Trong nhiều gia đình người Việt, tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Ngoài mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên, tủ thờ Gò Công còn là nơi để cất giữ đồ vật quý giá, là vật trang trí…, góp phần tạo nên không gian sang trọng của mỗi ngôi nhà.
Trong nhiều gia đình người Việt, tủ thờ Gò Công có ý nghĩa to lớn trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân. Ngoài mục đích thờ cúng ông bà tổ tiên, tủ thờ Gò Công còn là nơi để cất giữ đồ vật quý giá, là vật trang trí…, góp phần tạo nên không gian sang trọng của mỗi ngôi nhà.
Tủ thờ Gò Công nổi tiếng trong và ngoài nước. |
Trong những năm đầu thế kỷ XVII, theo dòng người từ phương Bắc vào phương Nam mở cõi lập nghiệp, tủ thờ Gò Công đã được những bàn tay tinh xảo, điệu nghệ của thầy thợ đất Bắc mang vào phương Nam tạo dựng nên tủ thờ mang âm hưởng, đường nét hoa văn của cội nguồn đất Tổ. Theo những người làm nghề đóng tủ thờ, ông Nguyễn Ngọc Hải là người đầu tiên khởi xướng và có công đưa nghề đóng tủ thờ ở đây phát triển, đến nay đã trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng.
Mãi đến thế kỷ XIX mới có những chiếc tủ thờ đóng bằng gỗ quý khảm xà cừ do các lái buôn đem từ Quảng Nam vào, nhưng khá đắt tiền. Để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp bình dân, tại địa phương dần dần xuất hiện một loại tủ thờ đơn giản hơn. Đó là tủ thờ Gò Công, có lịch sử trên 150 năm. Loại tủ thờ này đóng bằng gỗ gõ đen, sườn đố hơi thô kệch, ván trám dày chặt nặng nề.
Còn kiểu dáng khá đơn giản, tương tự như một chiếc thùng vuông đặt trên cái tợ chân quỳ. Đặc điểm của loại tủ thờ nguyên thủy này là có hai cánh cửa ở mặt trước, đầu hai tấm trám cánh cửa được bo tròn, bốn chân tủ làm theo kiểu chân quỳ, khác với kiểu chân hình mũi hài của tủ miền ngoài. Cây tủ thờ bấy giờ cũng chưa có những bộ phận ghép vào (bông dâu, giỏ dâu, bó đũa), chỉ đắp…
Đến khoảng đầu thế kỷ XX, tủ thờ Gò Công được cải tiến. Nhiều tủ được đóng bằng gỗ cẩm lai, kiểu dáng mới lạ, kích thước cao ráo, cân đối, hài hòa, đặc biệt là có khảm xà cừ. Trong giai đoạn này, tủ thờ Gò Công có hai hoặc ba trám, cửa mở bên hông.
Để có tỷ lệ thích hợp, các nghệ nhân đã thiết kế thêm một hàng song tiện, hộc tủ hoặc thêm trám chạm, cẩn; đồng thời, để tăng thêm nét duyên dáng, nghệ nhân đã ghép thêm ba hoặc bốn bó đũa, hai đầu mỗi bó đũa có hai cái giỏ dâu. Chân quỳ cũng được cải tiến: Chân cong và cao, bụng có eo khá duyên dáng...
Khoảng năm 1930, tại xóm Ông Non (xã Tân Niên Trung, nay là xã Tân Trung, TX. Gò Công) có một trại đóng tủ thờ, chở bán khắp nơi, từ đó tủ thờ Gò Công trở thành thương hiệu. Năm 1936, ông Cai tổng Hòa Lạc Thượng thuê nghệ nhân Năm Nhâm đóng một cây tủ thờ, đặc biệt toàn gỗ quý để triển lãm, gây được tiếng vang lớn nhờ các giải thưởng ở Sài Gòn.
Nhờ đó, ông Năm Nhâm lập một trại đóng tủ thờ kiểu Gò Công ở số 350B Quai de Belgique - Sài Gòn. Năm 1945, giặc Pháp tái chiếm Sài Gòn, ông trở về Gò Công lập trại đóng tủ ở cầu Sơn Quy, lấy hiệu là Nhâm - Sơn Quy khá nổi tiếng.
Tủ thờ Gò Công lúc bấy giờ đóng toàn bằng gỗ cẩm lai, mặt trước có hai trám, hai bên hông có hai cánh cửa. Nhóm thợ thực hiện lần cải tiến này đã được đào tạo ở Trường Mỹ thuật thực hành Lái Thiêu, cho nên tuy làm thủ công nhưng đã áp dụng kỹ thuật làm mộng rất tinh vi và vững chắc.
Tủ thờ Gò Công bấy giờ ít nhiều ảnh hưởng kiểu tủ Louis của Pháp, nhiều bộ phận bằng gỗ mun được lắp thêm vào như: Chuỗi, tộ, giỏ dâu, bông dâu, bó đũa, xà leo… định hình và tồn tại gần nửa thế kỷ.
Theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với đời sống của cư dân địa phương qua từng thời kỳ. Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ, từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19 - 21 trụ, với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ. Điều đặc biệt là, tất cả các chi tiết đều được làm bằng gỗ nối với nhau bởi mộng, khóa để ráp lại vừa khít, không hề có cây đinh, sắt nào. Giá trị của chiếc tủ thờ nằm ở các chi tiết như: Trụ (những thanh trang trí thẳng đứng được làm hoàn toàn bằng gỗ mun, chạm cẩn tinh vi), ốc, xà cừ và chất liệu gỗ.
Mỗi chiếc tủ thờ nơi đây được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, bởi các hoa văn trên tủ rất phong phú và thường dựa theo điển tích cổ, thể hiện triết lý nhiều trường phái khác nhau, như các tiểu cảnh tứ linh (long, lân, quy, phụng), hoặc tứ quý (mai, lan, trúc, cúc), hay lấy tích “Nhị thập tứ hiếu”, Phước, Lộc, Thọ… mang tính dân gian, đậm nét văn hóa vùng đất Gò Công nói riêng và vùng Đồng bằng Nam bộ nói chung.
Bên cạnh đó, qua bàn tay tài hoa, tâm huyết, khiếu thẩm mỹ, sự sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài của các nghệ nhân, chiếc tủ thờ truyền thống Gò Công chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần, mang đậm dấu ấn của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Khách hàng lớn nhất của xóm tủ thờ Ông Non là ở Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…
Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công làm ăn ngày càng phát đạt. Ngày nay, nhắc đến tủ thờ Gò Công, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Ba Đức. Tủ thờ Ba Đức giờ đây không chỉ có mặt trong cả nước, mà còn xuất khẩu sang nước ngoài.
Nghệ nhân Ba Đức, người được mệnh danh là “kỷ lục gia” của tủ thờ Gò Công, đã sản xuất chiếc tủ thờ giá 750 triệu đồng với 30 trụ đứng chạm trổ tinh xảo. Ông được xem là một trong những nghệ nhân lão luyện, góp phần “giữ hồn” cho nghề đóng tủ thờ ở Gò Công.
Có thể nói rằng, làng nghề thủ công truyền thống đóng tủ thờ Gò Công là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, cần được bảo tồn và phát huy, để gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng.
Ngày nay, kinh tế - xã hội phát triển, nhu cầu về tủ thờ cũng đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn, làng nghề tủ thờ truyền thống Gò Công vẫn tiếp tục phát triển, cạnh tranh được với những tủ thờ cao cấp khác và ngày càng khẳng định thương hiệu trăm năm của mình.
Theo Báo Ấp Bắc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin