ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, tuy nhiên, gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… khiến nông nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng.
ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, tuy nhiên, gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… khiến nông nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Thay đổi mô hình sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách đặt ra; để làm được điều này cần phát huy mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới.
Quy tụ nông dân vào HTX nông nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay |
Nhu cầu bức thiết
Vùng ĐBSCL đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), với sự tác động từ các hiện tượng cực đoan. Các biểu hiện cực đoan xảy ra ngày càng thường xuyên, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nhỏ lẻ rất dễ tổn thương.
Ứng phó với thực trạng này, thời gian qua Bộ NN-PTNT và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó chú trọng quy tụ nông dân vào HTX nông nghiệp nhằm chuyển hướng từ sản xuất manh mún sang sản xuất quy mô lớn, thích ứng với BĐKH.
Bộ NN-PTNT cho biết: “Gần đây đã có hàng chục HTX nông nghiệp ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau… tổ chức cho nông dân chuyển đổi sản xuất từ 2 lúa sang mô hình lúa - tôm phù hợp với BĐKH và đạt hiệu quả cao.
Ở An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, các HTX áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô hàng chục ngàn hécta; nhờ sử dụng phân bón vi sinh, phân bón thông minh… giúp giảm chi phí, tăng chất lượng hạt gạo, bán được giá tốt.
Nhiều HTX nông nghiệp chủ động liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị như HTX xoài Tân Thuận Tây (Đồng Tháp) liên kết với Công ty Long Uyên; HTX chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) liên kết với Công ty Rau quả Mê Kông.
Bên cạnh đó, xuất hiện những HTX đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm như: HTX thanh long Tầm Vu (Long An), HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp), HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công (Tiền Giang)…”.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Xác định tầm quan trọng của HTX nông nghiệp trong ứng phó với BĐKH, thời gian qua Cần Thơ quan tâm củng cố hoạt động của các HTX, nâng cao năng lực quản lý.
Đẩy mạnh tuyên truyền về kinh tế hợp tác và liên kết trong sản xuất, bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ địa phương cùng nông dân.
Ý thức làm ăn tập thể được nâng lên, các HTX nông nghiệp hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, giải quyết nhiều việc làm ổn định thu nhập cho người dân…”.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhận định: “Qua khảo sát cho thấy, nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất, ứng dựng những kỹ thuật mới trong nuôi trồng thích ứng với BĐKH mang lại hiệu quả.
Nhờ đó, nông dân mạnh dạn tham gia và đánh giá cao vai trò của HTX nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL là một trong 3 vùng có số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới nhiều nhất cả nước.
Tính đến cuối năm 2018, vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp, chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp trên cả nước”.
Giải pháp nhân rộng
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở khoa học, chưa có thị trường ổn định, đồng thời chưa được sự hỗ trợ cần thiết để nhân rộng.
Điển hình như ở các vùng ven biển, nông dân còn thói quen canh tác quảng canh trong nuôi tôm, sản xuất liên tục không tuân theo thời vụ, nên tôm chỉ thu hoạch khối lượng nhỏ.
Ngoài ra, sự hạn chế về khoa học công nghệ trong khâu chọn tạo, lai tạo các giống cây con khiến việc sản xuất thích ứng BĐKH bị ảnh hưởng. Các địa phương còn thiếu thông tin về diễn biến của BĐKH, nên lúng túng trong xây dựng chiến lược, chính sách phát triển nông nghiệp một cách phù hợp…
Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), mô hình HTX nông nghiệp hiện nay có thể đảm đương vai trò thích ứng BĐKH; tuy nhiên HTX còn hạn chế nguồn lực, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, vốn hoạt động yếu và khó tiếp cận tín dụng chính thức…
Tháo gỡ những khó khăn trên rất cần chính sách thúc đẩy sự cải thiện năng lực HTX, tiến tới đa dạng hóa các hoạt động của HTX, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào HTX, từ đó thay đổi lòng tin của thành viên nhằm gia tăng hiệu quả thích ứng BĐKH.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL thích ứng với BĐKH, gắn cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020.
Triển khai các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp thích ứng với cơ chế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế và BĐKH. Đồng thời, xác định HTX nông nghiệp ứng phó BĐKH sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các chính sách hỗ trợ chế biến tiêu thụ sản phẩm đối với HTX nông nghiệp, chính sách đào tạo năng lực cán bộ, phát triển hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chương trình xây dựng nông thôn mới… Chú trọng tuyên truyền để mọi người hiểu về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HTX nông nghiệp.
Theo HUỲNH LỢI (Sài Gòn Giải Phóng)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin