Rộn ràng Tết Chôl Chnăm Thmây

04:04, 06/04/2019

Những ngày này, đến các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp sự tất bật, rộn ràng và niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt của đồng bào dân tộc Khmer. Phum sóc ở các địa phương nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà trang hoàng, dọn dẹp, sửa sang để đón chào năm mới.

Những ngày này, đến các địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp sự tất bật, rộn ràng và niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt của đồng bào dân tộc Khmer. Phum sóc ở các địa phương nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà trang hoàng, dọn dẹp, sửa sang để đón chào năm mới.

Một buổi lễ cầu an trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Sóc Trăng.
Một buổi lễ cầu an trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Niềm vui ngày mùa

Trong số gần 10 tỉnh, thành phố, với khoảng 1,2 triệu đồng bào Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh đông nhất, với hơn 400 nghìn người, chiếm gần 31% số dân toàn tỉnh, phân bố đều ở các huyện, thị xã, thành phố.

Những ngày này, khắp các nẻo đường từ thành phố về đến nông thôn đều rực rỡ cờ hoa. Con đường dẫn vào chùa Buôl Prés Phek (còn được gọi là chùa Bốn Mặt), thuộc ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) hôm nay được dọn sạch từ cổng đến tận chánh điện.

Nhiều người dân tranh thủ lúc rảnh rỗi đến trang hoàng các dây đèn chớp ở tượng Phật Thích Ca. Chị Thạch Thị Dung, ấp Trà Quýt B, xã Thuận Hòa chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi ăn Tết tươm tất hơn mọi năm, do làm ăn khấm khá hơn. Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, không có ruộng. Ðược Nhà nước cho vay tiền nuôi bò, rồi được ngành nông nghiệp địa phương tập huấn kỹ thuật, gia đình tôi đã thoát nghèo".

Ðược biết, từ khi kinh tế gia đình khá giả, chị Dung tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ xã, được làm điều phối viên quỹ tín dụng chính sách và trở thành đảng viên gương mẫu. "Khởi đầu chỉ có hai con bò, nay gia đình tôi đã có đàn bò hơn 15 con" - chị Dung phấn khởi khoe.

Ðến thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nơi đồng bào Khmer chiếm hơn 52% số dân, càng thấy đời sống người dân đổi thay nhanh chóng. Hệ thống giao thông ở Vĩnh Châu khá hoàn thiện, trạm y tế, trường học, điện, nước sạch đều có đầy đủ để phục vụ người dân.

Thời điểm này, những vùng nuôi tôm ở Vĩnh Châu đang chuẩn bị vào vụ nuôi chính của năm 2019. Ông Kim Sà Rích ở ấp Prây Chớp, xã Lai Hòa, sau nhiều năm vất vả đã có của ăn của để.

Ðón chúng tôi trong căn nhà khang trang còn thơm mùi sơn mới, ông Rích cho biết: "Nhờ Nhà nước đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cho nên vùng nuôi tôm đã bảo đảm nguồn nước.

Hơn nữa, tôi còn được vay vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi, cho nên đã vận dụng mô hình đa canh cho hơn 10 công đất (10.000 m2), sinh lợi hằng năm hơn 200 triệu đồng. Năm nay đón Tết Chôl Chnăm Thmây lớn hơn mọi năm".

Nằm đối diện bên kia dòng sông Hậu là tỉnh Trà Vinh, nơi đồng bào Khmer chiếm 32% số dân toàn tỉnh. Vượt qua cái nắng tháng tư, chúng tôi xuôi về Trà Cú, là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất tỉnh Trà Vinh, với tỷ lệ hơn 62% số dân toàn huyện.

Không khí nóng bức, oi ả bỗng tan biến khi chúng tôi đi sâu vào các phum sóc ở xã Hàm Giang, nơi có 98% số đồng bào Khmer sinh sống.

Ðồng chí Ðông Minh Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban nhân dân ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang, cho biết: Trước kia nơi đây là một trong những vùng nghèo khó nhất huyện, nhưng giờ đã khá hơn rồi.

Nhờ sự lãnh đạo của Ðảng, sự đầu tư của Nhà nước và được cán bộ hướng dẫn cách làm ăn, đồng bào Khmer nơi đây làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả hơn. Những cánh đồng đất khô cằn ngày xưa, nay đã phủ kín mầu xanh của khoai môn, bí đỏ.

Anh Thạch Kim Ly, người dân địa phương cho biết, không chỉ gia đình anh, mà hầu hết bà con trong ấp đều trúng mùa, trúng giá khoai môn và bí đỏ, cho nên ai nấy đều háo hức đón Tết cổ truyền của dân tộc sung túc, vui vẻ hơn.

Vừa đưa tay lấy chiếc nón tai bèo trên đầu quệt những giọt mồ hôi ướt mặt, anh Châu Sa Ða Mol, ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên (An Giang) phấn khởi khoe: Năm nay đồng bào Khmer Bảy Núi - An Giang ăn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây lớn. Anh cho biết, năm nay lúa trúng mùa, tuy giá có hạ nhưng người trồng lúa vẫn có lời; bò thì vừa bán một cặp được gần 70 triệu đồng.

"Tui kêu vợ đi chợ huyện sắm sửa ít đồ đạc trong nhà để đón Tết, rồi cũng đóng góp chút ít để xây sửa chùa Thơ Mít. Mấy đứa con tui đi học, đi làm xa cũng đã trở về nhà. Ngày Tết Chôl Chnăm Thmây còn là ngày gia đình, bà con, họ hàng xa về đoàn tựu, cùng nhau tưởng nhớ ông bà" - anh Châu Sa Ða Mol, chia sẻ.

Quê hương đổi mới

Ði dọc tuyến tỉnh lộ 948 nối từ thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên đến thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn (An Giang) mới thấy hết không khí rộn ràng của ngày Tết Chôl Chnăm Thmây vùng Bảy Núi. Hai bên đường, nhất là khu vực gần các ngôi chùa Khmer trở nên nổi bật bởi cờ hoa.

Ngôi chùa cổ Thơ Mít ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên đang được gấp rút trang trí lại những hoa văn trên chiếc cổng chào để bước vào các ngày chính lễ từ 14, 15 và 16-4. Cách đó không xa là chùa Vàng, chùa Mỹ Á.

Con đường nhựa dẫn vào chùa Mỹ Á đã được mở rộng thênh thang, xe ô-tô vào tận sân chùa. Những ngôi nhà tường kiên cố cũng đã thay thế những ngôi nhà gỗ cũ của người dân trong phum sóc dọc hai bên đường dẫn vào chùa Mỹ Á.

Niềm vui càng được nhân lên, khi xã Ðại An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đạt chuẩn nông thôn mới. Ðại An là xã vùng sâu, vùng xa với đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 71,5%.

Từ một xã thuộc Chương trình 135, tỷ lệ hộ nghèo hơn 56%, để về đích xã nông thôn mới, có thể nói sự phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nơi đây không hề nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND xã Ðại An Thạch Văn Minh cho biết, sự bứt phá của Ðại An là nhờ xã lãnh đạo thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi sản xuất, nâng giá trị sản xuất trên cùng diện tích.

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất ở Ðại An đều đạt hiệu quả cao. Nhất là mô hình trồng khoai môn của xã luôn dẫn đầu về hiệu quả kinh tế, đem lại lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa.

"Khi đời sống vật chất đã khá lên thì sự đóng góp của người dân vào các tiêu chí khác để sớm về đích xã nông thôn mới là điều hiển nhiên. Ngày Tết Chôl Chnăm Thmây ở Ðại An vui lắm", đồng chí Thạch Văn Minh nói.

Trong năm 2018, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống đồng bào đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Bình Cang, cho biết: Năm 2018, toàn tỉnh có 11.440 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 27.154 hộ, chiếm 8,40% tổng số hộ; trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 13.013 hộ, chiếm 12,98% tổng số hộ Khmer (giảm 4,97% so với năm 2017).

Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã mang lại diện mạo mới cho nhiều địa phương, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Thượng tọa Lý Ðức, Phó Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội cho biết, toàn tỉnh có 130 cơ sở thờ tự, trong đó có 92 chùa và 38 salatel (nơi thờ tự có diện tích nhỏ), với 1.873 vị sư sãi đang tu học. Ðến nay, trong toàn tỉnh có hơn 85% số ngôi chùa được tôn tạo.

Hiện có 65 tụ điểm văn hóa tại chùa Khmer, hai chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tám chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống luôn được duy trì theo phong tục, tập quán, đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao và cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.

Ðồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc.

Bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng củng cố và phát triển; khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được nâng cao.

Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc, xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng…

"Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực cố gắng của toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào Khmer, đã nêu cao quyết tâm chính trị, chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội đã đề ra.

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt ở mức cao. Cụ thể, đã thực hiện đạt và vượt 20 trong số 24 chỉ tiêu Nghị quyết của Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Các hoạt động giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đạt kết quả tích cực", Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định.

Theo Báo Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh