Quy hoạch khu vực chợ nổi Cái Răng thành chợ đầu mối trái cây

11:06, 27/06/2019

Mặc dù là thành phố trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông sản lớn nhất của cả nước nhưng đến nay Cần Thơ vẫn chưa phát triển được chợ đầu mối nông sản nào mang tính chất phân luồng và cung cấp hàng hóa trên địa bàn và khu vực.

Mặc dù là thành phố trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vùng nông sản lớn nhất của cả nước nhưng đến nay Cần Thơ vẫn chưa phát triển được chợ đầu mối nông sản nào mang tính chất phân luồng và cung cấp hàng hóa trên địa bàn và khu vực.

Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: TTXVN
Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: TTXVN

Trước đây, thành phố Cần Thơ cũng đã quy hoạch 4 chợ đầu mối chuyên doanh bao gồm 2 chợ cá đặt tại phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều và phường Ba Láng, quận Cái Răng, 1 chợ nông sản thực phẩm ở phường Lê Bình, quận Cái Răng và 1 chợ lúa gạo cấp vùng đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, các chợ đầu mối này chưa được đầu tư hoặc chỉ đầu tư một phần nên chưa hình thành được chợ đầu mối nào.

Tại cuộc họp về rà soát, phát triển chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Cần Thơ mới đây, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã gợi ý Sở Công thương và Sở Xây dựng thành phố nên nghiên cứu phát triển chợ đầu mối trái cây cho thành phố Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại Cái Răng trên cơ sở kết hợp phát triển chợ nổi Cái Răng với các chợ xung quanh và khu vực trên bờ dọc theo chợ nổi.

Ông Trương Quang Hoài Nam cũng cho biết, chợ nổi Cái Răng là loại chợ đặc biệt mà chỉ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vài tỉnh thành có được, như: chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang, chợ nổi Ngã Bảy, Hậu Giang....

Đây cũng là chợ không nằm trong danh mục nào của Bộ Công Thương để được quản lý, đầu tư, bảo tồn và phát triển. Trong khi chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản quốc gia, được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Vì vậy, muốn chợ nổi Cái Răng phát triển cần phải có hệ thống hỗ trợ thông qua việc quy hoạch khu vực xung quanh phía trên bờ làm chợ đầu mối. Những hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Cần Thơ vẫn tiếp tục sinh sống và sẽ được hỗ trợ để họ trở thành các thương nhân, các chủ vựa trái cây, rau quả đầu mối cho thành phố và khu vực.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, nếu quy hoạch hoàn chỉnh chợ đầu mối trái cây tại đây sẽ có sự đóng góp nguồn lực của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì chợ nổi Cái Răng đã được công nhận là Di sản quốc gia.

Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, trước đây thành phố Cần Thơ đã từng quy hoạch chợ trái cây ở phường Lê Bình, nằm liền kề với chợ nổi Cái Răng để hỗ trợ phát triển chợ nổi Cái Răng và đã có nhà đầu tư đăng ký. Nhưng do nhà đầu tư không có năng lực tài chính nên không triển khai được và thành phố đã thu hồi dự án.

Hiện tại ở xung quanh khu vực chợ nổi Cái Răng đã có gần 10 vựa trái cây trên bờ nằm cạnh đường Nguyễn Việt Dũng và đường Võ Tánh, thuộc quận Cái Răng. Các vựa trái cây này vừa làm chức năng phục vụ khách du lịch vừa phục vụ cung ứng sản phẩm cho các địa phương khác trong và ngoài nước.

Do đó, nếu thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân ở khu vực trên bờ thì quy mô các vựa trái cây hiện tại sẽ phát triển mạnh hơn đồng thời sẽ thu hút thêm càng đông các hộ dân tham gia mua bán.

Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Xây dựng, hiện tại khu vực xung quanh chợ nổi Cái Răng có nhiều nhà kho, vựa trái cây và nhà dân xen kẽ nhau. Đây cũng là khu vực thuận lợi cho giao thông đường bộ, đường thủy và cũng nằm ngay trung tâm vùng phát triển cây ăn trái của thành phố Cần Thơ và các địa phương lân cận.

Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã tiến hành quy hoạch hạ tầng dịch vụ quanh khu vực trên bờ của chợ nổi Cái Răng. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo cho đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch để sớm trình thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện.

Theo Ngọc Thiện (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh