Để chợ nổi thực sự "nổi"?

02:07, 14/07/2019

Người bạn tôi vốn là Việt kiều Mỹ gọi điện về hỏi thăm: "Năm nay, chợ nổi Cái Răng quê mình có tổ chức ngày hội du lịch như những năm trước? Nếu tổ chức thì có gì mới không? Không khéo lại những hoạt động đơn điệu như: triển lãm trái cây, đua ghe, đờn ca tài tử, thi ẩm thực, triển lãm sách… thì chán lắm. Mình đã về nước tham gia ngày hội 3 lần rồi, vẫn "na ná" như nhau thôi. Năm nay không về được nên gọi điện hỏi thăm". 

 

Mua bán trên chợ nổi Cái Răng.
Mua bán trên chợ nổi Cái Răng.

Người bạn tôi vốn là Việt kiều Mỹ gọi điện về hỏi thăm: “Năm nay, chợ nổi Cái Răng quê mình có tổ chức ngày hội du lịch như những năm trước? Nếu tổ chức thì có gì mới không? Không khéo lại những hoạt động đơn điệu như: triển lãm trái cây, đua ghe, đờn ca tài tử, thi ẩm thực, triển lãm sách… thì chán lắm. Mình đã về nước tham gia ngày hội 3 lần rồi, vẫn “na ná” như nhau thôi. Năm nay không về được nên gọi điện hỏi thăm”. 

Tôi im lặng nói bâng quơ cho qua chuyện bởi đã được thông tin ngày hội cũng không có gì mới so với những năm trước.

Không biết chợ nổi có tự hồi nào nhưng khi lớn lên chúng tôi đã thấy chợ như một chứng nhân của cuộc đời. Chợ nổi Cái Răng biểu hiện sự giàu có sung túc của vùng sông nước ĐBSCL, trở thành nét văn hóa độc đáo miền Tây Nam Bộ thu hút sự đam mê, khám phá của biết bao khách du lịch khi đến đây.

Chợ nổi Cái Răng còn là niềm xúc cảm, ngẫu hứng của biết bao văn nghệ sĩ để cho ra đời biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo mà đến nay chưa thể thống kê hết được. Tự hào quá vì mình sinh ra và lớn lên bên chợ nổi Cái Răng. Nói như nhiều du khách: Đến Cần Thơ đầu tiên phải tham quan chợ nổi Cái Răng mới là dân sành điệu.

Ông Huỳnh Văn Nguyệt- nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại TP Cần Thơ- xúc động nói: “Chợ nổi Cái Răng có sức cuốn hút rất lạ kỳ tiềm ẩn sâu xa trong bến nước, dòng sông; trong tàu ghe xuôi ngược, trên những cây “bẹo” dân dã; trong những câu hò, điệu lý mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là điều rất kỳ lạ mà không ai lý giải tận tường”.

Điều rất lý thú là hầu hết các tỉnh miền Tây đều có chợ nổi với quy mô buôn bán, số lượng ghe tàu khác nhau nhưng đều có nét tương đồng là: buôn bán trên sông; đều có treo cây “bẹo” truyền thống và hiếm có trường hợp cạnh tranh hàng hóa trên sông. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè; Cà Mau có chợ nổi Cà Mau; Sóc Trăng có chợ nổi Ngã Năm; Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy; TP Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Phong Điền; tỉnh Vĩnh Long có chợ nổi Trà Ôn;…

Chợ nổi Cái Răng được xem là chợ nổi sầm uất nhất trong các chợ nổi miền Tây. Hàng hóa mua bán thì muôn hình vạn trạng, từ các loại trái cây vùng nước ngọt như: sầu riêng, cam, quýt, bưởi... đến các sản phẩm vùng nước mặn như: khô, cá, tôm khô... Cạnh đó là vô số rau màu và các loại vật dụng khác như: rau cải các loại, lá lợp nhà, tre trúc, dụng cụ đánh bắt thủy sản, vật dụng gia đình, vải sợi, quần áo…

Sinh hoạt trên chợ nổi.
Sinh hoạt trên chợ nổi.

Ông Trần Văn Bé (ngụ huyện Đầm Dơi- Cà Mau) kể: “Vợ chồng tui mua bán ở chợ nổi Cái Răng đã gần 40 năm. Nhiều lần định “giải nghệ” luôn nhưng thấy buồn quá, nhớ chợ nổi quá nên lại đi tiếp. Mấy đứa nhỏ đã “lên bờ” hết và đã có nhà cửa đàng hoàng, chỉ còn đôi vợ chồng già mua bán trên sông chưa biết chừng nào “treo ghe”- Rồi ông cười rất sảng khoái.

Nếu như ngày trước các phương tiện mua bán trang bị phương tiện máy nổ rất đơn giản (có người tranh thủ chèo tay khi nước xuôi) thì nay hầu hết các tàu, ghe đã có được các loại máy nổ nhiều mã lực để di chuyển nhanh hơn (kể cả nước ngược lẫn nước xuôi).

Cạnh đó, họ còn trang bị trên ghe, tàu nhiều thiết bị nghe, nhìn, đi lại đắt tiền (truyền hình, điện thoại thông minh, xe máy chính hiệu…). Mọi việc giao dịch thông qua mạng bưu chính viễn thông (điện thoại di động); chuyện chuyển giao tiền bạc mua bán qua tài khoản ngân hàng hiện rất phổ biến.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng lo ngại và đáng buồn là việc mua bán tại chợ nổi Cái Răng ngày càng thu hẹp dần; số lượng tàu, ghe “lên bờ” ngày càng nhiều bởi xu hướng người mua bán đã chuyển dần sang phương thức mua bán hàng hóa bằng đường bộ do các tuyến đường giao thông quy mô lớn ngày càng phát triển, nhất là khu vực nông thôn.

Không chỉ vậy, tại đây đã xuất hiện hiện tượng chèo kéo du khách; không đảm bảo vệ sinh ăn uống (từ các tàu ghe mua bán thức ăn trên sông), từ các nhà vệ sinh không đủ chuẩn; nạn chặt chém du khách vẫn còn diễn ra, dù rất ít…

Để “cứu hộ”, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hoạt động của chợ nổi với các nét văn hóa đặc trưng, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… kết nối cùng các công ty du lịch lữ hành.

Cạnh đó, hàng năm địa phương này còn tổ chức ngày hội du lịch mang tên “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” mang tầm vóc cấp thành phố với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: văn nghệ, thể thao, đua ghe, hội thi ẩm thực Nam Bộ, triển lãm cây trái miệt vườn, hội thảo chuyên đề;…

Ở ngày hội du lịch lần thứ 4 năm 2019 này, cũng vẫn là các hoạt động truyền thống đã từng tổ chức như: diễu hành tàu du lịch, triển lãm sách, quảng bá hình ảnh, viết thư pháp, đua ghe composits và thuyền rồng, đờn ca tài tử, thi ẩm thực…

Bà Võ Thị Hà- du khách đến từ Sơn La- nói với vẻ tiếc nuối: “Một lễ hội văn hóa đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2016 nhưng chưa được tổ chức xứng tầm để thu hút du khách đến với Cần Thơ nhiều hơn, thật tiếc. Mỗi năm chỉ nhộn nhịp đôi ngày để rồi sau đó chỉ còn là bầu không khí trầm lắng, đơn điệu. Cứ như thế thì chợ Nổi chưa thật “nổi” như tên gọi của nó”.

Câu nói hơi “mích lòng” nhưng với tôi và nhiều người đã từng sinh ra, lớn lên bên chợ nổi Cái Răng là quá chính xác. Chính xác đến chạnh lòng. Thương lắm chợ nổi Cái Răng ơi! Chúng tôi vẫn tin chợ nổi của mình sẽ “nổi” mãi nếu như cả cộng đồng cũng quan tâm vào cuộc.

Bài, ảnh: TAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh