Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế trên, những năm qua, các cấp Hội Nông dân TP. Long Xuyên quan tâm thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế trên, những năm qua, các cấp Hội Nông dân TP. Long Xuyên quan tâm thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân |
Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Võ Văn Nghĩa cho biết, thực hiện theo nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, TP. Long Xuyên triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Từ đó hướng đến sản xuất theo mô hình nông nghiệp đô thị, an toàn và chất lượng, truy nguyên được nguồn gốc, xuất xứ, liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Qua việc triển khai đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng chuyên canh cây ăn trái…
Thời gian qua, Hội Nông dân TP. Long Xuyên phối hợp các sở, ban, ngành duy trì và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình nông nghiệp như: trồng lúa Nhật, trồng rau an toàn, nuôi lươn không bùn, trồng dưa lưới…
Cụ thể, đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Nhật với Công ty TNHH Angimex-Kitoku và Công ty Phú Sĩ trên diện tích 699ha, tại các phường: Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Phước… Các hộ dân tham gia được công ty thu mua lúa với giá 7.100-7.300 đồng/kg, cao hơn giá thông thường 2.200-2.500 đồng/kg.
Qua đó đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, lợi nhuận đạt 10-16 triệu đồng/ha. Hay mô hình liên kết tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Hòa Hưng với Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, siêu thị Co.opmart, chợ Mỹ Bình, chợ Mỹ Long, với diện tích 12,17ha; mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Nông trại Ếch Ộp; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đậu nành rau với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco)…
Ông Võ Văn Nghĩa đánh giá, việc thực hiện, triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo bước đi căn bản, vững chắc, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, mang lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích đất.
Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
Để giúp đỡ các hội viên, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân TP. Long Xuyên tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản như lúa Nhật, rau an toàn…
Mở rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau màu, xoài cát Hòa Lộc với Công ty Chánh Thu, Kim Nhung; vận động thực hiện mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ bắp non, đậu nành rau với Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang.
Bên cạnh đó, các cấp hội còn theo dõi việc đăng ký, hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp từ chính sách hỗ trợ đầu tư thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao; các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cũng như các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tích cực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo mối liên kết, giúp người sản xuất với các nhà khoa học… ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu về giống mới, mô hình có hiệu quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương.
Nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ phụ trách để tạo nền tảng khoa học - kỹ thuật, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đồng thời, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại cho các mặt hàng nông nghiệp bằng nhiều hình thức như: xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nông sản khi có điều kiện; hỗ trợ nông dân quảng bá thương hiệu, xúc tiến thị trường; tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tham gia các kỳ hội chợ nông nghiệp trong và ngoài địa phương…
Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cho các mặt hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương trong việc tiếp cận thị trường.
TP. Long Xuyên có tổng diện tích đất nông nghiệp khoảng 7.290ha, gồm: 6.846ha đất sản xuất nông nghiệp và gần 443ha đất nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các địa phương: Mỹ Thạnh, Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Mỹ Khánh và xã Mỹ Hòa Hưng… trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 1.660ha (chiếm 24,25%). |
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin