Sau hơn 100 năm hoạt động, phà Vàm Cống đã hoàn thành sứ mệnh nối liền hai bờ sông Hậu, với bao kỷ niệm nhân sinh lưu luyến, ngậm ngùi
Sau hơn 100 năm hoạt động, phà Vàm Cống đã hoàn thành sứ mệnh nối liền hai bờ sông Hậu, với bao kỷ niệm nhân sinh lưu luyến, ngậm ngùi
Chuyến phà cuối cùng của người lái phà Vàm Cống - ông Nguyễn Văn Lộc Ảnh: TÂM MINH |
Sáng 30/6, nhiều người dân hai bên bờ sông Hậu chứng kiến những chuyến phà cuối cùng ở bến phà Vàm Cống. Trên chiếc phà trọng tải 200 tấn dường như nặng hơn ngày thường bởi chở đầy tâm tư của những người đồng hành.
Rời xa cảnh nhộn nhịp
Phà Vàm Cống nằm trên Quốc lộ 80, nối liền 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Sau hơn 100 năm đưa rước khách qua sông Hậu, phà đã được thay thế bằng cây cầu dây văng hiện đại. Trên chuyến phà cuối, mọi người tranh thủ quay phim, chụp ảnh để ghi lại kỷ niệm của một thời. Cũng có một số người đổ dồn ánh mắt về phía cầu Vàm Cống hoành tráng nằm vắt ngang sông Hậu. Giây phút chạnh buồn xen lẫn những trầm trồ, hồ hởi trước công trình thế kỷ.
Tại khu vực phà Vàm Cống, ngoài hành khách thì vẫn còn những người buôn bán hàng rong, đa số sống gần bến phà. Giờ đây trên khuôn mặt họ không giấu nổi vẻ lo lắng mưu sinh sắp tới. Ông Nguyễn Trường An (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), nhiều năm bán hàng theo phà Vàm Cống, tâm sự: "Tôi cảm thấy rất buồn vì phải rời xa cảnh nhộn nhịp của bến phà. Đi kèm với nỗi buồn sẽ là niềm vui vì quê mình có một cây cầu hiện đại, con cái sau này sẽ có điều kiện phát triển tốt hơn. Còn về phần tôi, chắc phải tìm một nghề khác để kiếm tiền nuôi con ăn học".
Sau hơn 10 phút, phà sắp cập bến, cắt ngang những câu chuyện miên man của nhiều hành khách ngược xuôi, là khoảng lặng của chuyến phà kỷ niệm cuối cùng. Là người nhiều năm đi phà Vàm Cống, ông Huỳnh Ngọc Đăng (ngụ tỉnh An Giang) cho rằng: "Trong hơn thế kỷ qua, đã có biết bao chuyến phà vượt sóng nước sang sông. Làm sao đếm được đã có bao nhiêu chuyến xe nặng oằn hàng hóa, bao nhiêu con người qua bến sông này".
Chỉ còn hoài niệm
Từ ngày khởi công xây dựng cầu Vàm Cống, cán bộ, công nhân viên bến phà đã hình dung được tương lai của mình khi cầu hoàn thành. Dù vậy, ai cũng vui vì nhiều người không còn phải lụy phà và nhiều chuyến hành trình sẽ được rút ngắn. Thế nhưng, không hiểu sao mọi người không giấu được sự tiếc nuối khi phà Vàm Cống ngừng hoạt động.
Tâm trạng nhất có lẽ là ông Nguyễn Văn Lộc, người lái phà Vàm Cống. "Công việc này gắn bó bao năm, với tôi phà như mái nhà. Biết bao điều sẽ còn lưu lại trên ngôi nhà thứ 2 của mình. Trên những chuyến phà nối hai bờ, tôi có rất nhiều kỷ niệm, sẽ không bao giờ quên những ký ức này" - ông Lộc tâm sự.
Nhiều năm trải nghiệm sông nước với nghề lái phà, ông Lộc và các đồng nghiệp của mình thuộc nằm lòng quy luật từng con nước, từng điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Ông Lộc cho biết: "Gần 30 năm lái phà, tôi không nghĩ ngày nào đó mình sẽ rời bến này. Với ngần ấy thời gian gắn bó với bến, với phà, mấy ai khỏi chạnh lòng khi phải vĩnh viễn chia tay nó".
Cũng là người gắn bó với những chuyến phà hơn 30 năm, ông Hứa Văn Tổng, lái phà, tâm sự: "Những chiếc phà quen thuộc đã là người bạn đồng hành của cuộc đời tôi gần 30 năm. Chiếc phà là nơi tôi làm việc, nghỉ ngơi, bao nhiêu chuyện vui buồn cùng năm tháng. Dù hôm nay, phà Vàm Cống không còn hoạt động nữa nhưng tôi cũng vui vì vùng đất này sẽ ngày càng phát triển sau khi xây cầu".
Bên quầy hàng tạp hóa, ông Nguyễn Văn Phú (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) bất chợt trầm buồn, chia sẻ mình đã gắn bó với bến phà này hơn 30 năm. Khách chủ yếu ghé quán uống nước là người qua lại sông Hậu. "Từ nay không còn cảnh thức khuya dậy sớm để canh những chuyến phà lên xuống khách" - ông Phú buồn buồn nói.
Theo TÂM MINH - THANH BÁCH/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin