Trong vài tuần qua, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp và một số tỉnh ĐBSCL gần như bị rớt chạm đáy, chỉ còn dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi sẽ bị lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Trong vài tuần qua, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng Tháp và một số tỉnh ĐBSCL gần như bị rớt chạm đáy, chỉ còn dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi sẽ bị lỗ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Cùng với đó tình hình xuất khẩu trong những tháng gần đây cũng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, nếu khéo léo tận dụng tốt các cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thì xuất khẩu cá tra vẫn có nhiều triển vọng trong những tháng cuối năm.
Giá cá tra 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, người nuôi cá tra lại lao đao. |
Diện tích nuôi cá tra tăng “nóng”
Giải thích về nguyên nhân khiến giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm sâu trong khoảng thời gian gần đây, ông Hà Bửu Khánh, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá cá tra nguyên liệu thời gian gần đây giảm mạnh. Nguyên nhân chính vẫn là tình trạng tăng “nóng” diện tích thả nuôi sau đợt tăng giá năm 2017 và 2018. Trong đó, một số tỉnh có diện tích nuôi tăng mạnh gồm: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ…
Không riêng các vùng nuôi cá tra trọng điểm tăng diện tích nuôi mà ngay cả một số quốc gia khác có điều kiện khí hậu tương đồng với Việt Nam cũng bắt đầu mở rộng diện tích nuôi cá tra.
Theo Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay không những trong nước phát triển nhanh diện tích nuôi cá tra mà nhiều quốc gia có điều kiện khí hậu tương đồng với Việt Nam cũng bắt đầu tham gia vào cuộc đua này.
Một số quốc gia tăng mạnh diện tích nuôi cá tra thời gian gần đây như: Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Trung Quốc…
Theo ước tính tổng sản lượng sản xuất cá tra của các quốc gia này trong 1 năm tương đương với tổng sản lượng cá tra của cả Việt Nam.
Với những hộ chăn nuôi có bề dày kinh nghiệm với nghề nuôi cá tra, đợt giảm giá lần này cũng là đợt giảm giá khá sâu trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nếu có liên kết với doanh nghiệp chế biến thì người nuôi vẫn có khả năng trụ lại được với nghề. Tuy nhiên, với những hộ chăn nuôi chỉ mới đào ao chuyển sang nuôi cá tra khoảng thời gian gần đây thì sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Cá tra, hiện nay để phục vụ chế biến, xuất khẩu hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng vùng nuôi ổn định và gần như không thu mua nhiều ở các vùng nuôi bên ngoài không liên kết.
Do đó, trong đợt giảm giá sâu lần này, các hộ chăn nuôi ngoài diện tích liên kết là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và khó trụ vững khi tình hình tiêu thụ cá tra gặp khó khăn.
Thay đổi để thích ứng với tình hình mới
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 6-2019 tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 961,6 triệu USD giảm 4,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Thời gian qua với những diễn biến phức tạp từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gián tiếp tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Trong đó, việc Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng thủy sản của Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản thế mạnh của quốc gia này, trong đó mặt hàng cá rô phi là chủ yếu.
Do xuất khẩu khó khăn nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá rô phi của Trung Quốc quay lại phục vụ thị trường nội địa, điều này khiến cho mặt hàng cá tra của Việt Nam mất nhiều thị phần ở thị trường Trung Quốc thời gian gần đây.
Song song đó, những giai đoạn trước đây ngoài việc nhập khẩu cá tra Việt Nam phục vụ cho thị trường nội địa, các doanh nghiệp Trung Quốc còn chế biến để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Do đó, khi thương mại của hai quốc gia này căng thẳng đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đồng nhân dân tệ giảm giá cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tình hình nhập khẩu của cá tra sang thị trường tỉ dân này.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn về tình hình xuất khẩu ở những tháng đầu năm, thì nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng nếu tận dụng tốt những cơ hội mới từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, như:
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá tra của Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Trong đó, EVFTA là một trong những hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại sự tăng trưởng mạnh cho ngành hàng cá tra khi chính thức được thực thi.
Ngày 30-6-2019, EVFTA chính thức được ký kết, theo đó nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm và xóa bỏ thuế quan khi xuất khẩu vào các quốc gia Liên minh châu Âu.
Riêng đối với ngành hàng thủy sản, EU cam kết có khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm.
Ngoài ra, cũng theo thông tin từ VASEP, hiện Trung Quốc đã phê duyệt cho 33 mặt hàng thủy sản của Việt nam được miễn thuế khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Trong đó, bao gồm nhiều mặt hàng thủy sản thế mạnh của Việt Nam, như: Cá tra, cá basa, tôm sú, cá ngừ đại dương, cá nục gai, bạch tuộc…
Đây là cơ hội để thủy sản Việt Nam khai thác tốt thị trường tỉ dân. Song, hiện nay thị trường Trung Quốc bắt đầu đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe không thua gì thị trường như: Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản.
Hiện Trung Quốc đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng kiểm nghiệm, kiểm dịch chất lượng hàng hóa quy mô lớn tại khu vực giáp biên giới với trang thiết bị hiện đại không thua kém các quốc gia tiên tiến.
Song song đó, bắt đầu từ ngày 1-10-2019 các lô hàng nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải có chứng thư xuất khẩu đi kèm.
Do đó, Sở Công thương Đồng Tháp cũng lưu ý các doanh nghiệp cần chú ý đến phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, đóng gói, ghi nhãn hàng hóa…
Mặc dù là sản phẩm mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho quốc gia, song thời gian qua con cá tra đã trải qua nhiều biến cố “thăng trầm”.
Chia sẻ về vấn đề này Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam-Dương Nghĩa Quốc, nói: “Tôi nghĩ rằng, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững và có thể cạnh tranh được ở nhiều thị trường khó tính thì ngoài việc sản xuất chất lượng, đảm bảo các yêu cầu gắt gao của nhà nhập khẩu thì vấn đề liên kết chuỗi, liên kết vùng nhằm điều tiết sản lượng là yếu tố cần được quan tâm nhiều hơn.
Hiện nay, cá tra Việt Nam không còn thời vàng son “một mình một chợ” như trước đây, hiện đã có nhiều quốc gia bắt đầu sản xuất cá tra xuất khẩu và cạnh tranh với Việt Nam.
Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng cho cá tra từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến thì khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Ngoài việc tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường truyền thống, thì các thị trường mới nổi cũng cần được quan tâm xúc tiến nhiều hơn”.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin