Thông tin từ Hội Nhạc sỹ Việt Nam ngày 23/6 cho biết: Liên hoan Âm nhạc lần thứ 32 - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 27- 30/6 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Thông tin từ Hội Nhạc sỹ Việt Nam ngày 23/6 cho biết: Liên hoan Âm nhạc lần thứ 32 - khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 27- 30/6 tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Liên hoan âm nhạc Đồng bằng sông Cửu Long là dịp để các nghệ sỹ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp. Ảnh: Hội Nhạc sỹ Việt Nam. |
Liên hoan có sự tham gia của các nghệ sỹ đến từ 13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Bạc Liêu, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Đại diện Ban tổ chức cho biết: Liên hoan Âm nhạc là ngày hội của các nhạc sỹ, nghệ sỹ và những người yêu nhạc, được tổ chức ở các khu vực khác nhau trong cả nước, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Liên hoan nhằm biểu dương các tài năng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc, khuyến khích sự sáng tạo, vươn lên ở lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo âm nhạc. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhạc sỹ, nghệ sỹ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, giao lưu tác phẩm âm nhạc mới sáng tác, giới thiệu bản sắc văn hóa vùng miền, khu vực, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác, biểu diễn âm nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng trong thời kỳ mới.
Trong khuôn khổ liên hoan sẽ diễn ra tọa đàm với chủ đề “Vận dụng chất liệu âm nhạc cổ truyền Đồng bằng sông Cửu Long trong sáng tác mới”.
Theo Ban tổ chức Liên hoan, sự lan tỏa của âm nhạc cổ truyền vào sáng tác nhạc mới là đề tài dù đã được bàn luận trong một số hội thảo, liên hoan, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến giới âm nhạc quan tâm. Việc hiểu để "ngấm" và yêu dân ca nhạc cổ, vận dụng chất liệu của tổ tiên ra sao, còn tùy thuộc vào vốn kinh nghiệm và khả năng sáng tạo của mỗi người. Chính vì vậy, tọa đàm lần này là dịp để các nhạc sỹ bàn luận về những gì đã làm được và chưa được trong việc phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc tại Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, để từ đó ngày càng có nhiều hơn tác phẩm âm nhạc chất lượng cao, có sức lan tỏa không chỉ trong nước mà góp được tiếng nói của âm nhạc dân tộc trên thế giới.
Theo Thu Phong (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin