Sông nước Đình Khao

06:07, 28/07/2019

Gần 300 năm trước (1732), khi nhà Nguyễn lập châu Định Viễn thuộc dinh Long Hồ, có lẽ "Đình" đã xuất hiện nơi này. Nhưng chưa kèm chữ "Khao". Với công cuộc chinh phục phương Nam và giữ yên chốn biên thùy, thì triều đình phải có hùng binh trấn giữ.

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

[links()]

Gần 300 năm trước (1732), khi nhà Nguyễn lập châu Định Viễn thuộc dinh Long Hồ, có lẽ “Đình” đã xuất hiện nơi này. Nhưng chưa kèm chữ “Khao”. Với công cuộc chinh phục phương Nam và giữ yên chốn biên thùy, thì triều đình phải có hùng binh trấn giữ.

Công Thần miếu.
Công Thần miếu.

Tuy nhiên, thời ấy, đường vạn lý chưa thông, vận binh lương chủ yếu dựa vào thủy đạo. Xét về địa thế, thuyền đi từ phủ Gia Định về phương Nam phải qua sông Măng Thít và sông Long Hồ.

Trên hành trình, phải có trạm dừng gọi là “đình” (亭) để lấy thêm lương hoặc dân binh. Vị trí vùng đất bên dòng Cổ Chiên có chỗ gò cao thuận lợi cho việc đồn binh kiểm soát cửa sông. Dần dà, cư dân các nơi tụ lại đông đúc, làng hình thành.

Để tiện việc sinh hoạt cộng đồng và ghi công các vị tiền hiền, thờ các vị thần bảo trợ, cư dân lập nên đình thần. Ở buổi sơ khai đình có tên gọi là miếu Hội Đồng.

Theo Đại Nam nhất thống chí, miếu Hội Đồng được xây dựng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), tại thôn Thanh Mỹ Đông, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc TP Vĩnh Long). Miếu thờ 85 đạo sắc, tượng trưng cho 85 vị công thần các thời Lê, Nguyễn.

Triều đình quy định, hàng năm các quan đầu tỉnh đến tế lễ tại đây. Miếu vừa là nơi thờ phụng, nơi hội quân và cũng là chỗ khao quân nên gọi là
Đình Khao.

Đình Khao bên bờ Cổ Chiên. Tôi có đọc tài liệu đâu đó, cho rằng: “Cổ” nghĩa là cái trống, “chiên” phải đọc là chiêng mới có nghĩa, Cổ chiêng hoặc Cổ Chinh (鼓 钲). Hàm nghĩa tiếng trống trận thúc quân và tiếng phèng la cổ vũ. Theo tôi, người xưa ắt có lý khi diễn đạt Cổ Chiên (鼓 旃) hàm nghĩa trống và cờ.

Thời đi mở cõi, trên dòng sông này biết bao trận chiến xảy ra! Các thế lực phong kiến tranh chấp vương quyền. Dòng sông dậy sóng, kinh động trời Nam.

Câu đối bằng chữ Hán ở miếu đã nói lên ý nghĩa đó như sau:

扶黎阮八十五元勛, 壯氣象州天以北

Phù Lê- Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí tượng châu thiên dĩ Bắc

平詹腊百千餘戰陣,名票鱗閣海而南

Bình Chiêm- Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu lân các hải nhi Nam.

Tạm dịch:

Phò Lê- Nguyễn tám mươi lăm vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc;

Bình Chiêm- Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam.

Tượng Linh mục Philipphê Phan Văn Minh.
Tượng Linh mục Philipphê Phan Văn Minh.

Thời Pháp, đình bị tháo dỡ, lòng dân vẫn muốn hưng nghiệp tổ tiên nên dựng lại miếu cách Đình Khao một đỗi, bên rạch Cái Sơn Bé để tiếp tục hương khói. Đó là Công Thần miếu bây giờ.

Thời gian sau, trên nền đất đình cũ, một ngôi chùa được dân dựng lên gọi Bửu Long tự. Ông Nguyễn Văn Ngà (Đạo Ngà), người thuộc phái Bửu Sơn Kỳ Hương là người đầu tiên trụ trì chùa này.

Năm 1945, thực dân Pháp ruồng bố, đốt chùa. Năm 1961, ông Mai Văn Nghiệp-hương quản- cho dựng lại chùa để tiếp tục cúng bái.

Nói qua về họ Mai, dòng họ có từ lâu đời ở đất này. Tính từ ông Mai Văn Nghiệp, cha là Mai Văn Thinh, ông nội là Mai Văn Sù đã mấy đời chứng kiến sự đổi dời nơi bến nước Đình Khao.

Bửu Long tự có 2 câu chuyện làm tôi chú ý.

Chuyện rằng, khi Đạo Ngà về trụ trì chùa thì ông có xin đất bên cù lao để trồng rẫy, tự túc lương thực. Thời ấy, qua lại sông bằng xuồng nhỏ. Một hôm, chiều về, khi qua sông trời bỗng nổi cơn giông. Sấm chớp, mây đen mù mịt, gió mạnh, sóng nổi, mưa đổ ầm ầm.

Đang lúc nguy cấp giữa dòng, đệ tử ngồi sau bơi không lại con gió Nam, sóng lớn, xuồng dạt dần trở lại phía cù lao. Lo sợ gặp nguy hiểm, Đạo Ngà khấn thần phật phù trợ mong có thêm cây dầm để bơi cùng đệ tử. Điều kỳ diệu đã xảy ra, dòng nước chảy mạnh bỗng đâu có cây dầm cũ tấp vào mạn xuồng. Ông vội chộp lấy gắng sức cùng đệ tử bơi về bờ Đình Khao.

Cảm ơn trên phù trợ, tin rằng lòng thành thấu trời xanh. Cây dầm cứu nạn được đưa vào thờ nơi hậu điện cho đến nay.

Khách thập phương đến chiêm bái, biết chuyện, cho rằng dầm là báu vật do ơn trên ban tặng có khả năng trị bệnh cứu người nên lén đẽo lấy dăm hoặc mài về làm thuốc, khiến dầm ngày càng mỏng đi.

Chuyện thứ hai. Có một Việt kiều Canada đi du lịch, khi sang bến phà Đình Khao, bỗng nhức đầu khó chịu trong mình. Ông bảo xe dừng lại để tìm hiệu thuốc. Từ bến phà lần lên, bỗng đâu ông phát hiện lối vào Bửu Long tự.

Lần bước vào nơi hàn tự, quang cảnh vắng tanh, mái chùa sắp đổ. Nhìn quanh chẳng thấy bóng người, sân đầy lá rụng sầu khơi nỗi niềm, lòng khách chợt nghĩ: “Có lẽ họ muốn mình sửa chùa đây!” 

Tìm ông thủ tự hỏi chuyện, ông hẹn ngày trở lại. Lên xe, ông quên chuyện mình cần phải mua thuốc và tiếp tục hành trình. Thời gian sau, chùa được sửa lại khang trang như bây giờ.

Nghe câu chuyện như hư như thực...

Dòng sông Cổ Chiên nước chảy đôi dòng- nước lớn, nước ròng. Thời trẻ, những năm bao cấp, nghèo khó, tôi thường cùng mẹ chèo ghe trên dòng sông này sang chợ Vĩnh Long bán đồ vườn.

Một ghe chèo với đủ thứ muồng ngót, chanh, cóc; khi thì ổi, mận, chôm chôm. Sang thời trồng nhãn, tôi không chèo ghe nữa.

Cây dầm (bên trái ban thờ).
Cây dầm (bên trái ban thờ).

Tôi vào thành phố, mẹ tôi vẫn tiếp tục công việc của mình với đứa em, bằng ghe máy. Dòng nước tháng 2, tháng 3 trong vắt, soi rõ mặt người, sánh như rau câu vẫn luôn theo tôi đến lúc đầu ngã bạc. Tay chèo, nhịp nhàng theo sóng đẩy, gió đêm và sao trời khiến người vụng mấy cũng sinh tình nên thơ.

Thời đấy, sợ nhất là vượt sông lúc nước ròng, chảy mạnh. Nước sông từ cầu Cái Cá và sông Long Hồ chảy ra, hợp lưu tạo ra dòng xoáy mạnh đẩy các ghe xuồng trôi dạt xuống tận Đình Khao. May mắn là đêm tối trời mà không vướng bè đáy giăng ngang sông. Vướng phải coi như tiêu đời. Từ Đình Khao chèo ngược nước phải mất gần tiếng, mỏi cả tay.

Từ Đình Khao nhìn sang sông là cù lao thuộc huyện Long Hồ. Bến phà ngược lên khoảng 2 cây số là vàm Cái Muối. Ghe thương hồ đi ngõ này sang miệt Cái Bè về Gia Định.

Bên này vàm Cái Muối là vàm Bà Vú thuộc xã An Bình. Ngày trước, bần chắn sóng che mấy lớp, đến mùa trái chín thơm lừng đến xót cả ruột. Bây giờ người dân đổ xô nuôi cá lồng bè kéo dài tận đầu cù lao gần cầu Mỹ Thuận, đèn đêm sáng rực dòng sông.

Thời mới có phong trào lập vườn, dân vùng cặp sông Cổ Chiên đào đất lên liếp thỉnh thoảng gặp xác tàu đắm, có cả cổ vật nhưng không biết đích xác cái gì, thời nào. Tôi thì phân vân tự nghĩ, có lẽ thủy chiến lưu dấu trên sông này.

Con người sinh ra sống, mưu sinh trên dòng sông hết thế hệ này đến thế hệ khác. Dòng sông vẫn tiếp tục lớn ròng, giang hồ tao ngộ. Bên lở bên bồi. Rộng mở nhưng cũng đầy bí hiểm!

4/2019

Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh