Phòng cháy rừng mùa khô

07:04, 14/04/2019

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chính những cơn mưa này lại là mối lo ngại về cháy rừng vì khi nắng nóng trở lại, hơi nước bốc nhanh, lá ủ, tạp chất ở các chân rừng sẽ trở thành vật liệu cháy rất nhanh.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện một vài cơn mưa trái mùa. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chính những cơn mưa này lại là mối lo ngại về cháy rừng vì khi nắng nóng trở lại, hơi nước bốc nhanh, lá ủ, tạp chất ở các chân rừng sẽ trở thành vật liệu cháy rất nhanh.

Chính vì thế, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), cũng như các chủ rừng trên địa bàn tỉnh đang tăng cường cảnh giác trong công tác PCCCR, nhằm bảo vệ rừng được an toàn trong mùa khô.

 Lực lượng bảo vệ rừng (Vườn Quốc gia Tràm Chim) và chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy , chữa cháy rừng tại khu A4
Lực lượng bảo vệ rừng (Vườn Quốc gia Tràm Chim) và chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra công tác phòng cháy , chữa cháy rừng tại khu A4

Theo ông Bùi Văn Son - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện nay nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh đang cực kỳ nguy hiểm, nắng nóng diễn ra liên tục với nhiệt độ trung bình là 340C, độ ẩm không khí xuống dưới 50% (độ ẩm trung bình 75%), độ hanh khô trong không khí rất cao.

Dự báo cấp cháy rừng trên địa bàn tỉnh từ cấp III đến cấp V. Trong đó, 3 khu vực rừng có khả năng cháy lớn và lan nhanh ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) là: Khu vực rừng Phòng hộ biên giới thuộc Đoàn kinh tế Quốc phòng 959; khu vực cặp kênh Hội Kỳ Nhất thuộc rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và 2 khu vực phía rừng tràm vị trí phía sau Khu quản lý Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt Gò Tháp.

Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, ngay từ đầu mùa khô 2019, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch, đồng thời phối hợp với Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Đồng Tháp triển khai kiểm tra việc thực hiện các quy định an toàn PCCC tại các địa phương, chủ rừng, nhất là tại các điểm có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Hiện nay, toàn tỉnh có 4 huyện có rừng, trong đó đã xây dựng 2 hạt kiểm lâm (mỗi hạt phụ trách 2 huyện) phối hợp với công an, quân sự các địa phương hàng tháng kiểm tra 2 đợt để nhắc nhở các chủ rừng về việc đảm bảo công tác PCCCR.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm còn phối hợp với các lực lượng, chủ rừng tuyên truyền các văn bản pháp luật về PCCCR để nâng cao ý thức PCCCR đến người dân.

Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, huyện Tam Nông được xem là đơn vị có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, dự báo mức độ cháy rừng của vườn ở phân khu A4, A5 cấp ở cấp IV - cấp nguy hiểm, có khả năng cháy lớn, các phân khu còn lại dự báo cháy cấp III (cấp có nguy cơ cháy cao). Vì vậy ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tăng cường các giải pháp PCCCR mùa khô.

Ông Nguyễn Thế Hanh - Phó Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết, nhận định tình hình diễn biến của thời tiết, ngay từ đầu năm 2019, VQG Tràm Chim đã có bước chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô.

Cụ thể, đơn vị quản lý rừng đã tiến hành nạo vét các tuyến kênh, ao khu vực vùng đệm, thực hiện việc điều tiết nước, giữ lưu lượng nước và bơm nước vào trong Vườn để hạn chế cháy và đảm bảo phục vụ công tác dập lửa khi xảy ra cháy.

Ban quản lý rừng phân công cán bộ tổ chức trực đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô. Ảnh: M.NHÂN
Ban quản lý rừng phân công cán bộ tổ chức trực đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô. Ảnh: M.NHÂN

Bên cạnh đó, các phương án trong công tác PCCCR được triển khai theo phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, Ban quản lý rừng phân công cán bộ tổ chức trực PCCCR tại 21 trạm và 1 lều trại, 7 đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu cháy.

Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa cháy tại chỗ, máy móc của VQG có thể ứng phó và dập lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đặc biệt, vào cao điểm nắng nóng đầu tháng 3/2019, VQG còn tiếp nhận 60 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và bố trí tại các địa bàn trọng yếu để kết hợp công tác dã ngoại, tuyên truyền và tuần tra bảo vệ rừng tại các xã giáp VQG Tràm Chim.

Không chỉ vậy, VQG Tràm Chim còn lắp đặt 8 camera quan sát, 1 flycam và 2 camera hành trình để tăng cường cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và PCCCR.

Tương tự, tại rừng tràm Gáo Giồng (huyện Cao lãnh), do được dự báo trước nên năm nay Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng vào cuộc với công tác PCCC mùa khô 2019 rất sớm và quyết liệt.

Ông Huỳnh Thanh Hiền - Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng cho biết, Gáo Giồng có tổng diện tích rừng gần 1.600ha, trong đó có 1.200ha là rừng tràm sản xuất phối hợp với du lịch sinh thái. Cũng như mọi năm, năm nay, Ban Quản lý tiếp tục thực hiện giải pháp tạo “đường băng trắng, đường băng xanh” để bảo vệ rừng tràm vào mùa khô.

Ngoài ra, Ban Quản lý còn thực hiện thêm các giải pháp lâm sinh trong công tác PCCCR như: chỉ đạo các chốt bảo vệ chủ động giữ độ ẩm và vệ sinh rừng bằng cách đắp các cống đập giữ nước, đảm bảo đủ nước dự phòng; lắp đặt các trạm bơm điện, bơm nước giữ độ ẩm, xây cống hở điều tiết nước;

vệ sinh thực bì và các bả thực vật dễ cháy xung quanh khu vực rừng vào mùa khô hàng năm; vệ sinh rong, bèo dưới lòng kênh ở các tuyến trong toàn khu vực, tạo sự thông thoáng để dễ dàng vận chuyển phương tiện và lực lượng chữa cháy.

Các lực lượng phối hợp kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Các lực lượng phối hợp kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, bảo trì, trang bị các công cụ, dụng cụ, máy bơm nước chữa cháy, máy chuyên dùng để phục vụ cho công tác PCCC được thực hiện thường xuyên, cho chạy thử tải một tuần/lần để các máy chữa cháy chuyên dùng đảm bảo hoạt động tốt khi đưa vào sử dụng.

Trang bị hiện có phục vụ công tác PCCCR là 4 máy chuyên dùng, 2 máy bơm ly tâm hiệu Honda 6,5HP và dây chuyên dùng cho chữa cháy là 1.740m.

Ban Quản lý rừng cũng tích cực thực hiện công tác tuyên truyền về PCCC và tạo điều kiện cho người dân ở xung quanh khu vực rừng tham gia các dịch vụ du lịch, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Ông Bùi Văn Son - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh dự báo: mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 (dương lịch) với nhiệt độ nắng nóng cao, nguy cơ cháy rừng vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương, đơn vị chủ rừng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân ý thức PCCCR; chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị PCCC; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng... Đặc biệt, các địa phương, đơn vị chủ rừng phải xác định PCCCR là chính chứ nếu để xảy ra cháy rừng thì rất khó khống chế, sẽ gây thiệt hại về tài nguyên rừng.

Theo Đồng Tháp Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh