Phát triển mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao

07:07, 22/07/2019

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nghề trồng nấm, nhưng với cách làm như hiện nay, sản lượng và chất lượng không cao, lệ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan, gây khó khăn cho việc tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nghề trồng nấm, nhưng với cách làm như hiện nay, sản lượng và chất lượng không cao, lệ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan, gây khó khăn cho việc tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Vì vậy, nông dân cần hướng đến việc sản xuất sạch theo hướng công nghệ cao và theo quy mô công nghiệp để cây nấm có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế.

An Giang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, gạo với sản lượng hàng năm khoảng 4 triệu tấn, chiếm 9% tổng sản lượng lúa cả nước.

Mỗi năm, phụ phẩm từ cây lúa khoảng 800.000 tấn trấu cùng khoảng 2 triệu tấn rơm. Trước đây, do chưa được quy hoạch cụ thể, nhận thức đúng về những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường trong công tác quản lý nên lượng rơm thải ra kênh, rạch hoặc đem đốt, gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đất, nước, không khí và làm lãng phí nghiêm trọng nguồn tài nguyên này.

Những năm gần đây, người dân có sự chuyển biến căn bản về nhận thức trong việc sử dụng rơm, rạ; nhiều mô hình sử dụng rơm ở địa phương như: trồng nấm rơm, ủ rơm làm thức ăn gia súc, phủ rơm trồng hoa màu… ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.

Các mô hình trồng nấm góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn
Các mô hình trồng nấm góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn

Năm 2014, diện tích trồng nấm toàn tỉnh đạt khoảng 300ha, đến nay duy trì khoảng 400ha. Với kinh nghiệm sản xuất không ngừng cải tiến qua từng năm đã giúp sản lượng nấm tăng từ 3.000 tấn (năm 2014) lên 4.200 tấn (năm 2018), năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thử nghiệm, chuyển giao kỹ thuật nhiều mô hình trồng nấm rơm ứng dụng công nghệ cao, trong đó có mô hình trồng nấm rơm trong nhà.

Mô hình này đã giúp nông dân kiểm soát được điều kiện ngoại cảnh (nhiệt độ, ánh sáng...), tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nấm rơm sinh trưởng và phát triển, năng suất cao hơn cách làm truyền thống từ 30-40%.

Thời gian gần đây, nhiều tiến bộ mới trong việc trồng nấm đã được triển khai, như mô hình trồng nấm rơm bằng nguyên liệu compost (gồm rơm ủ chín và các chất dinh dưỡng hữu cơ cần thiết cho nấm phát triển).

Rơm compost được xử lý bằng phương pháp công nghiệp hấp tiệt trùng nên sạch mầm bệnh, hạn chế sự nhiễm tạp và có thể rút ngắn thời gian sản xuất do không cần thực hiện khâu ủ rơm, đảo rơm. Hay mô hình

“Trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu rơm phối trộn với 30% nguyên liệu bông vải”. Đặc biệt, do trồng trong nhà nên có thể kiểm soát được nhiệt độ, ẩm độ, nền xi-măng nên thuận lợi trong việc vệ sinh khử trùng…

Nguyên liệu bông vải giữ ẩm tốt, giúp tơ nấm phát triển và cho thu hoạch sớm hơn so với trồng hoàn toàn bằng rơm. Đây là mô hình hiệu quả, giúp bà con nông dân có thêm sự lựa chọn trong việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu trồng nấm rơm, nhất là trong mùa khô.

Sau 6 năm triển khai mô hình trồng nấm rơm trong nhà, anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Trung Bình II, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) cho rằng, so với trồng bằng phương pháp truyền thống, trồng nấm rơm trong nhà cho năng suất cao hơn khoảng 40%, tiết kiệm được nguyên liệu khoảng 30%.

“Toàn bộ mô hình được áp dụng hệ thống tưới phun bằng máy, có kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm bằng thiết bị điện tử để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nấm phát triển.

Thời gian cách ly giữa 2 vụ ngắn hơn 10-15 ngày so với cách làm cũ, nên có thể trồng quanh năm, không phụ thuộc vào tình hình thời tiết và sâu bệnh; chất lượng nấm từ đó tốt hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - anh Tùng chia sẻ.

Thực tế trên cho thấy, việc phát triển các mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao thời gian qua có nhiều thuận lợi do được các sở, ngành, địa phương quan tâm, phát triển; tận dụng được nguồn nguyên liệu rơm dồi dào, lực lượng lao động tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, chủ yếu do nguồn nguyên liệu (rơm) chưa đáp ứng nhu cầu về chất lượng, cũng như số lượng (vào những thời điểm tập trung). Công nghệ chọn tạo, nuôi cấy giống chưa được hiện đại, chất lượng phôi chưa ổn định, các cơ sở sản xuất phôi còn nhỏ lẻ…

Ngoài ra, kinh nghiệm sản xuất của người dân chưa cao, do đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng cây nấm, đồng thời chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng công nghệ cao khá lớn nên nông dân gặp khó trong việc huy động nguồn vốn, quy mô sản xuất mang tính nhỏ lẻ, thị trường chưa ổn định…

Để phát triển nghề trồng nấm ăn, đặc biệt là theo hướng công nghệ cao, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật mới cho người dân.

Thí điểm các mô hình trồng nấm ăn theo hướng công nghệ cao ở nhiều địa phương để nông dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, tiến hành mời gọi các doanh nghiệp liên kết tham gia chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn.

Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn để phát triển các mô hình trồng nấm ăn trong tỉnh…

Theo Báo An Giang

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh