Trong khi nhiều người vẫn trông cậy vào cây lúa thì lão nông Chín Em (tên thật Nguyễn Văn Quân, 62 tuổi), xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang lại biến mảnh vườn, ao cá thành vườn du lịch sinh thái, mỗi năm đón hơn 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh.
Vườn du lịch sinh thái của ông Chín Em thu vài trăm triệu mỗi năm nhờ cách làm "thuận thiện". Trong ảnh: Ông Chín Em giới thiệu con cua đinh nặng 25kg của gia đình với du khách người Hàn Quốc. Ảnh: NQ. |
Trong khi nhiều người vẫn trông cậy vào cây lúa thì lão nông Chín Em (tên thật Nguyễn Văn Quân, 62 tuổi), xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang lại biến mảnh vườn, ao cá thành vườn du lịch sinh thái, mỗi năm đón hơn 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, ông Em con nuôi loài cua đinh, có con nặng tới vài chục ký khiến khách du lịch tới xem ầm ầm, nhiều người rất thích thú.
Từ TP.Rạch Giá (Kiên Giang) về xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (huyện Gò Quao, Kiên Giang), phải qua nhiều ngã rẽ mới đến vườn du lịch sinh thái của ông Chín Em ở ấp 5. Hơi khó tìm nhưng bù lại du khách được đi trên những con đường giao thông nông thôn hai bên chen đầy những luống hoa đầy màu sắc, phía trong chút nữa là vườn cam, quýt trĩu quả như mời gọi.
Hỏi thăm, bà con ấp 5 về ông Chín Em nuôi loài cua đinh nặng cả mấy chục ký, mọi người đều bảo: “Cứ đi thẳng con đường cặp sông Lá (một nhánh nhỏ của sông Cái Lớn), đến nhà có hàng cau phía trước, có cái vó dưới sông là nhà ông Chín Em. Ngoài đàn cua đinh, vô đó muốn ăn cá vồ đém, hay cá cóc, cá hô đều có đủ, mà giá lại rẻ...".
Vườn dịch sinh thái của ông Chín Em có diện tích hơn 7.000m2, với đủ loại cá, gà, vịt, heo rừng, rau cải đủ phục vụ hàng trăm lượt khách cùng lúc. Đó cũng chính là ý tưởng làm du lịch của ông khi quyết định dọn lại mảnh vườn, cất vài tum lá để đón khách theo cách riêng của mình.
Điều đặc biệt khiến điểm du lịch của ông Chín Em thu hút khách chính là chất lượng món ăn luôn tươi ngon, giá lại phải chăng. Mỗi khi có khách, bếp nhà ông Chín Em lại đỏ lửa và đích thân vợ và con dâu của ông đảm nhận nấu nướng, còn ông nhận nhiệm vụ mổ heo rừng hoặc bắt cá, gà hay đốn bắp chuối, hái trái cây chín trong vườn.
Không như một số vườn du lịch sinh thái khác chỉ mở kinh doanh theo mùa có trái cây vào vụ thu hoạch, điểm du lịch của ông Chín Em mở cửa đón khách quanh năm. Tuy nằm ở nơi khó tìm cho những ai chưa từng đến nhưng nơi này lại thu hút khá đông du khách gần xa, thậm chí có cả khách nước ngoài.
Ngoài phục vụ món ăn “made in” vườn nhà với mùi vị ngon ngọt, ông Chín Em còn nuôi một số con “độc, lạ” để khách tham quan như cua đinh 25kg, cá lóc 3kg... “Khách đến gọi món quán mới làm chứ không làm sẵn nhằm đảm bảo sự tươi ngon và an toàn”, ông Chín Em cho hay.
Du khách nước ngoài trải nghiệm cách bắt cá đồng bằng vó tại vườn du lịch sinh thái của ông Chín Em. Ảnh: NQ. |
Bầy heo rừng hay bầy cá lóc, mấy trăm con cá vồ đém, cá cóc, cá hô dưới ao... ông Chín Em đều nuôi theo hướng an toàn, hầu như chỉ cho ăn rau cải các loại, thỉnh thoảng cho ăn thêm ít thức ăn. Ngoài ra, với cái vó đặt dưới sông trước nhà còn giúp ông hàng ngày có thêm vài con cá vồ 5-7kg/con, cá thác lác, cá sặc đồng tự nhiên đãi khách.
Với cách làm của mình, mỗi năm ông Chín Em thu về từ việc kinh doanh vườn sinh thái hàng trăm triệu đồng. Từ vườn du lịch của ông Chín Em, du khách biết đến ấp 5 nhiều hơn. Những sản phẩm từ vườn cây trái của bà con trong ấp lúc vào mùa cũng dễ dàng tiêu thụ hơn nhờ khách du lịch tìm đến tận vườn.
Hỏi về ý tưởng kinh doanh, ông Chín Em kể: “Cũng nhờ huyện tổ chức cho đi tham quan, học tập mô hình làm vườn du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Vĩnh Long mấy năm trước. Đi thấy người ta làm hay quá nên về áp dụng và cải tiến thêm”.
Theo ông Chín Em, sự quan tâm của huyện trong việc xây dựng đường giao thông bê tông thay cho con đường đất sình lầy ngày nào đã giúp người dân ấp 5 mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp theo hướng hiệu quả hơn. Ngoài ra, hàng năm huyện Gò Quao còn dùng ngân sách đầu tư kinh phí đắp bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, hoa màu giúp người dân an tâm canh tác.
Theo Dân Việt
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin