Băng cassette- nơi lưu giữ âm thanh của ký ức

08:05, 16/05/2019

Cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều thiết bị kỹ thuật số hiện đại phát triển khá nhanh, băng cassette gần như bị lãng quên. Đó là chưa nói đến lứa thế hệ 9X trở về sau, ít người biết được rằng, thị trường âm nhạc xưa từng có một thời vàng son mang tên "Băng cassette". 

Cùng với tốc độ đô thị hóa, nhiều thiết bị kỹ thuật số hiện đại phát triển khá nhanh, băng cassette gần như bị lãng quên. Đó là chưa nói đến lứa thế hệ 9X trở về sau, ít người biết được rằng, thị trường âm nhạc xưa từng có một thời vàng son mang tên “Băng cassette”.

Còn với lứa thế hệ 8X hay đời đầu 9X, những cuộn băng cũ ấy không khác gì một “món ăn tinh thần” của tuổi thơ. Khi vô tình nghe được bản nhạc được phát ra ở quán cà phê xưa nào đó, bao ký ức lại ùa về.

Thời vàng son nhất của băng cassette là vào khoảng thập niên 70, 80. Đó là thời mà những chiếc tivi còn là điều gì đó quá xa xỉ với mọi nhà. Máy radio và băng cassette khi ấy là lựa chọn tuyệt vời để nhà nhà, người người giải trí, có những phút giây bình yên bên âm nhạc.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, xuất hiện quá nhiều những dữ liệu lưu trữ âm thanh thì băng cassette chỉ còn là hồi ức đẹp về một thời đã xa.

Nói cách khác, với nhiều hạn chế về chất lượng âm thanh như: run, nhão... những cuộn băng cassette gần như “biến mất” khỏi đời sống của người dân, khi thị trường âm nhạc ngày càng khắt khe và chú trọng về chất lượng. 

Chính sự lãng quên ấy đã vô tình làm cho băng cassette âm ỉ, tiềm tàng sức sống mãnh liệt. Bằng chứng là không ít người đã và đang “săn lùng” những cuộn băng của ngày ấy và mừng vui khôn xiết khi cầm cuộn băng cassette trên tay.

Để rồi những khuyết điểm năm xưa giờ đây trở thành “đặc sản” của hồi ức, mấy ai có thể cảm nhận được cái thời mà âm nhạc vẫn còn thô sơ, giản dị ấy.

Băng cassette – âm thanh ký ức
Băng cassette – âm thanh ký ức

“Tôi nghĩ, những đứa trẻ khoảng 10 tuổi ngày nay sẽ không biết băng cassette là gì. Nhưng với tôi và nhiều người đồng trang lứa, mỗi khi nghe âm thanh run, nhão cất lên từ máy phát băng cassette thì lại xúc động.

Nó gợi nhớ về thời thơ ấu, chạy “lon ton” theo ông bà để được nghe nhạc, truyện cổ tích hay những bản cải lương mà mình yêu thích. Lúc ấy, tivi không thịnh hành như bây giờ, máy radio và băng cassette chiếm ưu thế. Nhà nào có điều kiện thì sở hữu, không thì “nghe ké” cho đỡ buồn.

Những âm thanh đặc sệt “mùi của thời gian” ấy giúp tôi nhớ về ngày “trẻ trâu” theo cha mẹ mưu sinh trên đồng ruộng. Lúc đó, nhà tôi phải dành dụm lắm mới mua được cái máy phát nhỏ. Mỗi khi đi ruộng, làm đồng là mang theo để giải trí khi ngơi tay, chân.

Cha mẹ thì thích nghe cải lương nên mở suốt, riết rồi tôi cũng “ghiền” theo. Theo thời gian, mọi thứ không còn như trước. Ngày đó, băng cassette ở nhà nhiều lắm nhưng giờ muốn sở hữu cuốn băng vừa ý cũng khó mà tìm” - anh Nguyễn Minh Luân (sinh năm 1988, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) bộc bạch.

Lần theo ký ức, tôi tìm đến những tiệm chuyên bán băng cassette ngày đó, nay còn rất ít nếu không nói là hiếm. Ở một tiệm nhỏ tại chợ An Châu (Châu Thành), ông chủ tỏ ra bất ngờ khi tôi hỏi mua băng cassette mặc dù trước tiệm có tấm bảng to “bán băng cassette cũ”.

Người chủ tiệm ngoài 70 tuổi ấy nặng nhọc lôi thùng băng cassette cất dưới chiếc ghế, có lẽ lâu rồi không đụng đến nên khá dày bụi, chậm rãi nói: “Này, cháu lựa đi! Lâu lắm rồi mới có người hỏi mua, mà cũng lâu rồi không nghe nên chả biết còn bao nhiêu cuồn nghe được. Thôi thì cháu chịu khó lựa, cái nào hư mang ra đây đổi lại. Ờ mà cái máy phát ở nhà còn nghe được không mà mua băng vậy?”.

Trước sự ngỡ ngàng của một người tận hưởng trọn vẹn “cuộc đời” băng cassette khi thấy một người trẻ tìm mua lại “ký ức”, tôi thấy mình có chút “ngợp” với mớ băng hỗn độn trước mặt.

Tôi mất khá nhiều thời gian để phủi bụi và lựa chọn, tôi và người bạn đi cùng chọn được vài cuồn băng ưng ý. Trong bụng thầm nghĩ, chắc phải mắc lắm vì nhiều trang mạng rao bán với giá vài trăm ngàn đồng/cuồn chứ không ít.

“Thôi, băng cũ rồi, lấy mấy đứa 20.000 đồng/cuồn” - ông chủ tiệm nói. Khi ra về, chúng tôi thấy ông khệ nệ đẩy thùng băng về lại chỗ cũ, hẳn cũng trộm nghĩ, biết khi nào mới lại lôi ra bán tiếp…

Vội vàng cho cuồn băng cassette vào máy phát ở nhà, đúng là “băng cũ”, âm thanh nghe không lẫn vào đâu, hết rì rè lại bị dập và nhão. Vậy mà mẹ tôi tỏ ra khá vui, vì lâu rồi bà cũng có nghe băng cassette đâu.

Thế là, mẹ tôi lại huyên thuyên những chuyện xưa, tích cũ, rồi thì bà đã thuộc bao nhiêu bài hát trong cuồn băng này…

Mẹ nhớ, ngày đó mỗi khi băng cassette bị kẹt máy, tôi lại quay bằng tay, bất cẩn làm hư cuộn băng rồi đem giấu như thế nào. Đó là lý do vì sao nhiều người gọi tên cho băng cassette là nơi lưu giữ âm thanh của ký ức.

Sự “biến mất” của băng cassette trước thị trường âm nhạc ngày càng phát triển như khép lại một chương đẹp về tuổi thơ hồn nhiên trong ký ức của nhiều người. Đã là ký ức đẹp thì dù có qua bao năm nó vẫn hiện hữu và vẹn nguyên giá trị tinh thần.

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh