Bonsai xoài - Cách làm kinh tế từ nông nghiệp của nông dân Cao Lãnh

10:04, 05/04/2019

Thời gian gần đây, ở xứ Đồng Tháp, nông sản xoài không chỉ được bán trái mà nông dân còn đưa lên chậu để bán kiểng. Từ mảnh vườn sau nhà, nhiều cây xoài dáng vẻ gân guốc, độc - lạ được nông dân tuyển chọn đưa vào chậu làm bonsai.

Thời gian gần đây, ở xứ Đồng Tháp, nông sản xoài không chỉ được bán trái mà nông dân còn đưa lên chậu để bán kiểng. Từ mảnh vườn sau nhà, nhiều cây xoài dáng vẻ gân guốc, độc - lạ được nông dân tuyển chọn đưa vào chậu làm bonsai. Mỗi chậu bonsai xoài có giá dao động từ 8 - 10 triệu đồng, với những chậu cây có dáng thế độc đáo sẽ có mức giá khoảng vài chục triệu đồng.

Bonsai xoài của nông dân Tân Thuận Tây được khách hàng nhiều nơi đặt hàng
Bonsai xoài của nông dân Tân Thuận Tây được khách hàng nhiều nơi đặt hàng

Được thành lập vào khoảng năm 2009, đến nay, Hội Sinh vật cảnh (SVC) xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh hoạt động được hơn 10 năm. Tuy nhiên, hội viên Hội SVC xã Tân Thuận Tây bén duyên với nghề làm bonsai xoài chỉ khoảng 3 năm trở lại đây.

Ông Võ Văn Lợi - Chủ nhiệm Hội SVC xã Tân Thuận Tây cho biết: “Ban đầu anh em chỉ chơi một số loại bonsai, cây kiểng bình thường chứ chưa thử sức làm bonsai từ xoài.

Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi sang phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp đơn thuần để mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn, anh em trong Hội bắt đầu thử sức làm bonsai xoài”.

Theo chia sẻ của nhiều nhà vườn, không phải cây xoài nào tại vườn cũng có thể mang vào chậu làm bonsai. Để tuyển chọn được “dàn mẫu xoài” ưng ý, nhà vườn phải chọn lựa rất tỉ mỉ và kỳ công.

Ông Lê Phước Tánh - Phó Chủ nhiệm Hội SVC xã Tân Thuận Tây chia sẻ: “Tìm được cây xoài ưng ý để tạo tác trên chậu rất khó, đòi hỏi mình phải đi săn tìm, chứ không phải cây nào cũng là cây kiểng, có khi cây to mà thẳng như cột đình thì cũng không được vì kiểng không có dáng như thế.

Nhưng ngược lại, những cây xoài bị xiêu ngã, nó thường gượng lại sẽ tạo thành dáng thiên nhiên thì mình có thể chọn để chế tác bonsai”.

Ngoài đưa xoài lên chậu, nhà vườn Đất Sen hồng cũng thử sức với những loại cây ăn trái khác như vú sữa...
Ngoài đưa xoài lên chậu, nhà vườn Đất Sen hồng cũng thử sức với những loại cây ăn trái khác như vú sữa...

Ngoài việc sưu tầm những cây xoài có dáng thế độc - lạ bên ngoài, các thành viên trong Hội SVC xã Tân Thuận Tây còn tự ươm cây phôi từ hạt xoài để có thể chế tác theo nhu cầu người chơi kiểng. Trung bình, một cây xoài phôi từ ươm hạt đến đưa lên chậu làm kiểng phải mất đến 3 năm.

Chế tác bonsai xoài không phải là công việc dễ dàng, bởi xử lý xoài cho ra trái bình thường đã là chuyện khó. Và, sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi đưa xoài vào chậu, xử lý ra trái đúng như nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề khiến nhiều nhà vườn ngại nhất chính là khả năng hao hụt khi đưa xoài vào chậu khá cao.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến xoài bonsai của nông dân xã Tân Thuận Tây dù có giá cao nhưng vẫn rất hút hàng trên thị trường hiện nay.

Ông Lê Văn Tâm - Phó Chủ tịch Hội SVC tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, kiểng trái vào chậu đang là xu thế mới trong ngành SVC.

Với thế mạnh của vùng nguyên liệu cây ăn trái đa chủng loại và nhiều nông dân có tay nghề trong việc chế tác, tạo tác cây cảnh nên Hội SVC đã xác định, phát triển mô hình kiểng trái trong chậu sẽ là hướng đi giúp nông dân tăng thêm thu nhập bên cạnh nguồn thu nhập từ vườn cây ăn trái. Đây cũng là hướng phát triển mới giúp cho nông dân đa dạng hơn các sản phẩm từ nông nghiệp.

Theo Báo Đồng Tháp

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh