Năm 2019, ĐBSCL kỳ vọng sẽ vươn mình khi sắp tới có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được khơi thông nguồn vốn.
Năm 2019, ĐBSCL kỳ vọng sẽ vươn mình khi sắp tới có hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được khơi thông nguồn vốn.
Tại Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL hồi cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu: “Để ĐBSCL không bị tụt hậu so với các vùng trên cả nước, cần phải có một chiến lược tăng cường kết nối hệ thống giao thông các địa phương trong vùng.
Phát huy lợi thế về đường thủy nội địa và đường biển sẵn có để khơi thông, phát triển hệ thống giao thông trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp”.
Cầu Vàm Cống gỡ nút thắt giao thông ĐBSCL
Theo kế hoạch, tháng 6-2019, cầu Vàm Cống, cây cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, sẽ chính thức khánh thành.
Thông tin với báo chí, lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư dự án cầu Vàm Cống) cho biết dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân vẫn thi công xuyên Tết nhằm đảm bảo cuối tháng 3-2019 hoàn tất công tác thi công để chuẩn bị cho công tác kiểm định thử tải, kiểm tra nghiệm thu.
Cầu Vàm Cống có tổng chiều dài 2,9 km (tính cả đường dẫn), rộng 24,5 m với sáu làn xe, tổng mức đầu tư hơn 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỉ đồng).
Cầu Vàm Cống thông xe sẽ góp phần cơ bản hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua tuyến N2 (từ Kiên Giang nối đến Long An), từ đó chia sẻ áp lực giao thông với tuyến quốc lộ (QL) 1A.
Hiện hệ thống giao thông kết nối này chỉ còn chờ tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hoàn tất để nối thông toàn tuyến N2, từ đó giao thông sẽ thông suốt với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước…
Theo kế hoạch, tháng 6/2019, cầu Vàm Cống, cây cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, sẽ chính thức khánh thành. Ảnh: G.TUỆ |
Cầu Đại Ngãi nối gần ĐBSCL với TP.HCM
Còn với các tỉnh ven biển ĐBSCL, tuyến QL60 là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh hành lang ven biển Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu với TP.HCM, miền Đông Nam bộ.
Trên tuyến QL60, Bộ GTVT đã đầu tư, hoàn thành 3/4 cầu lớn gồm cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên. Chỉ còn nút thắt cuối cùng để thông toàn tuyến QL60 là xây dựng cầu Đại Ngãi.
Hiện Bộ GTVT đang hoàn thành hồ sơ kỹ thuật trình Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi tiếp xúc cử tri Sóc Trăng vào tháng 9-2018 đã khẳng định sẽ sớm xây dựng cầu Đại Ngãi. Cũng theo Bộ trưởng Thể, dự án này đã được đăng ký vốn ODA của Nhật Bản.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 với chiều dài toàn tuyến trên 15 km thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, điểm đầu giao với QL54 tại huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) và điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú (Sóc Trăng).
Dự án bao gồm xây dựng cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56 km, cầu Đại Ngãi 2 dài 0,86 km quy mô bốn làn xe và 11,78 km đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ) trên tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Bộ GTVT đề nghị phân kỳ đầu tư gồm giai đoạn 1 đối với phần đường và các cầu trên tuyến theo quy mô hai làn xe, riêng phần cầu chính (Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) đầu tư bốn làn xe.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 8.000 tỉ đồng, chủ yếu từ vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản, phần vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam trên 986 tỉ đồng và dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Cầu Đại Ngãi hoàn tất sẽ xóa nút thắt, qua đó thông toàn tuyến hành lang ven biển.
Khi đó các tỉnh ven biển ĐBSCL đi TP.HCM rút ngắn được 70 km, giảm bớt áp lực ùn tắc, kẹt xe cho QL1A. Hơn cả, đây là cơ hội cho các tỉnh ven biển ĐBSCL phát triển kinh tế-xã hội”.
Cũng theo ông Chuyện, Sóc Trăng đã chuẩn bị khi có cầu Đại Ngãi sẽ tạo ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào phát triển các huyện Trần Đề, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu; đặc biệt là việc hình thành Khu công nghiệp Đại Ngãi và các cụm công nghiệp Long Phú, Kế Sách.
“Tỉnh cũng kỳ vọng sắp tới ngoài cầu Đại Ngãi, dự án cảng biển nước sâu Trần Đề đang được Bộ GTVT xúc tiến mời gọi đầu tư và khi các công trình này hoàn tất sẽ tạo nền tảng hạ tầng giao thông để Sóc Trăng và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển” - ông Chuyện khẳng định.
Cầu Rạch Miễu 2 giảm áp lực cho cầu hiện hữu
Hiện Bộ GTVT cũng đang đẩy nhanh các bước đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nhằm giảm áp lực ùn tắc và kẹt xe cho cầu Rạch Miễu (Bến Tre).
Lãnh đạo Bộ GTVT khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre mới đây cho biết cầu Rạch Miễu 2 sẽ được đầu tư cùng thời điểm với cầu Đại Ngãi để đảm bảo sự đồng bộ và kết nối giao thông thông suốt cho tuyến QL60.
Theo đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang với Bến Tre) đã được lập hồ sơ tiền khả thi, dự kiến tổng mức đầu tư 5.139 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay ODA.
Theo thiết kế, cầu Rạch Miễu 2 và đường dẫn dài khoảng 9 km, trong đó cầu chính số một dài 510 m, cầu chính số hai dài 202 m, mặt cầu rộng 17 m gồm bốn làn xe.
Mới đây, trong phiên họp trực tuyến thường kỳ với Chính phủ, UBND tỉnh Bến Tre lại một lần nữa kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm đầu tư cầu Rạch Miễu 2 nhằm giảm tải lưu lượng giao thông qua cầu Rạch Miễu hiện hữu, góp phần thúc đẩy phát triển liên kết kinh tế giữa các tỉnh tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, phát triển liên kết vùng, mở rộng giao thương hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng phương tiện giao thông khi cầu Đại Ngãi đi vào hoạt động.
Cuối tháng 1-2019, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT xem xét, có văn bản trả lời kiến nghị nói trên trước ngày 28-2.
Hệ thống giao thông chưa tương xứng Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), hiện nay hệ thống đường bộ của vùng ĐBSCL gồm có sáu tuyến trục dọc và chín tuyến trục ngang cơ bản đã hình thành mạng lưới giao thông kết nối cho vùng. Tuy nhiên, thời gian qua do nguồn lực còn hạn hẹp nên vẫn còn nhiều trục và một số tuyến QL chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Tính đến cuối năm 2018, toàn vùng đã được đầu tư xây dựng hơn 1.700 km đường bộ (trong đó, đường cao tốc khoảng 133 km, tuyến QL hơn 1.600 km) nhưng so với yêu cầu phát triển thì hệ thống giao thông của vùng hiện vẫn chưa tương xứng. Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác phương tiện vận tải bằng đường hàng không chỉ đạt 28%, còn thấp so với công suất đã đầu tư. |
Theo GIA TUỆ (PLO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin