Từ khoảng giữa tháng 3 đến nay, người dân huyện An Minh (Kiên Giang) tất bật vào mùa thu hoạch mật ong. Không chỉ kiếm thu nhập khá từ nghề lấy mật, một số người dân theo nghề gác kèo ong còn góp phần gìn giữ thương hiệu mật ong U Minh vốn nổi tiếng tự bao đời nay.
Từ khoảng giữa tháng 3 đến nay, người dân huyện An Minh (Kiên Giang) tất bật vào mùa thu hoạch mật ong. Không chỉ kiếm thu nhập khá từ nghề lấy mật, một số người dân theo nghề gác kèo ong còn góp phần gìn giữ thương hiệu mật ong U Minh vốn nổi tiếng tự bao đời nay.
Kiên Giang: Đã mắt, phát thèm trước những tảng mật ong rừng U Minh |
Sống khỏe nhờ ong
Xế trưa, ông Trần Văn Biên (ngụ ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) cùng vợ kéo chiếc vỏ lãi qua con đập ngăn nước mặn cạnh nhà rồi tiến sâu vào rừng tràm với dụng cụ dùng để lấy mật gồm chiếc thùng, bó than con cúi và chiếc nón lưới đội đầu. Trong lúc cắt tổ ong lấy mật, ông Biên nói: “Ở những năm mưa nhiều, tràm rụng bông nhiều thì mật ít, ngược lại giá mật sẽ tăng lên 100.000 đồng/lít. So năm ngoái, lượng mật tôi lấy được vẫn không đủ để bán”.
Gia đình ông Biên từng là hộ nghèo, được giao khoán 4,8ha rừng tại tiểu khu 34, xã Đông Hưng B từ năm 2009. Hàng năm, ngoài khoản thu nhập từ khai thác tràm sản xuất, gia đình ông còn thu về hơn 40 triệu đồng từ 40 kèo ong được gác tại phần đất rừng được giao khoán.
Tại rừng tiểu khu 34 còn có hơn 100 hộ dân sống bằng nghề gác kèo ong cũng đang vào cao điểm thu hoạch. Hiện giá mật ong bán lẻ tại rừng có giá 400.000-450.000 đồng/lít, lúc hút hàng mật bán lẻ có giá 500.000-550.000 đồng/lít tùy theo số lượng khách mua nhiều hay ít.
Theo nhiều người gác kèo ong có kinh nghiệm tại An Minh, mỗi năm người dân chỉ thu hoạch mật ong từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 vì thời gian này hoa tràm cho mật nhiều, chất lượng mật tốt; người gác kèo lấy mật có tâm sẽ không thu hoạch mật từ tháng 6 đến cuối tháng 8 vì lúc này mưa nhiều, mật hoa lẫn nước mưa nên chất lượng mật không tốt.
Ông Biên với tổ ong vừa mới thu hoạch tại rừng U Minh, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: NQ. |
Được xem là một trong những người có thâm niên gác kèo lấy mật ong ở rừng tiểu khu 33 xã Vân Khánh Tây (An Minh), ông Dương Phát Triển, ngụ ấp Kinh 5 Đất Sét, cho biết: “Từ đầu mùa đến giờ cũng thu được vài chục lít mật ong. Mấy năm nay cá, lươn trong rừng ngày càng ít nên thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào nghề gác kèo ong lấy mật. Với 100 kèo ong được gác tại rừng tiểu khu 33, mỗi năm gia đình thu về hơn 70 triệu đồng”.
Giữ gìn thương hiệu
Vào mùa thu hoạch mật ong, một số người muốn có mật ong nguyên chất đã tìm đến tận rừng An Minh để tận mắt chứng kiến sự vất vả của người làm nghề gác kèo lấy mật. Mấy chục năm nay chuyên tâm chí cốt với nghề gác kèo ong, ông Trần Văn Lùng là một trong số những người giỏi dụ ong về làm tổ trong vùng rừng. Nhờ đó, khu vực rừng nhà ông lúc nào cũng có hàng chục tổ ong.
Người dân ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang luôn tâm niệm phải giữ gìn thương hiệu mật ong U Minh. Ảnh: NQ. |
Mật ong rừng tràm nơi đây trong veo tinh khiết bởi ông Lùng và bà con nuôi ong không bao giờ pha mật nguyên chất với bất cứ một phụ liệu nào. Ông Lùng chia sẻ: “Đó là đạo đức của người làm nghề, là giữ lấy nghề truyền thống vốn có từ bao đời. Bà con ở rừng này vẫn bảo nhau giữ thương hiệu mật ong rừng U Minh Thượng như giữ gìn một thứ quý giá trong đời sống”.
Mật ong thu hoạch từ rừng tràm ở các huyện vùng U Minh Thượng, trong đó có An Minh từ lâu đã là một đặc sản nổi tiếng và quý hiếm với nhiều công dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Mật ong vùng này mang hương vị đặc biệt của hoa tràm, màu trong và vàng như nước cam, để lâu năm sẽ có màu hơi đậm lại.
Tuy nhiên, hiện do lượng mật hàng năm thu được ít, giá bán cao nên một số người vì lợi nhuận đã bất chấp đưa ra thị trường những loại mật kém chất lượng. Do đó, để mua được mật ong nguyên chất, người mua cần chọn mua ở những nơi có uy tín, không nên mua mật ong trôi nổi với giá rẻ nhằm tránh “tiền mất tật mang”.
Theo Ngọc Quyên (Dân Việt)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin