Suốt 20 năm nay, ông tìm mọi cách "mời gọi" chim trời về vườn cây của mình rồi chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Ông chẳng thu về nguồn lợi nào từ các loài chim hoang dã mà còn bị nói ra nói vào là... lo chuyện bao đồng
Suốt 20 năm nay, ông tìm mọi cách "mời gọi" chim trời về vườn cây của mình rồi chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Ông chẳng thu về nguồn lợi nào từ các loài chim hoang dã mà còn bị nói ra nói vào là... lo chuyện bao đồng
Người "lo chuyện trên trời" đó là ông Lê Thanh Nghĩa - 62 tuổi; ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ông Nghĩa vốn là chuyên viên kiêm thông dịch viên Phòng Tham mưu - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, nay đã nghỉ hưu.
"Công anh bắt tép nuôi cò..."
Thuở nhỏ, ông Nghĩa luôn mong ước lớn lên làm ra tiền sẽ mua mảnh đất trồng cây xanh cho chim trời trú ngụ. Sau này, khi có điều kiện, ông mang số tiền tích cóp mua hơn 5 ha đất ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ để trồng cây xanh cho chim trời về ở.
Ông Nghĩa vốn yêu màu xanh của cây tre nên 5 ha đất ông mua gần như trồng toàn tre với nhiều loại ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia... Ông còn trồng xen các cây thân gỗ như bạch đàn, cây ăn trái và các loại rau củ, nhằm cải thiện cuộc sống.
Chuyện ông Nghĩa cưu mang chim trời cũng như bỏ công tự mày mò sưu tầm nhiều loài tre, ở Tân Hồng hầu như ai cũng biết. Ông vừa bảo tồn tre vừa nuôi dưỡng đàn cò, chưa bao giờ tính lợi dụng nguồn lợi "trời ban" để kiếm tiền nên người dân xung quanh cảm mến và đặt cho biệt danh "Nghĩa cò".
"Người dân địa phương hay trêu ghẹo tôi "công anh bắt tép nuôi cò...". Tôi thường vui vẻ đáp lại "cò ăn cò lớn cò vào vườn tôi". Lũ chim trời như cảm nhận có sự bảo bọc của tôi nên kéo đến làm tổ ngày càng đông đúc, nhất là cò, nhuộm trắng cả khu vườn" - ông Nghĩa hào hứng.
Ông Lê Thanh Nghĩa chăm sóc chim trời trong vườn tre của mình |
Theo quan sát của chúng tôi, vườn tre rộng 5 ha của ông Nghĩa luôn tỏa bóng mát rượi quanh năm. Chim trời từ các nơi bay về nườm nượp đậu oằn cành, nhánh.
Buổi sáng, bầy chim kêu oang oác vỗ cánh bay tản mác các nơi kiếm ăn, chiều bay về vườn trú ngụ. Thường vào buổi chiều, nhiều người đến ngồi quán nước giải khát gần nhà ông Nghĩa thư giãn ngắm đàn chim con bay, con đậu trên các ngọn cây tre, cây bạch đàn trông rất thích mắt.
Trong vườn tre của ông Nghĩa có một ao lớn chứa nhiều loại cá, tép cho chim trời kiếm ăn. Chúng tôi đi vào sâu trong khu vườn và cảm nhận nhiều sắc thái từ tiếng kêu hót của các loài chim: Tu hú rộn rã gọi bầy, tiếng cò quang quác, lũ gà nước lao xao, tiếng bìm bịp man mác, lũ cồng cộc láo nháo quậy nước dưới ao giành mồi...
"Mỗi khi có việc lo nghĩ, tôi đi ra khu vườn ngắm đàn chim chao liệng, bay chấp chới thì bao ưu phiền trong lòng tan biến" - ông Nghĩa tâm sự.
Đất lành chim đậu
Thời gian thấm thoát trôi qua, ông Nghĩa và lũ chim trời đã gắn bó với nhau ngót 20 năm. Dẫn chúng tôi ra vườn tre, ông Nghĩa kể: "Khoảng năm 2000, lúc hàng tre vừa trồng cao lên, có bầy cò vài trăm con bay đến trú ngụ trong vườn. Rồi có lẽ thấy chốn mới an toàn nên chúng gọi bầy kéo đến hàng ngàn con. Ngày nào chúng cũng kêu oang oác làm khu vườn náo động".
Các cụ cao niên ở địa phương cho biết vùng đất Tân Hồng ngày xưa tre mọc dày đặc, chim trời về ở đông nghịt. Sau này, người dân đến ở đông đúc, khai hoang đất, số lượng tre bị tàn phá, lũ chim trời đã bỏ đi nơi khác trú ngụ.
Lúc nhỏ, ông Nghĩa nghe những người lớn tuổi trong xóm kể vậy nên luôn mơ ước về một vườn tre cho chim trời hội tụ. "Tôi nghe kể chuyện về chim trời từng đến đây ở rất nhiều nên nhiều đêm suy tư, quyết tâm tạo dựng vườn tre cho chúng trú ngụ.
Có một thời gian, lũ chim trời bỏ đi nơi khác trú ẩn. Nhìn ra khu vườn, tôi lại thấy nhớ lũ chim kêu lao xao mỗi buổi chiều về. Khi vắng chúng, chỉ còn nghe tiếng gió lùa, tôi càng thêm nhớ da diết" - ông Nghĩa bộc bạch.
Một thời, chim trời bỏ khu vườn của ông Nghĩa là do nhiều người dùng ná, súng tự chế bắn làm chúng kinh sợ. Ông Nghĩa đã cất công đi các nơi lùng mua cò bị người ta săn bắt dính lưới về nhốt trong vườn tre để chúng dụ đồng loại đến ở. Khi lũ cò đã quyến luyến nơi ở mới, ông không nhốt nữa mà thả ra.
Lũ cò đồng loạt vỗ cánh bay đi nhưng chiều tối lại quay về vườn tre. Cứ thế, mỗi khi nghe gió lao xao, ông Nghĩa lại ngóng, hy vọng đàn chim bay về. Rồi lũ cò hoang về thật, chúng đảo cánh bay liệng nhiều lần như thăm dò rồi lựa chọn vườn tre đáp xuống.
"Thiên nhiên thật kỳ diệu, không biết chúng truyền dẫn thế nào mà lũ cò từ bốn phương cứ đến ào ào. Giống như có sự cộng sinh, chim cò đến ở, vườn cây cũng xanh tốt do chúng "bón phân" cho đất" - ông Nghĩa cho biết.
Rất đáng biểu dương
Đến vườn tre của ông Nghĩa, tôi được tận mắt ngắm bầy chim trời lên đến hàng chục ngàn con. Vườn tre không còn đủ chỗ cho chim đậu nên bầy mới đến phải đậu chồm ra hàng cây bạch đàn, hàng tre của hàng xóm gần đó.
"Hằng ngày, lũ chim kêu ồn ào nên nhiều người không chịu nổi. Có người tìm mọi cách xua đuổi cho chúng bỏ đi nơi khác. Thấy vậy, tôi phải đi "gõ cửa" từng nhà xin lỗi nên họ thông cảm và không ai trách tôi nữa" - ông Nghĩa tiết lộ.
Nhiều người hay tin vườn tre của ông Nghĩa có lượng chim trời "khủng" nên mò tới săn bắt. Ai đến săn bắt chim, ông Nghĩa không nặng lời mà nói chuyện với họ bằng tình cảm lẫn... nài nỉ. Dần dần, những người săn trộm thấy vậy cũng bỏ đi.
"Tôi giữ chân chim trời gần 20 năm, chưa bắt con nào ăn hay bán nên họ mới nể, chứ không thì mạnh ai nấy săn bắt rồi. Người dân trong xóm phát hiện người lạ đến săn bắt chim trời là họ gọi điện thoại báo tôi biết liền" - ông cảm kích.
Ông Nghĩa chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt chim trời kinh doanh hay ăn thịt. Giờ vườn tre ra măng đã cho ông thu nhập dư dả, chưa kể thu hoạch từ cây ăn trái, rau củ.
Ông Nghĩa tâm sự việc ông cưu mang chim trời có người ủng hộ nhưng cũng có người chê làm việc bao đồng.
Với ông, chim trời đến trú ngụ trong vườn là niềm hạnh phúc lớn, bởi ước mơ ngày xưa đã thành hiện thực. Tiếng cò kêu, chim hót gợi cho ông nhớ lại bao dĩ vãng êm đềm tuổi thơ cũng như niềm vui khi thực hiện được ước mơ.
Theo ông Đào Hồng Kiệt, Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ, ông Lê Thanh Nghĩa trồng vườn tre để giữ chân đàn chim trời và chưa bao giờ bắt chúng bán hay ăn thịt.
Ông Kiệt nhận xét: "Việc làm của ông Nghĩa bảo vệ các loài chim hoang dã rất đáng được biểu dương. Trong đó, có những loài nằm trong danh sách đỏ cần được bảo tồn".
Mơ "bộ sưu tập tre" kỷ lục
Vườn tre của ông Nghĩa được xem là lớn nhất ở ĐBSCL với hơn 50 giống. "Tôi sẽ tiếp tục đi khắp các tỉnh, thành ở Việt Nam và sang nước ngoài sưu tầm thêm nhiều giống để hình thành "bộ sưu tập tre" lớn nhất Việt Nam. Tôi đang tìm mua thêm đất để trồng thật nhiều cây xanh làm nơi trú ngụ cho chim trời" - ông Nghĩa dự tính.
Vườn tre “khủng” được ông Nghĩa tạo dựng gần 20 năm |
Ông Nghĩa còn có định hướng sẽ phát triển du lịch để người dân khắp nơi đến khu vườn của ông tham quan, ngắm chim cò, qua đó kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các loài chim hoang dã.
Theo NHA MÂN (Người Lao Động)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin