Sức sống mới cho xơ dừa

04:06, 05/06/2019

Anh Lê Tân Kỳ - chủ cơ sở sản xuất, sơ chế dừa, làm nghề dừa ở xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre không chỉ suy nghĩ và lắp ráp máy xay vỏ dừa tươi để tách ra xơ và mụn dừa mà còn tạo ra nhiều vật dụng hữu ích khác.

 

Anh Lê Tân Kỳ - chủ cơ sở sản xuất, sơ chế dừa, làm nghề dừa ở xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre không chỉ suy nghĩ và lắp ráp máy xay vỏ dừa tươi để tách ra xơ và mụn dừa mà còn tạo ra nhiều vật dụng hữu ích khác.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa trái) và đoàn công tác của tỉnh tham quan quy trình sản xuất thảm xơ dừa và tấm gói rau từ xơ dừa của anh Lê Tân Kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa trái) và đoàn công tác của tỉnh tham quan quy trình sản xuất thảm xơ dừa và tấm gói rau từ xơ dừa của anh Lê Tân Kỳ.

Thảm xơ dừa phủ gốc cây trồng

Trước đây, với phần vỏ dừa gọt ra, anh Tân Kỳ thường chở đi cho nhà vườn để độn, ủ phân hoặc đổ đi. Nhưng số lượng vỏ dừa gọt ra ngày càng nhiều, anh phải tìm cách giải quyết vấn đề thực tế tại cơ sở.

 Anh bắt tay vào làm thảm xơ dừa cách nay khoảng 2 tháng. Sau khi xay vỏ dừa tươi, anh tách ra được xơ và mụn dừa. Phần xơ, anh xử lý thành thảm xơ dừa. Phầm mụn dừa, anh dùng làm đất trộn cho cây trồng. Chất kết dính được sử dụng trên xơ dừa là loại keo cao su non đã được ngành chức năng kiểm định cho phép sử dụng trong nông nghiệp và thực phẩm.

Xơ dừa được trải đều ra trên khung lưới sắt rồi phun keo cao su non. Sau khi phơi từ 5 - 10 phút thì tách ra cho qua máy cán. Thành phẩm là những tấm thảm xơ dừa có kích thước 1x2m, dày 3mm. Đây là kích thước phù hợp để phủ vừa gốc bưởi hoặc kết lại để trải gốc sầu riêng hoặc các loại cây trái có tàn lớn hơn.

Theo anh Tân Kỳ, ở Bến Tre đã sản xuất thảm xơ dừa từ lâu nhưng chủ yếu làm từ xơ dừa khô, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở nước ngoài. Trong nước, các nhà vườn lại thường dùng rơm hoặc nylon để đậy gốc cây. Tuy nhiên, qua thực nghiệm, anh Tân Kỳ nhận thấy đậy rơm thì không diệt được cỏ mà còn sinh ra các loại nấm độc hại ảnh hưởng tới rễ cây bưởi. Đồng thời, rơm phân hủy nhanh nhưng không thuận lợi khi rải phân. Với thảm xơ dừa thì khắc phục được các nhược điểm trên, lại có ưu điểm thân thiện với môi trường hơn nylon. “Mục đích ban đầu tôi làm ra thảm này là dùng đậy vào mùa khô chống bốc hơi nước cho gốc bưởi và một số loại cây ăn trái khác” - anh Tân Kỳ cho biết.

Mỗi ngày tại cơ sở của anh sản xuất ra từ 50 - 100 tấm thảm xơ dừa. Sau khoảng 2 tháng sản xuất và chào hàng, thảm xơ dừa của anh Tân Kỳ đã bắt đầu tìm được thị trường. Các đơn đặt hàng đưa đi các tỉnh Nam Bộ, nhất là miền Đông tiêu thụ.

Đa dạng nhiều ứng dụng

Cũng từ cách xử lý xơ dừa như trên, anh Tân Kỳ làm ra thêm nhiều sản phẩm khác nhau như: tấm gói rau, túi xách bưởi đơn, túi đựng bưởi đôi, các loại túi đựng đồ.

Với các tấm xơ dừa gói rau, anh Tân Kỳ cho biết, hiện anh đã ký được hợp đồng cung cấp xơ dừa gói rau cho hệ thống siêu thị Lotte (Hàn Quốc) và Aeon (Nhật Bản) tại Việt Nam và đang chuẩn bị vào siêu thị BigC. Một bộ thành phẩm từ 50 - 60 tấm xơ dừa có kèm dây dừa để cột. Xơ dừa gói rau của anh Tân Kỳ đã được cơ quan chức năng kiểm tra về chỉ số các vi sinh vật hiếu khí, nấm mốc về E.Coli, nấm... đạt chất lượng, an toàn cho sử dụng gói thực phẩm.

Theo yêu cầu đặt hàng của khách, sắp tới anh sẽ dùng kỹ thuật để ép xơ dừa thành các chậu cây, khay đựng trứng, khay đựng rau củ các kích thước để thay thế cho các loại khay nhựa, chậu nhựa...

“Từ những bức xúc trong thực tế và với mong muốn nâng cao chất lượng trái dừa và phải đồng thời giải quyết vấn đề môi trường, đến giờ, với cách làm này, cơ sở tôi cơ bản xử lý được khoảng 80% các phế phẩm từ dừa. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới để nâng giá trị dừa, để sử dụng phế phẩm từ dừa hiệu quả hơn” - anh Tân Kỳ cho biết.

Chuẩn bị cho Lễ hội Dừa 2019, hiện anh Tân Kỳ đã và đang ráo riết cho ra đời nhiều sản phẩm mới từ phế phẩm dừa, góp mặt tại lễ hội. Các sản phẩm mang đậm tính sáng tạo, lại thân thiện với môi trường đang dần khẳng định vai trò trên thị trường. Từ góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, anh Tân Kỳ cũng bày tỏ sự kỳ vọng lễ hội Dừa sẽ góp phần quảng bá các sản phẩm xứ dừa Bến Tre, góp phần nâng tầm giá trị trái dừa.

 “Tôi cũng bày tỏ mong muốn có thêm những hỗ trợ, ưu đãi từ phía ban tổ chức để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn tham gia gian hàng tại lễ hội trọng điểm của tỉnh” - anh Tân Kỳ chia sẻ.

Theo PV/BDK

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh