Ðột phá xây dựng vùng nông nghiệp đặc trưng, quy mô lớn

05:04, 30/04/2019

Triển khai thực hiện Quyết định số 61/QÐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố từng bước định hình sản phẩm và vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng.

Triển khai thực hiện Quyết định số 61/QÐ-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc phê duyệt Ðề án Tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố từng bước định hình sản phẩm và vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng. Trong đó, chú trọng việc hoàn thiện dần chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập nông hộ theo hướng bền vững.

Thu hoạch bưởi tại huyện Phong Điền
Thu hoạch bưởi tại huyện Phong Điền

Vùng chuyên canh

Đối với cây trồng lợi thế-cây lúa, thời gian qua, TP Cần Thơ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gắn với mô hình "Cánh đồng lớn".

Đến cuối năm 2018 thành phố duy trì và mở rộng được 93 "Cánh đồng lớn" với diện tích 19.830ha và 12.960 hộ dân tham gia. Trong đó, có 17 doanh nghiệp tham gia bao tiêu với diện tích 13.432ha.

Ông Võ Văn Rô, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phú, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: "Nhờ tham gia vào "Cánh đồng lớn" được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cộng với sự hỗ trợ của thành phố thông qua Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) nên việc sản xuất và tiêu thụ lúa của bà con trong Hợp tác xã gặp nhiều thuận lợi.

Từ đầu vụ, nông dân sạ đúng giống và quy trình canh tác doanh nghiệp đề xuất nên được bao tiêu đầu ra, không phải lo cảnh "được mùa, rớt giá".

Hiện tại Hợp tác xã đang hoàn tất các thủ tục để dự án VnSAT đầu tư xây dựng trạm bơm điện. Đây có thể nói là niềm vui lớn của Hợp tác xã trong hành trình nâng cao năng lực sản xuất và giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo".

Để phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, thành phố tích cực vận động nông dân cải tạo vườn tạp, khôi phục vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh với diện tích 17.121ha.

Trong đó, đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái (tại Phong Điền, Cái Răng, Thới Lai…), góp phần tăng thu nhập cho nông hộ từ 1,5- 2 lần. Ở lĩnh vực chăn nuôi, thành phố hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung có quy mô lớn (95 cơ sở chăn nuôi heo, 29 cơ sở chăn nuôi trâu bò, 7 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô lớn).

Lĩnh vực thủy sản phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Đến cuối năm 2018, Cần Thơ có 2 Hợp tác xã nuôi cá tra với diện tích 27ha; 43 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 144ha; 20 vùng nuôi của 7 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 169,7ha và đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP…) đạt 197ha.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là khâu sản xuất vẫn chưa ổn định về năng suất, chất lượng và hiệu quả khiến thu nhập của người nông dân còn bấp bênh.

Đó là chưa kể quá trình sản xuất, nông dân có thể đối mặt với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Thời gian qua, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn có xu hướng phát triển nhưng chưa mạnh.

Ngoài ra, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đến nay vẫn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ tái cơ cấu của thành phố; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể còn hạn chế, các mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới phát triển chưa đủ mạnh.

3 khâu đột phá

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố thời gian tới tiếp tục tập trung vào các nội dung: Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo "Cánh đồng lớn"; Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị (Mô hình sản xuất sinh vật cảnh, vùng chuyên canh hoa kiểng); Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái (Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp; Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái; Phục dựng và xây dựng mới một số thương hiệu cây ăn trái chủ lực); Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học; Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng (vùng chuyên canh cá tra, sản xuất và cung ứng giống thủy sản chất lượng)…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, nhấn mạnh: "Hơn 20 năm hoạt động trong ngành lúa gạo, tôi cho rằng mô hình "Cánh đồng lớn" là mô hình thành công nhất trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra hạt gạo chất lượng cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn để đầu tư. Với năng lực hiện có, công ty chỉ có thể bao tiêu vùng nguyên khoảng 6.000-7.000ha. Trong khi nhu cầu cần đến khoảng 24.000-25.000ha mới đảm bảo lượng gạo xuất khẩu hằng năm".

Do đó, ông Phạm Thái Bình kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp để ngân hàng cùng vào nhanh chóng vào cuộc. 

Nhiều ý kiến cho rằng, ở khâu tổ chức sản xuất, thành phố cần nghiên cứu chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực từ đó xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên.

Về tiêu thụ sản phẩm, thành phố tập trung nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo liên kết bền vững giữa người sản xuất với người chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tổ chức quảng bá rộng rãi các sản phẩm chủ lực của thành phố...

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố triển khai thực hiện 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp:

Tăng đầu tư khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: hệ thống đê bao kết hợp giao thông; hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu kết hợp với trạm bơm điện đáp ứng yêu cầu chủ động sản xuất ở quy mô lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn...

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh