Ghe ngo là biểu tượng văn hóa vật thể độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Để làm ra chiếc ghe ngo là cả một sự kỳ công vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Anh Danh Vũ (ở Phường 9- TP Sóc Trăng) là một trong số ít nghệ nhân còn gắn bó với nghề đóng ghe ngo ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung…
Ghe ngo là biểu tượng văn hóa vật thể độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Để làm ra chiếc ghe ngo là cả một sự kỳ công vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Anh Danh Vũ (ở Phường 9- TP Sóc Trăng) là một trong số ít nghệ nhân còn gắn bó với nghề đóng ghe ngo ở Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung…
Anh Danh Vũ là người phụ trách những khâu chính để chiếc ghe ngo đạt độ chuẩn cao. |
Chúng tôi tìm đến anh Danh Vũ ở chùa Pong Tứk Chắs (huyện Thạnh Trị- Sóc Trăng) trong những ngày mưa nặng hạt tháng 8.
Anh Danh Vũ đang cùng hơn chục người thợ hối hả hoàn thành chiếc ghe ngo để kịp giao cho khách hàng, chuẩn bị cho một mùa đua ghe ngo mới.
Để đóng được chiếc ghe ngo là cả một kỳ công, nhất là không để một phần cây nào dư thừa làm giảm đi nét đẹp nghệ thuật, cũng như ảnh hưởng đến “độ lướt” của chiếc ghe.
Anh Danh Vũ sinh ra trong một gia đình có truyền thống đóng ghe ngo nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ông nội và cha anh đều là những thợ mộc lành nghề, danh tiếng vang xa khắp miệt đồng bằng. Từ nhỏ, Danh Vũ đã rất khéo tay lại có niềm đam mê mãnh liệt với chiếc ghe ngo.
Cộng thêm sự truyền nghề từ ông và cha, đến nay, anh đã tham gia đóng trên 100 chiếc ghe ngo, lướt sóng cả đồng bằng.
“Nghề đóng ghe ngo của gia đình đã trải qua 3 đời. Ngay từ nhỏ, sau những giờ đi học, thời gian rảnh rỗi là tôi thường theo ông và cha tôi đi sửa ghe, nhiều nhất là ghe ngo độc mộc. Đến năm tôi 23 tuổi thì tôi bắt đầu chuyển sang đóng ghe ngo gỗ cưa…”- anh Danh Vũ chia sẻ.
Anh Danh Vũ có thể tham gia tất cả các công đoạn để làm nên chiếc ghe ngo. Anh cho biết, ở mỗi công đoạn đều cần có những kỹ thuật, bí quyết khác nhau nên mỗi chiếc ghe ngo do những người thợ đóng khác nhau cũng khác nhau.
Một chiếc ghe ngo dài 31m nhưng vẫn chỉ có 60 tay bơi do anh Danh Vũ thiết kế. |
“Từ những đường vẽ dấu để cưa, đục, đẽo gỗ, những lỗ khoan để bắt ốc cũng cần tính toán cẩn thận. Ở công đoạn sơn, vẽ lại cần phải am hiểu chiếc ghe ngo đóng cho địa phương nào, màu sắc ra sao để thể hiện được nét đặc trưng cũng như tinh thần thi đấu của đội đua đó. Để hoàn thành một chiếc ghe ngo, trung bình tốn khoảng 1 tháng”- anh Vũ cho biết.
Qua bàn tay tuyển chọn của anh Vũ, gỗ dùng để đóng ghe ngo đều là các loại gỗ có chất lượng, “phải đủ tuổi thì thời gian sử dụng mới lâu bền”.
Thông thường, những công đoạn đều đòi hỏi phải làm tỉ mỉ, lành nghề thì những chiếc ghe ngo mới có thể lướt đi nhanh và đầm. Đây cũng có thể xem là “bí quyết gia truyền và kinh nghiệm lâu năm” của các thợ nổi tiếng như anh Danh Vũ.
Anh Danh Vũ chia sẻ thêm bí quyết: Hiện giờ, chiếc ghe ngo mình đóng dài 31m thay vì 29m như truyền thống, nhưng số tay bơi vẫn chỉ 60 người.
Chiếc ghe ngo Pong Tứk Chắs đạt kỷ lục 2 phút trên đường đua 1.200m. |
Đồng thời gỗ khi cưa về phải phơi nắng chứ không hơ lửa, đóng sao để ghe không hở be. Đặc biệt cây cần câu ở giữa ghe phải sử dụng cây tràm rừng có tuổi đời 40- 50 năm, độ cong của cây cũng phải chọn đúng theo kinh nghiệm.
Hơn nữa, cây tràm mang về phải phơi gió trong mát để cây khô tự nhiên từ 8- 12 tháng mới được sử dụng. Cây cần câu rất quan trọng vì đó là một yếu tố để chiếc ghe lướt sóng nhanh…
Khi nghe hỏi mỗi chiếc ghe có độ tuổi sử dụng trung bình là bao nhiêu lâu, với hơn 20 năm kinh nghiệm đóng ghe ngo, anh đáp “lâu hay không do dùng để đua nhiều hay không”.
Đối với anh, tuy vất vả với nghề nhưng hạnh phúc nhất vẫn là những sản phẩm của mình đem vinh quang về cho xóm làng, phum sóc. Hơn hết là giữ được những giá trị truyền thống của đồng bào Khmer và chiếc ghe ngo vẫn lướt sóng trên những dòng sông Đồng bằng Nam Bộ…
Những năm 90 của thế kỷ trước, nếu những chiếc ghe ngo phải mất 4 phút 30 giây cho đường đua 1.200m thì đến năm 2003, anh Danh Vũ đã cải tiến chiếc ghe ngo để đua cùng quãng đường trên chỉ mất 3 phút 30 giây và hiện nay chỉ còn 2 phút (kỷ lục của chiếc ghe ngo Thnol Thmây, Pong Tứk Chắs, Ông Kho của huyện Thạnh Trị đạt được trong mùa lễ hội Ok Om Bok- Đua ghe ngo năm 2017 tại Sóc Trăng).
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin