Ấn tượng với mỹ thuật đồng bằng

03:08, 12/08/2019

175 tác phẩm xuất sắc nhất của 157 tác giả đến từ 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, được chọn triển lãm, mang đến nhiều cảm nhận thú vị, không chỉ ở ý tưởng, đường nét, màu sắc, mà còn ở sự bố trí trang trọng, ấn tượng trong không gian ấm cúng. Tất cả tạo nên dấu ấn và ngày càng đẳng cấp cho sân chơi cấp khu vực.

175 tác phẩm xuất sắc nhất của 157 tác giả đến từ 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, được chọn triển lãm, mang đến nhiều cảm nhận thú vị, không chỉ ở ý tưởng, đường nét, màu sắc, mà còn ở sự bố trí trang trọng, ấn tượng trong không gian ấm cúng. Tất cả tạo nên dấu ấn và ngày càng đẳng cấp cho sân chơi cấp khu vực.

 Một góc triển lãm.
Một góc triển lãm.

Đa dạng đề tài, chất liệu

Năm nay, triển lãm do tỉnh Long An đăng cai. Sân chơi thường niên này đã trở nên quen thuộc của các nghệ sĩ tạo hình khu vực ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, nhiều năm dõi theo các triển lãm cấp khu vực, ông rất vui khi thấy các nghệ sĩ ngày càng đông về số lượng, tăng về chất lượng.

“Các nghệ sĩ đã chịu khó tìm tòi, thể nghiệm cái mới, xông xáo đi vào những đề tài khó, đồng thời phản ánh đa dạng đời sống xã hội. Sự trải nghiệm thể hiện rất rõ qua từng năm. Tuy nhiên, cái khó là họ phải thể hiện cho được ý tưởng, một góc nhìn mới từ những điều tưởng chừng như quen thuộc. Đây là điều mà tôi cảm nhận được sự tiến bộ qua từng năm, nhất là ở triển lãm năm nay”, ông hồ hởi.

Mỗi năm, hội đồng nghệ thuật đều có những nhận xét, góp ý, chia sẻ những mảng đề tài cần khai thác, cách thể hiện ý tưởng mới lạ, để các nghệ sĩ tạo hình tự chiêm nghiệm và tìm cách khai thác, thể hiện tác phẩm. Điều này luôn được thể hiện ở tác phẩm của họ ở lần triển lãm sau. Chính sự tiếp thu này đã tạo nên sự khác biệt cho những lần triển lãm.

Nếu như trước đây, các mảng đề tài các tác giả chọn khá rộng và chuyển tải ý tưởng lớn, thì vài năm trở lại đây, đời thường được khai thác khá nhiều. Đây là mảng đề tài rất gần gũi với đời sống hàng ngày: Những cảnh sinh hoạt trên ruộng đồng, sông nước, những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống, như sự nô đùa của trẻ em với cánh diều tuổi thơ, những món ăn gắn với thời thơ ấu, những làng nghề truyền thống, lễ hội, công trình, bến sông quê, con đường làng…

Như tác phẩm “Đồng trưa” của Hà Phước Duy (Long An) “Quê mẹ” của Lê Duy (Tiền Giang), “Que kem” của Trần Nguyên Đán; “Bến quê” của Nguyễn Ngữ, “Diều đêm” của Nguyễn Thị Hoàng Liên (Trà Vinh), “Cá” của Đặng Kiều Uyên, “Chiều buông trên cánh đồng” của Lê Thọ (Cà Mau)…

 Tác giả còn chọn và sử dụng nhiều gam màu nóng, sáng… để thể hiện những ý tưởng của mình. Điều này làm cho các bức tranh trở nên sinh động, nhẹ nhàng, tươi mới. Sự bố trí nghệ thuật tạo nên không gian đẹp, lung linh, làm nên bức tranh đa chiều, càng làm nổi bật lên vẻ đẹp của từng sản phẩm được làm nên từ trái tim rung cảm của người nghệ sĩ từ hiện thực cuộc sống. Chất liệu đa dạng, từ sơn dầu, tổng hợp, actylic, màu nước, lụa, decal, composite, khắc gỗ, bút sắt, bút kim… đã tạo nên được những đường nét đa dạng, ấn tượng.

Người trẻ chiếm ưu thế

Các tác phẩm đạt giải lần này phần lớn là những tác giả trẻ ở cả giải thưởng dành cho hội viên Trung ương lẫn địa phương, như Hà Phước Duy (Long An) với tác phẩm “Đồng trưa” (giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam); Lê Thị Thắm (Bến Tre), Châu Hoàng Trọng (Đồng Tháp) (giải I và II Mỹ thuật ĐBSCL)…

Tác giả Lê Thị Thắm xúc động: “Tác phẩm Thiếu nữ tôi vẽ trong 2 tháng, bằng chất liệu lụa. Tôi đã dồn hết tâm huyết để thể hiện và chỉ nghĩ tham gia để học hỏi kinh nghiệm. Được đánh giá cao ở lần triển lãm này, tôi rất bất ngờ và thấy mình phải tiếp tục tìm tòi nhiều hơn, để có cách thể hiện mới trong những tác phẩm tiếp theo”.

Thế hệ tác giả trẻ có thể kể đến là Hà Phước Duy (Long An), Lê Thị Thắm (Bến Tre), Trần Nguyên Đán (Trà Vinh), Nguyễn Duy Dương (Hậu Giang), Châu Hoàng Trọng (Đồng Tháp)… Cùng với thế hệ trẻ, những nghệ sĩ tạo hình kỳ cựu, đã tạo được “thương hiệu” riêng như: Hoàng Anh (Tiền Giang), Trần Công Hiến (Đồng Tháp), Bùi Quang Vinh (An Giang), Ánh Hồng, Đặng Can (Vĩnh Long), Lý Cao Tấn (Cà Mau)… vẫn giữ được nét riêng khó hòa lẫn và những tác phẩm này càng có chiều sâu, đầu tư bài bản. Điều này đã tạo nên sự giao thoa rất ấn tượng.

Trên cái nền vững chắc của những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, vốn sống, vẫn luôn tìm tòi và thể hiện với tất cả chiều sâu, đã hòa quyện cùng với sự sáng tạo táo bạo, mới, dám thử sức với chất liệu, đề tài mới, tạo nên dấu ấn, sức sống cho các tác phẩm.

Sự tươi mới trong ý tưởng cùng với sự quyết liệt trong cách thể hiện những gam màu đã làm cho các tác phẩm của họ có được một sức sống riêng. Họa sĩ Hoàng Anh (Tiền Giang), chia sẻ, ông thuộc lớp họa sĩ trưởng thành sau giải phóng, là người tham gia sân chơi này từ những triển lãm đầu tiên. Khi nhìn thấy các bạn trẻ có sức sáng tạo, làm nên những tác phẩm đẹp, ông rất mừng và tràn đầy niềm tin. Tranh năm nay rất đẹp và dễ chịu. Sự đầu tư kỹ càng của các tác giả đã tạo nên những điểm nhấn rất riêng, chất lượng cho triển lãm.

Một mùa giải với nhiều tâm huyết đã kết thúc. Trong số những tác phẩm xuất sắc lần này, sẽ có 25 tác phẩm được giới thiệu tiếp tục tham dự giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Mỹ thuật đồng bằng sẽ tiếp tục cạnh tranh cùng các khu vực khác để khẳng định và tỏa sáng… Còn các nghệ sĩ, họ sẽ trở về với công việc hàng ngày, nuôi dưỡng, biến những ý tưởng thành tác phẩm chuẩn bị cho lần triển lãm tiếp theo… 

Theo Báo Hậu Giang

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh