Bơi lội không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là môn rèn luyện thể chất, hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe của trẻ. Nhiều trẻ em bị đuối nước cho thấy việc cần thiết của việc dạy và học bơi.
Bơi lội không chỉ là kỹ năng sinh tồn mà còn là môn rèn luyện thể chất, hỗ trợ cho việc tăng cường tầm vóc, sức khỏe của trẻ. Nhiều trẻ em bị đuối nước cho thấy việc cần thiết của việc dạy và học bơi.
Các lớp dạy bơi miễn phí ở nông thôn không chỉ trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước, mà còn là sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè. |
Cho con học bơi
Bơi lội giúp trẻ phát triển thể chất, nhất là hệ thống hô hấp, tim mạch, hệ vận động, giúp trẻ cải thiện các tố chất thể lực. Từ đó, trẻ sẽ tự tin, năng động hơn khi học tập. Việc học bơi được kết hợp với các kỹ năng an toàn và tự cứu sẽ giúp giảm thiểu mức thương vong khi xảy ra sự cố trên khu vực sông nước.
Tại TP Vĩnh Long, nhiều phụ huynh tranh thủ dịp hè cho con đi học bơi. Từ đầu tháng 7 này, cứ sáng thứ 2, 4, 6 là anh Nguyễn Trung Tín (Phường 2- TP Vĩnh Long) đưa con gái Lam Phương (9 tuổi) học bơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Du. “Con bé khoái bơi lắm, dạn nước nên học 4 buổi là nổi, bơi chút chút được rồi”- anh Tín cho biết. Nghe ba khen, bé Lam Phương hí hửng: “Bơi mát lạnh, ba mẹ nói con biết bơi, đi chơi biển hay chỗ sông suối hông có sợ đuối nước. Con khoái tắm, khoái bơi lắm!”
Có con gái chuẩn bị vào lớp 1, chị Nguyễn Hồng Nhung (Phường 4- TP Vĩnh Long) cũng cho con học bơi ngay khi bé vừa nghỉ hè. “Vợ chồng tôi cho con học bơi để rèn sức khỏe và biết bơi. Giờ bé biết bơi chút chút và về ăn cơm ngon lành. Tuy hơi đen xíu nhưng khỏe và biết bơi là được rồi”.
Đưa con đi bơi hồ bơi Hoàng Hảo, anh Lê Minh Khoa nhắc con trai Minh Khôi (8 tuổi) khởi động vài động tác trước khi xuống bơi.
Anh cho biết: “Bé bơi khá thành thạo rồi nhưng khi đi bơi là cha con đi cùng và tôi luôn quan sát con bơi. Tôi dạy con thêm kỹ thuật đứng nước. Vì không để ngộp thở hay hoảng loạn trong nhiều tình huống là yếu tố quan trọng để tránh đuối nước”.
Nỗ lực dạy bơi phòng đuối nước
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xảy ra 5 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, hầu hết là trẻ dưới 6 tuổi và trẻ không biết bơi. Dù con số này được kéo giảm một nửa so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức đáng báo động.
Nguyên nhân khiến tai nạn đuối nước ở trẻ còn xảy ra chủ yếu là do thiếu sự quan tâm chăm lo của người lớn. Trong khi môi trường sống lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như: nhà gần sông, khu vực trẻ vui chơi thiếu rào chắn, trẻ không ý thức được sự nguy hiểm khi tiếp xúc môi trường nước, không biết bơi hoặc biết bơi nhưng thiếu kỹ năng xử lý khi gặp sự cố dưới nước.
Để góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích và tử vong ở trẻ em do đuối nước, từ nguồn ngân sách tỉnh, trong tháng 6 vừa qua, ngành lao động- thương binh và xã hội phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức 35 lớp dạy bơi miễn phí cho các em thiếu nhi trên địa bàn.
Việc tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí ở khu vực nông thôn không chỉ trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước, mà đây còn là sân chơi vô cùng bổ ích cho các em trong dịp hè. Em Bùi Thái Thúy Hằng (Trường Tiểu học Thanh Đức- Long Hồ) cho biết: “Con học bơi để biết bơi và hông sợ đuối nước.
Nếu gặp bạn đuối nước thì biết cứu bạn, giữ an toàn cho mình”. Còn em Phan Thị Hồng Thắm (Trường THCS Đông Bình- TX Bình Minh) chia sẻ: “Ngay khi đã biết bơi cũng không nên nhảy xuống nước cứu bạn, mà thay vào đó là tìm gọi người lớn và ném vật dụng nổi để cứu bạn”.
Theo bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh, trong tháng hành động vì trẻ em, các địa phương còn trích ngân sách và vận động xã hội hóa mở thêm được trên 15 lớp phổ cập bơi cho trẻ có nhu cầu.
Năm nay, công tác xã hội hóa dạy bơi cho trẻ em được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hồ bơi. Ngoài các lớp dạy bơi miễn phí từ nguồn ngân sách, các cơ sở hồ bơi tư nhân hỗ trợ thêm các lớp kỹ năng an toàn dưới nước; hỗ trợ giảm hoặc miễn học phí.
Dù vậy, vấn đề sống sót dưới nước không chỉ cần mỗi kỹ năng bơi, mà cần trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng chống đuối nước khác. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong môi trường nước vẫn rất cần có sự quan tâm, giám sát của gia đình và cộng đồng.
Mỗi năm Việt Nam có gần 6.000 người chết do đuối nước, trong đó có gần 2.000 trẻ em. Con số này cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển, cao hơn mức trung bình của thế giới. Đây là nỗi đau và mất mát vô cùng to lớn không thể bù đắp được của các gia đình và toàn xã hội. Phòng, chống đuối nước là chương trình đang được Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương trong cả nước đẩy mạnh thực hiện với rất nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa số người tử vong do đuối nước, đặc biệt là trẻ em. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin