Nắng lên xóm nghề

05:02, 07/02/2019

Trái ngược với tiết trời se lạnh những ngày cận tết, không khí tại một số xóm nghề, làng nghề truyền thống ở các tỉnh miền Tây trở nên hối hả, tất bật.

Trái ngược với tiết trời se lạnh những ngày cận tết, không khí tại một số xóm nghề, làng nghề truyền thống ở các tỉnh miền Tây trở nên hối hả, tất bật.

Bánh tráng Mỹ Lồng phơi trên vỉ lá dừa mang hương vị của quê hương, hòa quyện cái tình người dân xứ dừa trong từng chiếc bánh.
Bánh tráng Mỹ Lồng phơi trên vỉ lá dừa mang hương vị của quê hương, hòa quyện cái tình người dân xứ dừa trong từng chiếc bánh.

Làng nghề hối hả đón tết

Về thăm các xóm nghề, làng nghề truyền thống vào những ngày cuối năm, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí làm việc tất bật của bà con để chuẩn bị những sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán.

Nằm cách TP Bến Tre khoảng 7km là làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm- Bến Tre). Người dân địa phương không biết chính xác làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề “cha truyền con nối”.

Vì thế, ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có những gia đình 2- 3 thế hệ mưu sinh bằng việc tráng bánh, tập trung chủ yếu ở ấp Nghĩa Huấn- nơi được mệnh danh là “cái nôi” của làng nghề.

Một trong số đó là hộ bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (ngụ ấp Nghĩa Huấn). Bà Hoàng cho biết, lúc bà sinh ra thì đã có nghề tráng bánh, lớn lên phụ gia đình làm công việc này rồi dần thành thạo và nối nghiệp cho đến nay.

“Ngày thường, lò bánh của tôi tráng được gần 2.000 cái nếu trời nắng. Còn vô đợt tết, tráng số lượng gấp mấy lần ngày thường, phải thuê thêm nhân công và tranh thủ làm từ sáng sớm mới đủ hàng giao”- bà Hoàng cho biết thêm- “Bánh tráng ngon phải phơi đủ nắng và tùy vào liều lượng nước cốt dừa nhiều hay ít”.

Cách làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng gần 20km là bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) cũng nức tiếng gần xa, không khí tại làng nghề này cũng không kém phần rôm rả.

Thời điểm này, bánh phồng cũng vào vụ tết nên ngoài sân luôn đầy ắp những chiếu bánh, còn trong nhà mọi người quây quần làm việc.

“Trước đây, ông bà tui làm bánh phồng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhưng hiện nay có máy quết với máy cán nên việc làm bánh đỡ vất vả hơn, còn tiết kiệm được thời gian và chi phí, bánh làm ra cũng đạt chất lượng hơn”- anh Nguyễn Ngọc Sơn (ngụ Ấp 1) phấn khởi cho biết đã nối nghiệp làm bánh đến nay có hơn 20 năm.

Ngoài bánh phồng được làm từ nếp truyền thống, các cơ sở sản xuất ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn làm thêm một số loại bánh theo nhu cầu của người tiêu dùng như: bánh phồng mì, bánh phồng mì tráng chuối…

Làng nghề thu hút những lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp họ có cái tết sung túc.
Làng nghề thu hút những lao động nhàn rỗi tại địa phương, giúp họ có cái tết sung túc.

Tuy nhiên, dù có thay đổi gì, chiếc bánh làm ra vẫn giữ được cái vị ngọt của gạo, mùi thơm của nắng. Bánh phồng Sơn Đốc nhờ được phơi nắng trên chiếu lác nên vẫn giữ hương vị độc đáo riêng, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.

Tết này, bà con xứ dừa đón nhận thêm tin vui khi 2 nghề thủ công truyền thống làm ra bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào cuối tháng 10/2018.

Ổn định cuộc sống nhờ nghề thủ công

Men theo con đường đan dọc bờ kinh xáng Cái Côn- Phụng Hiệp, chúng tôi đã đến đúng địa chỉ khi bắt gặp rất nhiều cây trúc chất đống trước sân, trong nhà mỗi người làm một công đoạn khác nhau như chẻ trúc, vót nan...

Cận tết là lúc người thợ ở xóm nghề làm hết “công suất” mới kịp đơn hàng.
Cận tết là lúc người thợ ở xóm nghề làm hết “công suất” mới kịp đơn hàng.

Bên cạnh là những chiếc cần xé sắp thành hình, được người thợ đan thoăn thoắt. Người dân địa phương gọi nơi đây là “xóm cần xé Ngã Bảy” (thuộc khu vực 6, phường Ngã Bảy, TX Ngã Bảy- Hậu Giang) và ước chừng có hơn 40 năm tuổi.

Để tạo ra một chiếc cần xé hoàn chỉnh là cả quá trình miệt mài lao động của người thợ xóm nghề, vì có rất nhiều công đoạn và hầu hết đều làm thủ công.

“Ở xóm này, ai không có ruộng vườn canh tác thì chủ yếu đan cần xé. Như tui giờ lớn tuổi sức khỏe không còn nên truyền nghề lại cho mấy nhỏ mần”- ông Thạch Phúc là một trong những hộ gắn bó với nghề đan cần xé nhiều năm tâm sự.

Ông Phúc cho biết thêm, nghề đan cần xé tuy không còn hưng thịnh như trước, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng nhiều hộ vẫn gắn bó với nghề vì không chỉ mưu sinh mà còn giữ lại nghề truyền thống.

Bỏ làm sao đành, vì đó là nghề “cha truyền con nối”. Ở làng nghề bánh tráng có hơn trăm năm tuổi Cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) cũng vậy. Đến hẹn lại lên, bánh vào vụ tết thì không khí nơi đây lại sôi động.

Lò tráng bánh của gia đình chị Kim Ngân quanh năm đỏ lửa, hứa hẹn một cái tết sung túc.
Lò tráng bánh của gia đình chị Kim Ngân quanh năm đỏ lửa, hứa hẹn một cái tết sung túc.

Tranh thủ tráng những chiếc bánh cho kịp phơi nắng sáng, chị Nguyễn Kim Ngân (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Lục Sĩ Thành) cho biết đã gắn bó với nghề hơn 20 năm bởi có nguồn thu ổn định, sống khỏe.

“Phụ mẹ tráng bánh từ nhỏ nên được truyền nghề, rồi lập gia đình vẫn tiếp tục gắn bó. Làm cái nghề này phụ thuộc vào ông trời, ngày nào nắng thì cũng tráng được khoảng 500 cái, tết thì nhiều hơn. Quan trọng là làm tại nhà có thời gian chăm sóc gia đình”- chị Ngân vui vẻ cho biết.

Có đi qua các xóm nghề, làng nghề những ngày cuối năm mới cảm nhận được nhịp sống mưu sinh hối hả. Nhờ nghề truyền thống, người dân có thu nhập để ổn định cuộc sống và hy vọng vào một cái tết sung túc, đầm ấm, như người thợ tráng bánh mong đợi nắng lên. 

Bài, ảnh: PHẠM PHONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh