Những năm gần đây, cây mía rớt giá, năng xuất thấp khiến người dân điêu đứng. Trong khó khăn, nhiều hộ dân ở đây rủ nhau trồng khoai cau (khoai sọ) lại trúng lớn.
Đất nhiễm phèn mặn không trồng được lúa nên cây trồng chủ lực của người dân xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bấy lâu chỉ là cây mía, cây màu. Những năm gần đây, cây mía rớt giá, năng xuất thấp khiến người dân điêu đứng. Trong khó khăn, nhiều hộ dân ở đây rủ nhau trồng khoai cau (khoai sọ) lại trúng lớn.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan những cánh đồng đang trồng khoai môn ( còn gọi là khoai cau) đang xanh tốt giữa buổi trưa nắng cháy, anh Dương Thanh Tràng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã An Thạnh Nam phấn khởi kể:
“Mấy năm nay khi cây mía đường đang điêu đứng vì thua lỗ thì khoai môn đã trở thành loại rau củ “cứu cánh” cho hàng trăm hộ dân nơi đây. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng qui mô trồng loại này bởi rất phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, giá bán tương đối ổn định”.
Những cánh đồng nhiễm mặn được phủ xanh bởi cây khoai môn tại xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. |
Toàn xã An Thạnh Nam hiện có 3.800 ha đất nông nghiệp, trong đó có đến 700 ha chuyên canh mía đường; trên 440 ha nuôi thủy sản, 1.600 ha đất rừng ngập mặn…diện tích còn lại trồng rau màu, cây ăn trái nhưng hiệu quả không cao. Xã không có đất làm lúa do nhiễm mặn quanh năm.
Ông Trương Văn Khá, ngụ ấp Vàm Hồ A kể : “Người dân xứ này sống chủ yếu vào cây mía, những năm gần đây, người trồng mía bị lỗ rất lớn do giá thấp, thương lái không mua.
Chính quyền đã vận động bà con chuyển đất trồng mía sang trồng khoai môn, gia đình tôi đã chuyển 10/20 công đất sang trồng loại nầy. Năm 2017 đến nay, gia đình đã có lãi trên 15 triệu đồng/công. Sắp tới tôi sẽ chuyển hết diện tích còn lại sang trồng khoai cau”.
Khoai môn là loại dễ trồng, trồng được quanh năm, thu hoạch mỗi năm khoảng 3 lần (3 vụ) vào tháng 5 đến 6; tháng 8 đến 9; tháng 11 đến tháng 12. Thị trường tiêu thụ khoai môn xã An Thạnh Nam lớn nhất tại tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, TP Cần Thơ, Trung Quốc, Campuchia…
Hiện nay trên xã An Thạnh Nam đang có 380 ha trồng khoai môn, con số lớn nhất từ trước đến nay và còn sẽ phát triển mạnh trong năm nay khi giá cây mía lại tiếp tục lao dốc thảm hại.
Với giá bán hiện nay từ 14.000 đến 16.000 đồng/ký; mỗi công đất trồng khoai môn người trồng thu hoạch được khoảng 1,5 đến 2 tấn, sau khi trừ hết chi phí lãi khoảng 9 đến 12 triệu/công/vụ.
Nếu tính chung cả năm, mỗi công khoai môn sẽ giúp người trồng có lãi từ 25 đến 30 triệu/công. Con số không quá lớn ở miền Tây nhưng đặc biệt có ý nghĩa trên vùng đất ngập mặn khó khăn như An Thạnh Nam.
Nhiều người trồng khoai môn chia xẻ kinh nghiệm: Muốn trồng khoai môn tốt phải làm đất thật tươi xốp để bộ rễ phát triển mạnh, tốt.
Cạnh đó còn phải cày thật nhiều lần cho tơi; làm sạch cỏ, đánh liếp trồng cao hơn mặt đất từ 30 đến 40 cm. Trung bình cứ sau khi xuống giống khoai môn khoảng 3 tháng là được thu hoạch.
Người dân xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung đang làm cỏ, vun xới, chăm sóc ruộng khoai môn. |
Bà Nguyễn Thị Phi, ngụ ấp Vàm Hồ so sánh : “So với mía và các loại rau củ khác, trồng khoai môn lời hơn và ít khi bị dội chợ lại nhẹ công chăm sóc. Nhiều người trồng còn lắp cả hệ thống tưới bằng máy thay cho tưới tay để bớt sức lao động”.
Nhanh chóng thích ứng đưa khoai môn vào sản xuất rất kịp thời của xã đảo An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, rất phấn khởi và đang là hướng mở ra cho người dân khi cây mía đường đối đầu với thách thức thị trường đường cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Theo PHAN THỊ ANH THƯ (Dân Việt)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin