Buồn vui nghề hầm than ở Tam Giang

10:03, 04/03/2019

Ông Tư Bình bắt đầu câu chuyện đưa Hợp tác xã (HTX) Chế biến Than 2-9 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đi lên bằng tiếng cười rôm rả, nhưng kết thúc lại là nỗi trăn trở chưa nguôi. 

Ông Tư Bình bắt đầu câu chuyện đưa Hợp tác xã (HTX) Chế biến Than 2-9 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) đi lên bằng tiếng cười rôm rả, nhưng kết thúc lại là nỗi trăn trở chưa nguôi.

“Phát triển HTX là câu chuyện dài. Ngày xưa hổng biết làm thì khổ, bây giờ làm được, có thu nhập cao cũng khó. Không biết tới bao giờ mới ổn định, yên tâm phát triển...”, ông Tư Bình nói.

Từ những ngày đầu chông chênh...

Sống ở vùng đất này gần 30 năm, nên đắng cay, ngọt bùi của nghề than xứ rừng đước Tam Giang, ông Nguyễn Thanh Bình (Tư Bình) rõ mồn một.

Ông là Giám đốc HTX Chế biến Than 2-9. Ông Tư Bình kể trước khi HTX được thành lập, bà con làm nghề tự phát. Rừng do Nhà nước quản lý nên người hầm than vẫn phải “mắt canh kiểm lâm còn tay chặt vội cây đước duy trì nghề”. Bà con nghèo khó nên buộc phải làm “lâm tặc” để đong gạo từng ngày.

Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới thu nhập người dân ngày càng được nâng lên.
Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới thu nhập người dân ngày càng được nâng lên.

Năm 2004, HTX Chế biến Than 2-9 được thành lập, ông cùng nhiều bà con hồ hởi vào làm. Những ngày đầu lắm chông chênh! Ngay gia đình ông khi mới vào làm than, chưa có kinh nghiệm, phát sinh nhiều mẩu chuyện cười ra nước mắt.

“Trong cuộc trà dư tửu hậu, rồi sau những tiếng đờn ca, mọi người bỏ ra đoán lò than nhà tui. Ông nói chín, bà nói chưa...

Tôi ngà ngà say, về bít cửa lò thật. Khi mở cửa lấy than, than không thấy mà củi khúc nào cũng còn nguyên, lại bít lò hầm tiếp”- ông Bình vừa cười vừa kể.

Đó là chuyện của những người làm ăn nhỏ, còn những người đầu tư lớn như ông Nguyễn Văn Tuấn (Sáu Tuấn, Giám đốc HTX trước đây) lại khác.

Ngày đó, lò hầm than của bà con phổ biến bán kính mặt lò 2,5m. Nhưng ông Sáu Tuấn - một tay làm than kỳ cựu, dám đầu tư hàng chục triệu đồng xây liền 2 lò bán kính 3,6m. Lò của bà con chỉ chất chưa đến 10m3 củi thì lò của ông Sáu chất được đến 20m3.

Với giá hơn 400.000 đồng/m3, riêng tiền củi vô đầy 2 lò đã hết khoảng 2 cây vàng. Nhìn cái lò thành hình đã mất cân đối, bà con quanh đây đều cầu rằng: “Mong ổng làm được, đầu tư kiểu này, lỡ có gì, chết chứ hổng chơi”.

Sau 1 tháng trời chăm chút, ông Sáu Tuấn ra lò than đầu tiên thì chín được một phần mà mớ than đước gần cửa dỡ cây nào, cây đó bể vụn ra như thảy nắm hạt bắp xuống mặt ruộng.

Chỉnh đi chỉnh lại, ông Sáu Tuấn làm được hơn 1 năm thì gãy gánh. Không chỉ đứt hết vốn, ông Sáu Tuấn còn phải bán 6 công đất để trả nợ và bỏ đi Bình Dương làm thuê kiếm sống.

Khi than hóa “vàng đen”

Sau thất bại “kinh điển” của ông Sáu Tuấn, người hầm than nơi đây cam chịu làm theo kiểu truyền thống. Rồi một lần, người quen của anh Hà Thanh Vũ (Quản trị viên HTX) ghé thăm. Mục sở thị lò than nơi đây, vị này nói: “Đốt than như các ông thì tụi tui chết đói” .

Theo lời anh Vũ, người bạn anh ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống tận Cà Mau mua nguyên liệu về hầm than nhưng vẫn lời nhiều hơn dân bản địa. Anh bạn đã chỉ ra những “điểm yếu” trong cách hầm than của bà con nơi đây: quy mô lò  nhỏ, củi chất đứng chỉ chín được nửa cây, hao phí.

Đặc biệt, trong thời gian đốt lò mà để lửa tắt thì rất dễ thất bại. “Sống trên đống vàng mà không biết hốt”- lời người bạn để lại trước khi về khiến anh Vũ phải băn khoăn và quyết định thay đổi.

Để ăn chắc, anh Vũ thuê hẳn thợ từ Hậu Giang về xây cái lò mới với bán kính mặt lò 6,3m. Khác biệt của lò than này là được xây trên nền đất cao, tránh được ẩm ướt và kiên cố hơn.

Khi vào củi, bà con chất nằm, vào được gấp đôi so với chất đứng. Lò than của gia đình anh Vũ vào được tới 60m3- lượng củi mà bà con nơi đây nghĩ cách nào cũng không thể nhét vào được. Sau khoảng 1 tháng, gia đình anh Vũ ra mẻ than đầu tiên theo “công nghệ” mới.

Mỗi mét khối củi đạt 180kg than, cao hơn khoảng 30kg so với trước. Tính thêm chênh lệch lượng củi vào nhiều hơn, mỗi lò than vợ chồng anh bỏ túi không dưới 10 triệu đồng.

“Đặc sản” than đước Cà Mau ngày càng tăng giá giúp bà con có lãi nhiều hơn. Hiện gia đình anh Vũ làm 2 lò và hằng tháng lời khoảng 30 triệu đồng.

Giám đốc Tư Bình làm 4 lò, mỗi tháng kiếm cũng không dưới 40 triệu đồng. Người dân lần lượt thay đổi và đến nay mỗi hộ làm than trong HTX có thu nhập bình quân không dưới 20 triệu đồng/tháng.

Ổn định, phát triển được vài năm thì HTX Chế biến Than 2-9 lại lâm vào thế khó. Trớ trêu thay cái khó của họ lại bắt nguồn từ việc... ăn nên làm ra.

Nói đến việc này, ông Tư Bình chia sẻ: Tất cả các hộ dân trong HTX đều mang phận “ở đậu”. Nguồn gốc đất của HTX do một hộ dân sở hữu.

Thời gian gần đây, bà con nào trong HTX không làm thì hộ dân này lấy lại đất chứ không được chuyển nhượng thành quả.

Họ muốn đầu tư xây mới hay làm gì cũng phải thông qua hộ dân này, HTX không thể can thiệp. Nhiều người không dám đầu tư vì không biết sau này có bị lấy đất lại hay không.

“Chúng tôi cần vốn để phát triển nhưng tài sản lớn nhất là đất lại không thuộc về mình. Muốn vay ngân hàng để có tiền đấu giá cây rừng rẻ hơn nhưng ở đậu nên cũng không được”- ông Tư Bình than thở.

Ông Tô Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, cho biết đất của HTX Chế biến Than 2-9 do một doanh nghiệp trên địa bàn quản lý và giao khoán lại cho hộ dân.

Trước đây, đất này không được khai thác sử dụng nên khi thành lập HTX, bà con vào đây làm tập trung. Khó khăn của HTX phía địa phương đã tiếp nhận.

Chính quyền địa phương sẽ kiến nghị với Liên minh HTX để tìm phương án tháo gỡ khó khăn về vấn đề vay vốn ngân hàng cho bà con.

“Hiện UBND xã đang thống kê lại diện tích đất đã xây dựng ổn định trên lâm phần để cấp trên xem xét cấp giao lại. Phần đất của HTX Chế biến Than 2-9 cũng trong diện này nên đang chờ chủ trương từ trên mới có thể giao lại người dân yên tâm sản xuất”- ông Nguyện nói.

Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh