gắng của bản thân hôm nay sẽ là bước đệm cho sự hình thành của một làng nghề dệt lụa tơ sen mai sau của quê hương Đồng Tháp.
Lớp học kéo, miết chỉ tơ sen |
Chị Nguyễn Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười cho biết, để chuẩn bị cho lớp dạy nghề kéo, miết chỉ tơ sen và tiến đến hình thành làng nghề dệt lụa tơ sen, huyện Tháp Mười đã chuẩn bị gần 2 năm qua.
Đầu tiên là cử cán bộ đi tham quan học tập tại các nước có truyền thống lâu đời với nghề dệt lụa tơ sen như: Myanma, Campuchia. Sau đó, kết nối với các đơn vị tài trợ để hỗ trợ địa phương mở các lớp dạy nghề về kéo, miết chỉ tơ sen.
Sau khi các lớp dạy nghề này kết thúc, địa phương sẽ tiếp tục kết nối với các startup, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang để phát triển sản xuất lụa tơ sen theo hướng chuyên nghiệp hơn và tiến tới hình thành một làng nghề thủ công tại huyện Tháp Mười.
Thời gian qua, với những nỗ lực của tỉnh, sự dấn thân hết mình của các startup Đồng Tháp, địa phương đã phát triển được nhiều sản phẩm chế biến sâu từ cây sen như: tinh dầu sen, trà lá sen, hạt sen sấy, trà hoa sen...
Tuy nhiên, để có một sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn của cả cộng đồng như sản phẩm lụa tơ sen thì vẫn còn một hành trình dài cần phải cố gắng.
Tin chắc rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương và những người nông dân tâm huyết với cây sen, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như lụa tơ sen sẽ không còn là giấc mơ với người dân Đất Sen hồng.
Theo Mỹ Lý/Báo Đồng Tháp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin