Có một nghịch lý đã và đang diễn ra khiến nông nghiệp, nông thôn, nông dân cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng đang rơi vào tình thế bị động, chưa tìm được lối thoát bền vững, căn cơ.
Có một nghịch lý đã và đang diễn ra khiến nông nghiệp, nông thôn, nông dân cả nước nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng đang rơi vào tình thế bị động, chưa tìm được lối thoát bền vững, căn cơ.
Hệ lụy dẫn đến là năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng (năm 2017, kim ngạch xuất khấu đạt trên 35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay) nhưng tiền lời mang về ngày càng giảm.
Vì sao vậy và làm cách nào để giải quyết bài toán tỷ lệ nghịch này. Đây là câu hỏi đang được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh và cả người nông dân tập trung tháo gỡ.
Thu hoạch cá tra ở An Giang. |
Ông Phan Văn Chung- nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc hiện ngụ tại xã Trà Côn (Trà Ôn) lo lắng nói: “Nông dân mình giờ làm ăn quá bấp bênh.
Thấy trúng đó, giá bán ngất trời đó nhưng rồi giá rớt thê thảm, bán không ai mua, có người phải phá sản lâm cảnh nợ nần. Cái chính là không tiêu thụ được sản phẩm mà luôn phụ thuộc vào thương lái- đặc biệt là thương lái Trung Quốc”.
Trước hết phải khách quan đánh giá rằng: Cách làm của nông dân chúng ta hiện nay còn lạc hậu, chậm đổi mới, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo hình thức cá thể, không tập trung vào quỹ đạo chung trong khai thác, quy hoạch phát triển chung cho từng vùng miền.
Cạnh đó, nguồn vốn để đầu tư sản xuất còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước rất hạn hẹp với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một yếu tố đáng lo ngại khác là do trình độ hiểu biết, nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn hẹp dẫn đến việc khai thác, phát huy khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất còn rất thấp dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, số lượng không cao, hiệu quả kinh tế mang lại kém.
Ông Trần Văn Thái Ngọc- Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách- Bến Tre) băn khoăn: “Nhiều nông dân thấy cây gì, con gì bán có giá thì lập tức đốn bỏ vườn cây ăn trái đang trồng hay thay đổi đột ngột số lượng gia súc, gia cầm đang nuôi để chạy theo phong trào nhưng không nắm bắt được những tai họa ẩn chứa phía sau nên đã rơi vào tình trạng “trúng mùa, rớt giá” hay “thất mùa, trúng giá”.
Nghiêm trọng hơn là không thể tiêu thụ sản phẩm dẫn đến những cuộc “giải cứu” không đáng có và kết quả không thật khả quan, chỉ mang tính đối phó trước mắt.
Một khó khăn và thiệt thòi khác cho nông dân hiện nay là: cấu trúc hạ tầng thấp kém, hệ thống giao thông, thủy lợi không thuận lợi; sản phẩm làm ra tiêu thụ qua nhiều tầng, nấc trung gian là thương lái; không trực tiếp ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp nên rơi vào tình trạng bị ép giá hay phụ thuộc vào thương lái trong và ngoài nước…
Ngoài ra, nông thôn Việt Nam đang đối phó với các nguy cơ như: tài nguyên bị thoái hóa, nguồn nước giới hạn, môi trường ô nhiễm, nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng; đa dạng hóa sinh học xói mòn…
Từ năm 1981 đến nay, đất nước ta chuyển đổi mạnh trên lĩnh vực kinh tế và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách để khai thông những vướng mắc các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tạo sinh khí mới trong lao động sản xuất trên phạm vi cả nước, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa thay đổi bộ mặt nông thôn, vừa đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia. Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu lúa gạo, cà phê, tiêu,… trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên điều đáng buồn là lãi suất mang lại người sản xuất, phân phối, kinh doanh lại không tăng mà lại có chiều hướng đi xuống đáng báo động.
GS.TS, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ- cho biết một số giải pháp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nâng cao lãi suất cho nông dân: “Đã đến lúc chúng ta không chăm bẳm mãi vào cây lúa mà nên thay dần bằng các mô hình liên kết khác như: 2 lúa- 1 màu, 1 lúa- 2 màu, hay mạnh dạn thay đổi hoàn toàn cây lúa đối với những vùng đất thực sự kém hiệu quả. Người dân lẫn Nhà nước cần mạnh dạn thay đổi tư duy lạc hậu, lỗi thời về quan niệm, cách nghĩ, cách làm trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể cần hình thành và mở rộng mối liên kết sản xuất quy mô lớn giữa nhà đầu tư và nông dân trên cơ sở đôi bên cũng có lợi và Nhà nước có được nguồn thu cao và ổn định”.
Thu hoạch sầu riêng ở Bến Tre. |
Cũng theo ý kiến của GS.TS Võ Tòng Xuân, muốn vậy người dân phải biết hy sinh những mất mát cá nhân riêng lẻ (góp đất để làm đường giao thông, kinh thủy lợi…) nhưng bù lại họ có được nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với hiện nay.
Cạnh đó, nông dân phải đồng thuận và tham gia vào các dự án quy mô lớn, diện tích rộng, kỹ thuật cao để tránh được nhiều rủi ro trong canh tác; sản lượng đầu ra sản phẩm đồng đều, chất lượng cao, dễ tiêu thụ trên thương trường với nguyên tắc chung “Nông dân làm chủ đất, nhà đầu tư điều phối kế hoạch sản xuất”.
Muốn vậy theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần cải thiện, điều chỉnh Luật Đất đai để nhà đầu tư, nông dân có thể tăng hạn điền sử dụng tạo điều kiện có nhiều cánh đồng “chung”; cánh đồng “mẫu lớn” mang lại hiệu quả cao.
Cạnh đó, cần điều chỉnh Luật Hợp tác xã để những nông dân gặp khó khăn không phải góp vốn điều lệ; miễn, giảm thuế cho các hợp tác xã nông nghiệp…
Nghị quyết 120 NQ-CP của Chính phủ đã ban hành và có hiệu lực. Đây là điểm tựa để nông nghiệp, nông thôn, nông dân thoát khỏi vòng lẩn quẩn về cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đổi mới phương thức làm ăn theo kiểu mới mang tính tập thể, bền vững, hiệu quả cao.
Tuy vậy ngay từ bây giờ các ngành, các cấp và đội ngũ nông dân cần tính đến các mục tiêu quan trọng như: nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao khối lượng để giảm chi phí vận chuyển; chọn thời điểm ký kết các hợp đồng xuất khẩu một cách phù hợp và có lợi nhất; giá cả phải mang tính cạnh tranh lành mạnh và được thị trường chấp nhận.
Ngoài ra, cần có những giải pháp cơ cấu, tổ chức lại phương thức sản xuất gắn chặt với các yếu tố quan trọng như: tín dụng, khuyến nông, khuyến công, giao thông, thủy lợi…
Tất cả các yếu tố cơ bản: “Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa” chúng ta đã đủ và đang trong tư thế sẵn sàng. Điều còn lại là sự chung lòng vào cuộc của các bên có liên quan dưới sự điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước và sự đổi mới từ cách nghĩ, cách làm của hàng chục triệu nông dân Việt Nam để nông nghiệp, nông thôn chúng ta không ngừng đổi mới và phát triển vững bền.
Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin