Chợ cá đồng lớn nhất miền Tây

10:02, 12/02/2019

Mùa nước nổi, chợ số 10 (xã Vĩnh An, Châu Thành) là nơi tập kết và buôn bán cá đồng nhiều nhất miền Tây. Dù đêm hay ngày, nơi đây cũng tấp nập ghe, xuồng của ngư dân, tạo nên bức tranh sinh động của làng quê trù phú...

Mùa nước nổi, chợ số 10 (xã Vĩnh An, Châu Thành) là nơi tập kết và buôn bán cá đồng nhiều nhất miền Tây. Dù đêm hay ngày, nơi đây cũng tấp nập ghe, xuồng của ngư dân, tạo nên bức tranh sinh động của làng quê trù phú...

Tấp nập trong đêm

Đêm. Không gian tối mịt. Dưới dòng kênh Mặc Cần Dưng, những chiếc xuồng câu, lưới của ngư dân chầm chậm cặp bến. Cảnh “trên bến dưới thuyền” lúc nào cũng đông đúc và rộn rã tiếng cười, nói huyên thuyên. Chợ cá đồng này có từ lâu đời.

Năm nào lũ lớn, chợ nhóm họp rất xôm. Sản vật mùa nước nổi tại đây rất phong phú, với đủ loại cá, như: cá linh, cá mè vinh, cá trê, cá lóc, cá trèn răng, cá trèn bầu, cá kết bạc, cá chạch cơm, cá chạch lấu, cá chốt, cá heo…

Loay hoay xách từng vợt cá rọng sống đổ lên xe, chú Phan Văn Phúc (Tư Phúc, ngụ xã Bình Mỹ, Châu Phú) cho biết: “Từ trước đến nay, hễ vào mùa lũ, tui đều đến chợ số 10 để cân cá đồng giao cho các chợ lớn. Mỗi đêm, nơi đây có trên 100 chiếc xuồng câu, lưới của bà con đến bán cá, rồi đi. Tui cân 3-4 tấn cá đồng các loại để vận chuyển xuống TP. Cần Thơ cân cho bạn hàng”. 

Xuồng ghe tấp nập trong đêm
Xuồng ghe tấp nập trong đêm

Trước đây, Tư Phúc vận chuyển cá từ chợ số 10 đến các chợ đầu mối ở miền Tây, chủ yếu bằng ghe đục. Buôn bán ngày càng “nở nồi”, Tư Phúc bán ghe lên bờ “tậu” 3 chiếc xe tải để chở cá.

Ngày nào cũng vậy, trời vừa sụp tối, Tư Phúc lái xe đến chợ cá đồng số 10, đợi ngư dân đánh bắt cá mang về để cân.

“Tui làm ăn uy tín mấy chục năm nay nên bà con mang cá về toàn cân cho mình. Hôm nào cá nhiều, dội chợ cũng phải ráng cân cho họ. Bởi, bà con đánh bắt cá rất khó khăn, mình phải tạo điều kiện để họ có thu nhập trong mùa lũ” - Tư Phúc cười sảng khoái. Có đến 3 chiếc xe tải, nhưng Tư Phúc vận chuyển cá không xuể, do nhu cầu cá đồng ở các tỉnh bạn ngày càng nhiều. 

Ngoài Tư Phúc, nhiều bạn hàng ở các tỉnh khác đến cân cá đồng trong đêm để phân phối tại các chợ quê.

Theo những tiểu thương chuyên thu mua cá đồng, ngày trước ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có chợ Thường Phước chuyên buôn bán đặc sản cá đồng.

Những năm gần đây, chợ số 10 là địa chỉ tập kết cá đồng bậc nhất. Bởi, hàng đêm tại bến chợ này, các tiểu thương cân khoảng 10 tấn cá đồng.

Hôm nào đến con nước cá ra, bạn hàng tại chợ này cân đến 10-15 tấn cá các loại, trong đó cá linh chiếm số lượng lớn nhất. Năm 2018 lũ lớn, mực nước dâng nhanh, nhưng cũng rút lẹ hơn so với mọi năm, nên chợ cá đồng số 10 hoạt động rôm rả.

Buôn cá đồng cho đến Tết

Ghé thăm vựa cá đồng của chị Dương Thị Liễu (43 tuổi, ngụ xã Vĩnh An), nhiều chị phụ nữ mang chiếc đèn soi trên vầng trán, xúm xít bên nhau lựa cá chộn rộn trong đêm. Đến nay, chị Liễu đã có 18 năm trong nghề buôn cá đồng tại chợ thôn quê này.

Chị Liễu kể, trước đây, vào mùa nước nổi, chị xuôi ngược bằng xuồng để cân cá bán. Năm nào cũng vậy, hễ đến mùa nước nổi, chợ hoạt động huyên náo suốt đêm. Lũ rút là thời điểm vựa cá của chị Liễu thu mua mỗi đêm 2-3 tấn cá các loại để cân cho các cơ sở làm mắm.

Không những vậy, vựa cá của chị Liễu còn là “điểm hẹn” của hàng chục bạn hàng ở khắp nơi tập trung về đây thu mua, rồi vận chuyển cá về các tỉnh bán lẻ. “Lũ lớn, sản lượng cá nhiều hơn năm ngoái. Các mặt hàng như: cá khoai, cá heo, cá thác lác, cá trê, cá lóc… xuất hiện nhiều hơn.

Mỗi đêm, vựa cá của tui thu mua từ 300-500kg cá ngon các loại. Riêng cá linh, cá chốt cân vài tấn mỗi đêm là chuyện bình thường. Cá nhiều lại được giá, bà con ngư dân có thu nhập khá hơn” - chị Liễu tâm sự. 

Tiểu thương cân cá
Tiểu thương cân cá

Rảo một vòng bờ kênh Mặc Cần Dưng, chúng tôi nghe tiếng tát nước rột rạt của ngư dân cộng hưởng với tiếng cá nhảy lách chách dưới khoang xuồng, trông như ngày hội khai thác cá.

Các loại cá đồng ở đây có giá rẻ hơn nơi khác. Cụ thể, cá khoai giá 35.000 đồng/kg, cá chạch loại lớn giá từ 80.000-100.000 đồng/kg, cá lóc to bằng cườm tay 80.000 đồng/kg, cá linh to bằng ngón tay  10.000 đồng/kg...

Chiếc xuồng tam bản của anh Võ Văn Tường (29 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) chở cá trên dòng kênh Mặc Cần Dưng lừ lừ cập bến. Mùa lũ năm nay, anh Tường đặt 30 miệng đú, bình quân mỗi đêm thu hoạch từ 30-40kg cá các loại.

Hôm nào “trúng mánh”, anh Tường thu hoạch 50-60kg cá, trong đó chủ yếu là cá linh. Cá linh rọng sống thì anh Tường cân cho bạn hàng chợ, với giá từ 8.000-10.000 đồng/kg, cá linh chết thì bán cá mồi cho những chủ hầm nuôi cá bông, giá 4.000 đồng/kg.

“Tui đặt đú ở cánh đồng ở xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú) và xã Tân Lập (Tịnh Biên). Lũ lớn, luồng đú của tui thu hoạch cá nhiều hơn các năm trước. Nhờ vậy, có thu nhập khá hơn, nuôi sấp nhỏ ăn học tử tế” - anh Tường bộc bạch.

Anh Tường khoe “chiến lợi phẩm”
Anh Tường khoe “chiến lợi phẩm”

Sở dĩ, nguồn cá đồng ở chợ số 10 phong phú là do hàng trăm ngư dân đánh bắt khắp các cánh đồng Tứ giác Long Xuyên. Từ lâu, nơi đây được ví như “túi cá” nước ngọt dồi dào nhất vùng. “Ngư phủ” Trương Văn Xuyên (65 tuổi, ngụ xã Lương An Trà, Tri Tôn) nói rằng, nhiều cánh đồng của các xã thuộc 4 huyện: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú và Châu Thành được xả lũ nên cá đồng có môi trường sinh sôi mạnh, bà con khai thác được nhiều. 

Sản lượng cá chạch thu hoạch rất nhiều trong mùa lũ
Sản lượng cá chạch thu hoạch rất nhiều trong mùa lũ

 

Cá linh chết, tiểu thương bán cá mồi cho chủ hầm nuôi cá
Cá linh chết, tiểu thương bán cá mồi cho chủ hầm nuôi cá

Chợ số 10 hoạt động thâu đêm suốt sáng, lúc nào cũng náo nhiệt. Những chiếc ghe cuối cùng chở cá khẳm đừ mang về cân cho tiểu thương cũng là lúc trời vừa ửng sáng.

Anh Nguyễn Thái Đủ, một thương lái chuyên thu gom cá mồi (cá chết các loại) dong chiếc vỏ lãi cặp tại bờ kênh Mặc Cần Dưng để thu gom cá. Nếu như các tiểu thương trên bờ cân cá rọng sống thì anh Đủ là bạn hàng chuyên cân cá mồi để giao lại cho các chủ hầm nuôi cá bông, cá lóc thương phẩm.

Anh Đủ cho biết, nguồn cá mồi tại chợ số 10 rất nhiều, hàng đêm anh Đủ cân từ 3-4 tấn cá giao cho các chủ hầm. Bắt đầu từ tháng 7 đến cuối tháng 11 (âm lịch), anh Đủ đều có mặt tại chợ số 10 để thu gom cá mồi. Nước rút, anh Đủ tiếp tục cân cá dỡ chà theo các dòng kênh.

Đây là thời điểm buôn bán cá, kiếm thu nhập khá trong năm. “Mùa lũ là mùa làm ăn. Nếu như bỏ sở hụi, tui kiếm được trên 500.000 đồng/ngày. Nhờ vậy, gia đình tui có tiền xài trong suốt mùa nước nổi kéo dài đến Tết Nguyên đán” - anh Đủ phấn khởi khoe.

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh