Huyện vùng sâu Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) khá nổi tiếng với làng nghề làm bánh tráng truyền thống.
Huyện vùng sâu Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) khá nổi tiếng với làng nghề làm bánh tráng truyền thống.
Tuy nhiên, việc sản xuất của người dân làng nghề đang có dấu hiệu chững lại khiến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Chính vì vậy, việc tìm hướng đi phù hợp cho làng nghề bánh tráng Tân Hồng là vấn đề cần phải làm của địa phương.
Óng vàng những chiếc bánh tráng
Ít ai biết rằng làng nghề bánh tráng ở Tân Hồng đã hình thành và tồn tại trên 50 năm. Từ vài lò bánh tráng lúc xưa, đến nay, toàn huyện có hơn 30 lò sản xuất bánh tráng thủ công, 1 tổ hợp tác bánh tráng; tập trung nhiều ở các xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ và Thị trấn Sa Rài. Nhiều gia đình theo nghề đã có 2 – 3 thế hệ gắn bó.
Việc sản xuất của người dân làng bánh tráng hiện tại chỉ theo kiểu cầm chừng |
Ngày làm việc của một lò bánh tráng thường bắt đầu từ 1 giờ khuya và kết thúc khoảng 15 giờ chiều. Mỗi lò bánh tráng giải quyết việc làm cho khoảng 3 người với mức thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày.
Gia đình bà Đặng Thị Hồng (ngụ khóm 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng) có 2 đời theo nghề bánh tráng. Theo bà Hồng, từ lâu, bánh tráng Tân Hồng thu hút khách hàng bởi hương vị thơm ngon và độ béo của bánh. Song, đi song hành với năm tháng là sự vất vả và chịu thương chịu khó của người làm nghề.
Bà Hồng cho biết: "Để học được nghề làm bánh tráng cũng không hề đơn giản. Trước tiên phải học cách pha chế bột, sau đó là tráng bánh rồi gỡ bánh.
Vì vậy, bí quyết làm nên những chiếc bánh thơm ngon chính là ở đây… Điều quan trọng khiến bánh tráng nơi đây thành công là do người làm có bí quyết gia truyền từ miền Trung, với cách kết hợp nguyên liệu từ bột mì, mè, dầu màu pha trộn".
Người dân làm bánh tráng Tân Hồng luôn nỗ lực để giữ nghề |
Còn theo bà Nguyễn Thị Hùng (ngụ khóm 2, thị trấn Sa Rài): "Bánh tráng Tân Hồng có nhiều loại và kích cỡ, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng. Có loại chuyên dùng trong các dịp lễ, Tết; có loại dùng trong bữa ăn thông thường hàng ngày. Giá bánh cũng phù hợp với túi tiền người tiêu dùng".
Có dịp tiếp cận thực tế với các hộ sản xuất, nhận thấy được nét độc đáo của nghề làm bánh tráng Tân Hồng là nghệ thuật nướng bánh, những chiếc bánh tráng dày khô thì phẳng phiu, nhưng khi được nướng lên thì óng lên màu vàng thơm, ngon, khi xếp chồng lên nhau thì vừa khít, không bị bể khi vận chuyển.
Ông Đinh Văn Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, đánh giá: "Ban đầu, nghề làm bánh tráng chỉ làm phụ lúc rảnh rỗi nhưng rồi hiệu quả mang lại cao nên nhiều hộ xem đây là nghề chính. Nhờ vào nghề này, nhiều người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng được nhà, ổn định cuộc sống".
Vực dây làng nghề
Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, thực tế hiện nay nghề làm bánh tráng truyền thống trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, sản xuất thủ công hoặc thiết bị không đồng bộ, sản xuất dựa vào kinh nghiệm, tập quán nên không định lượng được tiêu chuẩn chung của sản phẩm.
Thời gian qua, đơn vị có những hỗ trợ cho nghề bánh tráng thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho việc tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận nông sản đặc thù của địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp giấy chứng nhận…
Tuy nhiên, nguy cơ làng nghề bánh tráng dần bị mai một, điều này thể hiện rõ hơn khi từ hàng trăm hộ theo nghề làm bánh tráng trước đây, nay chỉ còn lại vài chục hộ đang sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả cho làng nghề truyền thống, người dân rất muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước |
Là người theo nghề lâu năm, bà Trần Thị Huệ (ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng) chia sẻ: "Gia đình tôi giờ chủ yếu sản xuất cầm chừng chứ không nhiều như trước.
Trên địa bàn xã rất nhiều người đã bỏ nghề đi làm việc khác. Nhiều người đi làm công nhân ở Bình Dương, TP HCM, công việc nhàn hơn, lương cao hơn nên không thích ngày đêm cặm cụi bên lò bánh và chịu nắng ngoài trời để phơi bánh".
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga (ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú): "Vài năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn do thêm nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt. Mặt khác, do các hộ theo nghề đa số thuộc diện nghèo nên vẫn làm bằng phương pháp thủ công, đẩy giá thành sản xuất lên cao.
Vì vậy, người làm bánh tráng như tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước để sớm cải thiện sản xuất, nâng cao thu nhập".
Theo ông Võ Văn Chên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, thì: "Khó khăn lớn nhất của làng nghề là việc sản xuất không có hiệu quả cao vì giá nguyên liệu, công việc làm vất vả, đầu ra sản phẩm bấp bênh.
Với mục tiêu sớm vực dậy làng nghề truyền thống, thời gian tới, xã sẽ cùng làm việc với các ngành huyện để có hướng hỗ trợ người dân trong việc cải tiến mẫu mã, đăng ký thương hiệu và hỗ trợ vay vốn chính sách…".
Nói về định hướng, ông Đinh Văn Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Hồng, cho biết: "Thời gian tới, để hỗ trợ cho làng nghề bánh tráng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp sẽ hỗ trợ tạo lập và quản lý, phát triển các nhãn hiệu chủ lực, đặc thù địa phương giai đoạn 2019 – 2020.
Từ đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng sẽ có những đề xuất những hỗ trợ phát triển nhãn hiệu bánh tráng Tân Hồng.
Đồng thời, đề xuất nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở, hộ sản xuất trong việc tham gia các chương trình, hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm, tìm được đầu ra ổn định…".
Theo DUY THANH (Người Lao Động)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin