Đưa bánh dân gian Nam bộ vươn xa

05:04, 15/04/2019

"Cũng nhờ có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (BDGNB) ở Cần Thơ mà bánh tráng Thuận Hưng được nhiều người biết đến, chuyện làm ăn của gia đình tôi giờ khấm khá, thuận lợi lắm".

 

Nghệ nhân đến từ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ trình diễn làm bánh con sùng ngũ sắc, tạo màu từ rau củ.
Nghệ nhân đến từ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ trình diễn làm bánh con sùng ngũ sắc, tạo màu từ rau củ.

“Cũng nhờ có Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ (BDGNB) ở Cần Thơ mà bánh tráng Thuận Hưng được nhiều người biết đến, chuyện làm ăn của gia đình tôi giờ khấm khá, thuận lợi lắm”.

Đó là lời nghệ nhân Hà Thị Sáu (quận Thốt Nốt) chia sẻ khi nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với tư cách là nghệ nhân tiêu biểu.

Đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều nghệ nhân qua những lần tham gia Lễ hội BDGNB. Với họ, đó là một cuộc “đổi đời”.

Bà Hà Thị Sáu kể rằng, bánh tráng Thuận Hưng là nghề truyền thống trên quê hương Thốt Nốt. Bản thân bà đã có hơn 35 năm theo nghề gia truyền. Từ chiếc bánh tráng nem truyền thống, bà Sáu nghĩ và “biến tấu” thành nhiều kiểu khác: hủ tiếu ngọt, bánh ướt ngọt… và dần khẳng định được thương hiệu. Từ khi bánh của bà Sáu đạt Huy chương Vàng tại Hội thi BDGNB, du khách đến lò bánh tham quan và mua sắm khá đông. “Bà con nói họ đi Lễ hội BDGNB và xem trên internet thấy hay, muốn thưởng thức nên tìm về làng nghề. Gia đình tôi nhờ vậy mà sống được với nghề”- bà Sáu nói.

 Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan và con gái giới thiệu các loại bánh làm từ rau quả.
Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan và con gái giới thiệu các loại bánh làm từ rau quả.

Nghệ nhân Trương Thị Hoa Lài, ngụ huyện Phong Điền, cũng vậy. Từ khi tham gia Lễ hội BDGNB, bánh ngon của bà được nhiều người biết đến. Đặc biệt, việc bà khôi phục chiếc bánh bao chỉ- một loại bánh ngon tưởng như đã thất truyền, mang đến Hội thi BDGNB và đoạt Huy chương Vàng đã trở thành câu chuyện đẹp trong bảo tồn và phát huy BDGNB.

Điều đó cũng cho thấy hiệu quả tốt sau mỗi kỳ lễ hội tại Cần Thơ. Riêng với bà Hoa Lài, chuyện làm ăn ngày một khấm khá hơn, từ chỗ làm bánh bán ở chợ hoặc bỏ mối, từ đầu năm 2018, gia đình đã mở điểm tham quan Tuấn Tường bên bờ rạch Trà Niềng. 

Khách đến đây sẽ được xem bà Hoa Lài giới thiệu và trình diễn bánh ngon, thưởng thức miếng ngon mùi nhớ. Đó cũng là một sản phẩm du lịch mới ở Phong Điền. Bà Trương Thị Hoa Lài nói: “Mỗi lần dự Lễ hội BDGNB, tôi tìm giới thiệu những loại bánh mới. Cái hay ở Lễ hội là mình thăm dò được thị hiếu và thị trường cho sản phẩm của mình”.

 Hàng trăm loại bánh dân gian được giới thiệu tại lễ hội.
Hàng trăm loại bánh dân gian được giới thiệu tại lễ hội.

Những ai gắn bó với Lễ hội BDGNB những ngày đầu tiên cách đây khoảng 10 năm trước mới thấy chặng đường dài cho một thương hiệu văn hóa mới ở Cần Thơ. Từ những buổi trưng bày nhỏ ở nhà lồng chợ Cần Thơ rồi nâng tầm thành Ngày hội, Lễ hội và giờ đã là Lễ hội cấp quốc gia.

Lễ hội BDGNB hiện là sản phẩm văn hóa rất riêng, đậm bản sắc. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết: “Hành trình đó có sự nỗ lực, quyết tâm của cả TP Cần Thơ trong việc hình thành một lễ hội văn hóa mới.

“Lắng nghe và thấu hiểu”, mỗi kỳ lễ hội, đi kèm những thành công vẫn còn đâu đó những dư luận chưa hay về rác thải, vệ sinh môi trường, giá giữ xe, việc các gian hàng tự nâng giá… Ban tổ chức trên tinh thần cầu thị đã có giải pháp khắc phục để mỗi mùa lễ hội là một dư âm đẹp trong lòng du khách”.

 

 

Cốm nổ Trung Thạnh, Cờ Đỏ.
Cốm nổ Trung Thạnh, Cờ Đỏ.

Điều mà ông Nguyễn Khánh Tùng tâm đắc nhất vẫn là qua các mùa lễ hội, đời sống của nghệ nhân ngày càng nâng cao, BDGNB ngày càng được nhiều người biết đến, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Bà con sống được với nghề làm bánh và an tâm giữ nghề truyền thống, có thêm động lực cải tiến mẫu mã, chất lượng, tạo hướng mở cho BDGNB hội nhập. Bên cạnh đó, lễ hội còn giúp các làng nghề, nghệ nhân hình thành phân khúc thị trường, nắm bắt sự chuyển đổi của xu hướng tiêu dùng trong thời buổi hội nhập để thích ứng.

Ở khía cạnh văn hóa, qua 8 lần tổ chức, Lễ hội BDGNB tại Cần Thơ đã trở thành nơi lưu giữ và tìm lại ký ức cho những loại bánh ngon, trong đó có nhiều loại bánh nay hiếm gặp hoặc gần như thất truyền. Bánh nghệ Gò Công (Tiền Giang) là một ví dụ. Nghệ nhân Năm Lâm cho biết, loại bánh này giờ ít gặp, tên “nghệ” không phải làm từ củ nghệ mà là tài nghệ, hoa tay khi làm nên những chiếc bánh kiểu như bánh hỏi nhưng đều tăm tắp, hoàn toàn bằng thủ công. Bánh nghệ làm bằng bột sống, nghệ nhân trải bột lên mảnh lá chuối lớn bằng bàn tay theo từng sợi, kết cấu như tấm lưới, sau đó đem hấp. Bánh nghệ ăn với bì, thịt khìa, nước mắm chua cay, rau sống… “Chọn bánh nghệ thi tài, tôi vừa tự tin vừa lo. Tự tin vì mình đã làm mấy chục năm rồi nhưng lo vì bánh ít người biết quá, không biết có vừa miệng không. Nhưng giờ thì vui rồi, bà con ủng hộ quá trời”- nghệ nhân Năm Lâm hào hứng kể.

Bánh tằm Ngan Dừa- miếng ngon mùi nhớ.
Bánh tằm Ngan Dừa- miếng ngon mùi nhớ.

Hay với bánh tằm se tay ăn với bì, xíu mại ở Ngan Dừa (Hồng Dân- Bạc Liêu), nghệ nhân Trần Thu Hồng cho hay, bây giờ bánh tằm thường làm bằng máy, sợi nhỏ. Nhưng bánh tằm Ngan Dừa vẫn được se tay, hòa nước cốt dừa vào bột nên hương vị rất độc đáo…

Nhìn cách bà Hồng bắt bột rồi se một lúc hai dây bột, thoăn thoắt đã có cả xề bánh tằm thơm ngon khiến ai cũng phải trầm trồ. Tài hoa của người Nam bộ như một kho tàng bí ẩn. Bánh bao chỉ của nghệ nhân Trương Thị Hoa Lài ở Phong Điền cũng vậy. Bà Lài chia sẻ, món bánh này truyền đến bà là đời thứ 4, bà vẫn cố gắng giữ đúng hương vị như thuở trước.

Soạn giả Nhâm Hùng, Trưởng Ban giám khảo Hội thi Bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội BDGNB 2019, cho rằng: Qua mỗi lần tổ chức, Hội thi đều phát hiện ra những món bánh ngon, lạ. Điều đáng nói là các nghệ nhân không chỉ bảo tồn, phát huy mà còn phát triển, để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Ví như có nhiều loại bánh nay được biến tấu để phục vụ cho người ăn kiêng, ăn chay…

Đặc biệt, các nghệ nhân đã hướng tới nét văn minh trong làm bánh dân gian. Qua các sản phẩm dự thi, đáng mừng là 100% sản phẩm không sử dụng màu công nghiệp, phụ gia nguy hại sức khỏe, vật dụng sử dụng cũng thân thiện với môi trường.

Cụ thể, bây giờ bánh nào bà con cũng làm nhiều màu để bắt mắt, nhưng màu được tạo ra từ rau củ. Màu xanh đậm là từ nước rau bồ ngót, màu tím là lá cẩm, màu vàng đậm là của trái gấc, màu xanh lợt là từ lá dứa, xanh bích từ bông đậu biếc… Đó là nguyên liệu để các nghệ nhân tạo màu, tạo mùi, hòa vào nhân, thân bánh nên rất lạ mắt, lạ miệng và an toàn.

Nghệ nhân Huỳnh Ngọc Lan ở tỉnh Sóc Trăng là người tiên phong như thế. Bánh của bà làm được làm từ nguyên liệu là rau củ quả dễ tìm, dễ ăn như trái bầu, củ cải đỏ, bắp cải tím, trái bắp… Theo bà Lan, bây giờ người tiêu dùng thích giá trị xưa cũ và quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm nhiều lắm. Bởi vậy, việc “thiên nhiên hóa” cho bánh dân gian không chỉ phù hợp nhu cầu thực khách mà xét về kinh tế, lại có giá thành rẻ hơn.

 “Muốn ăn bánh ngon thì tìm về Cần Thơ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm”- câu nói này đã trở thành lời truyền miệng dễ thương, là nếp quen của nhiều người yêu thích ẩm thực phương Nam. Đằng sau sự lan tỏa của chiếc bánh quê hương, sự khấm khá của người làm bánh, Cần Thơ tự hào vì đã góp phần đưa văn hóa ẩm thực Nam bộ vang xa… 

Theo  Đăng Huỳnh (CTO)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh