2 lần xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: "Nghệ nhân vẽ tranh lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam" và "Nghệ nhân làm bảng di chúc Bác Hồ bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam", ông Võ Văn Tạng (gần 80 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang) còn vinh dự được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
2 lần xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam: “Nghệ nhân vẽ tranh lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và “Nghệ nhân làm bảng di chúc Bác Hồ bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam”, ông Võ Văn Tạng (gần 80 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn, An Giang) còn vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Nghệ nhân ưu tú Võ Văn Tạng |
“Cha đẻ” của tranh lá thốt nốt
Có thể gọi người nghệ nhân ấy như thế vì cho đến nay trên cả nước chỉ có mỗi ông làm được bức tranh lá thốt nốt sắc sảo, hoàn chỉnh. Nhắc lại những ngày đầu khi đến với nghề, ông Tạng nhớ như in.
“Lúc trẻ, tôi vốn có niềm đam mê với hội họa nhưng vì nhiều lý do nên không theo nghề. Dù vậy, suốt những năm tháng đó, tôi tự tìm tòi để thỏa mãn niềm đam mê. Đến khi về hưu, trong 1 lần đến vùng đất Tri Tôn, tôi bắt gặp vẻ đẹp của những tán cây thốt nốt.
Ý tưởng vẽ tranh trên lá của loại cây vốn là biểu tượng đặc trưng của vùng Bảy Núi hình thành từ đó. Mặc dù trước đó, tôi đã thử vẽ trên lá cây thiên tuế nhưng so về sức bền và chất liệu, lá thốt nốt có nhiều ưu điểm vượt trội. Bức tranh đầu tiên là tác phẩm “Tùng Hạc”.
Nhiều bức tranh sau tôi lấy cảm hứng từ cảnh sắc quê hương, hoa lá, cỏ cây, cuộc sống bình dị chốn thôn quê. Khi đó, chưa có ý định kinh doanh hay tạo lập thương hiệu riêng nên khi vẽ xong, tôi tặng bạn bè và người thân. Nhận được nhiều lời khen và sự khích lệ, tôi bắt đầu tạo lập cơ sở chế tác tranh lá thốt nốt và nhận học trò” - nghệ nhân Võ Văn Tạng chia sẻ.
Lá thốt nốt làm tranh phải là loại lá non (chưa xòe). Trước khi dùng làm nguyên liệu, lá thốt nốt phải được phơi khô khoảng 10 ngày.
Bức tranh đẹp hay không, quan trọng nhất là ở khâu chọn lá (sao cho đều màu), khi dán lên khung phải như một, không được có khe hở nào. Bút vẽ tranh cũng rất khác biệt - bút lửa (bút điện). Tranh lá thốt nốt chỉ sở hữu 2 màu trắng - đen cơ bản nhưng sự cuốn hút, lôi cuốn và cái hồn của bức tranh toát lên nét độc đáo rất riêng.
Tùy vào từng nét vẽ, người thợ sẽ đốt lá thốt nốt cháy đen nhiều hay ít. Với người nghệ nhân có đôi tay tài hoa và lành nghề như ông Tạng, việc hoàn thiện 1 bức tranh bằng là thốt nốt không khó. Nhưng với những ai mới vô nghề, phải mất cả năm mới vẽ được bức tranh có tiểu tiết đơn giản.
Với hơn 20.000 bức tranh thốt nốt, mọi người hẳn sẽ bất ngờ vì trong số ấy, tranh ông Tạng vẽ về Bác Hồ và Bác Tôn chiếm số lượng lớn. Bởi, nhân cách vĩ đại, cao quý của 2 vị lãnh đạo là nguồn cảm hứng vô tận cho những bức tranh thốt nốt.
Trăn trở với nghề!
Hiện, cơ sở làm tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng có khoảng 20 “đệ tử” học nghề. “Nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. Hơn nữa, nghệ thuật “mở đường” càng không dễ. Từ thời trai trẻ đến khi có thể cho ra đời bức tranh lá thốt nốt đầu tiên, với tôi là quá trình dài.
Nó đòi hỏi người vẽ phải nhẫn nại, khéo léo, tỉ mỉ dù là chi tiết nhỏ nhất. Quan trọng là cái tâm và tư duy người vẽ. Khi tâm thật sự bình yên và tĩnh mới làm nên bức tranh nghệ thuật độc đáo. Với những học trò mới vào nghề, tôi hết lòng chỉ bảo từ việc nhỏ nhất để các em thấy rằng, vẽ tranh thốt nốt không có khâu nào là sơ sài cả” - ông Tạng suy tư.
Vẽ tranh lá thốt nốt đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ |
Chúng tôi thắc mắc sao tranh lá thốt nốt chỉ có 2 màu trắng - đen, nghệ nhân Tạng từ tốn giải thích: “Trước đây, tôi cũng từng vài lần phối thêm màu cho bức tranh đa dạng về màu sắc. Đến khi hoàn thiện, bức tranh không toát lên “cái hồn” như mong muốn. Mặc dù màu sắc đẹp và bắt mắt nhưng không tạo nên sức lôi cuốn như 2 màu nguyên thủy trắng - đen”. Ngoài vẽ tranh sơn thủy, thiên nhiên, làng quê hữu tình hay tranh về Bác Hồ, Bác Tôn, hiện ông Tạng rất tâm đắc với tranh chân dung.
Gần đây, ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng với loại tranh này. Khách hàng chỉ cần gửi tấm hình chân dung muốn khắc họa, khoảng 1 tuần sau sẽ có sản phẩm như mong muốn. Giá tranh tùy loại, phụ thuộc vào nhiều kích cỡ, dao động từ 400.000 - 1,6 triệu đồng.
Ưu điểm của tranh thốt nốt là bền theo năm tháng vì lá thốt nốt không bị mối mọt ăn. Một bức tranh phải tốn rất nhiều lá thốt nốt. Ngày trước, lá thốt nốt 2.000-3.000 đồng/lá, nay tăng lên khoảng 22.000 đồng/lá.
Vài năm gần đây, nghệ nhân Tạng đã nghiên cứu thành công và cho ra đời tranh vẽ trên vỏ trấu. Theo ông Tạng, giá nguyên liệu này rất rẻ, sản phẩm mới này được thị trường đón nhận. Với người nghệ nhân ưu tú ấy, vẽ không còn là giải khuây hay thú vui đơn thuần. Cốt lõi là làm thế nào để tạo ra sản phẩm có giá trị, độc đáo, mang đậm hồn dân tộc.
Theo PHƯƠNG LAN/TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin