Tròn 40 năm sau chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chúng tôi đã trở lại chứng tích thảm sát của Pol Pot năm xưa tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Tròn 40 năm sau chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, chúng tôi đã trở lại chứng tích thảm sát của Pol Pot năm xưa tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ánh nắng trải vàng ấm áp, những chồi non xanh biếc rung rinh theo điệu nhạc vi vu của gió như báo hiệu mùa của đất trời đã về trên phum, sóc...
Một thời chìm trong biển máu
Đã 40 năm trôi qua mà tiếng mõ cầu kinh của chùa Tam Bửu vẫn rền rĩ ngân lên để cầu cho những linh hồn xấu số được siêu thoát, như tiếng ru vỗ về cho vơi đi sự đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần của người sống và người chết.
Cách đó không xa là ngôi nhà của bà Hà Thị Nga (tên thường gọi bà Tư), nhân chứng sống của vụ thảm sát năm xưa.
Trong căn nhà hoang lạnh, bà Tư ngồi thu mình với khắc khoải hoài vọng. Ám ảnh của nỗi sợ hãi vẫn còn thể hiện rõ trên khóe mắt sâu, khuôn mặt đôi lúc lại thất thần khi nghe tiếng động mạnh hay tiếng khóc, kêu la của ai đó.
Hồi tưởng về quá khứ đau thương, bà Tư kể cho chúng tôi nghe về những ngày cuối tháng 3-1978, khi lính Pôn Pốt xâm lấn biên giới, người dân thường chạy vào chùa trú ẩn vì cứ ngỡ rằng chúng sẽ không giết người trước mặt Đức Phật từ bi.
Nhưng không, ngày 17-4-1978, bom sát nhân đã nổ loạt pháo đầu tiên vào chùa Tam Bửu, khiến 40 người chết không toàn thây, 20 người khác bị thương, máu loang đỏ nền chùa, tiếng kêu la cất lên thảm thiết. Và những ngày sau, đi đến đâu là chúng đốt phá nhà, giết người đến đó.
Ngoài súng đạn, bọn chúng còn tàn sát dân thường bằng những công cụ thô sơ với những cách thức tàn nhẫn nhất. Trẻ nhỏ thì đập đầu, xé người ra làm hai, phụ nữ thì bị chúng hãm hiếp rồi cầm dùi gỗ đập thẳng vào đỉnh đầu hoặc dùng cây đâm từ dưới lên cho đến chết.
Thị trấn Ba Chúc ngày nay. |
Nhưng đau đớn hơn cả là câu chuyện xảy ra tại hang Ðồ Ðá Dựng nằm trong lòng núi Tượng. Để tránh sự truy sát của kẻ thù, 72 người dân, trong đó có 4 cháu nhỏ phải vào hang lẩn trốn. Lâu ngày, thức ăn mang theo cạn kiệt khiến những đứa trẻ đói khóc, kêu la thảm thiết.
Để tránh bị phát hiện, ba mẹ của những đứa trẻ đã buộc phải bức tử các con của mình để cứu lấy số đông. Xót xa hơn khi chỉ ngay sau đó, bộ đội ta tấn công vào giải phóng Ba Chúc, những người dân trong hang Đồ Đá Dựng ôm xác 4 đứa trẻ vẫn còn hơi nóng mà đau đớn tột cùng.
Còn rất nhiều những câu chuyện thương tâm khác nữa khiến chúng tôi lặng đi. Chỉ 11 ngày đêm, vùng đất Ba Chúc nhỏ bé này đã phải chịu đựng 30 lần tấn công của bọn lính Pôn Pốt, 3.157 người dân vô tội bị sát hại, toàn bộ hoa màu, nhà cửa, công trình bị đốt sạch, phá sạch. Ba Chúc hoang tàn như một vùng đất chết.
Mạch sống sinh sôi
Trải qua biến cố đau thương, người dân Ba Chúc đã vượt qua nỗi đau, tích cực xây dựng cuộc sống mới ngay trên chính mảnh đất này.
Nếu 40 năm trước, Ba Chúc đổ nát với chính sách “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” của bọn diệt chủng Pôn Pốt, đồng ruộng bỏ hoang không sản xuất, người dân bị đói 2 năm liền thì Ba Chúc hôm nay đã trở thành vùng đất có nền kinh tế khá phát triển.
Những ngôi nhà kiên cố mọc lên, những cánh đồng lúa bắt đầu vào mùa thu hoạch, những con đường được trải nhựa thẳng tắp...
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Văn Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, những năm qua, bộ mặt của thị trấn Ba Chúc nói riêng và huyện Tri Tôn nói chung đã thay đổi từng ngày.
Là vùng “5 non 7 núi”, nhưng cơ sở hạ tầng của thị trấn đã phục vụ được nhu cầu cơ bản của nhân dân với hệ thống điện, đường giao thông và 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có Trường THPT Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua, nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.
Vào thăm những phum, sóc của đồng bào Khmer, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về những nông dân sản xuất giỏi, các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, và cả những kỳ vọng về một ngày mai đổi mới, tươi sáng hơn.
Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa đang vươn mình đón nắng, ông Nguyễn Lợi Đức, người được mệnh danh là “tỷ phú nông dân” với hơn 1.500 công đất lúa, hàng trăm con bò và 55ha đất trồng chuối, chia sẻ: “Trước đây vùng này hoang vu, chỉ có tràm và cỏ năn sống nổi thôi.
Cũng có vài người đến khai hoang nhưng rồi bỏ đi và gọi đây là vùng đất chết. Tôi thì nghĩ đất xấu thật nhưng không thể "chết" nên cố gắng đào mương xả phèn, làm cỏ, nhổ tràm trồng lúa.
Mà trục đất xong thì cỏ nồm lại mọc dày như cái mền. Tôi phải kêu người tới nhổ sạch mới trải giống được. Gian nan lắm”.
Vượt qua khó khăn, những người nông dân cần cù, chịu khó như ông Đức đã không ngại vất vả cải tạo vùng đất phèn đỏ quạch trở nên trù phú hơn. Từ sản xuất 1 vụ lúa/năm nay đã lên 3 vụ/năm với năng suất bình quân 6-7 tấn/ha.
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 đạt 79 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%.
Những năm gần đây, thị trấn Ba Chúc nói riêng và huyện Tri Tôn nói chung còn phát triển nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cụ thể như vùng chuyên canh lúa nếp được bà con ứng dụng công nghệ cao trong khâu canh tác bằng cách giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất như: San phẳng mặt ruộng bằng tia laser, gặt đập liên hợp...
Chúng tôi rời Ba Chúc khi mặt trời đã khuất sau những rặng cây thốt nốt mọc ven đường. Trên xe, chiếc radio phát ra tiếng nhạc ngũ âm truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer nghe thật vui tai.
Nhìn những đứa trẻ miệng cười chúm chím như hoa mai đợi chờ khoe sắc sau giờ tan trường càng làm cho không khí xuân ở vùng biên giới trở nên tươi vui, ấm áp lạ thường.
40 năm đi qua, quá khứ đau thương đã được xoa dịu bởi thời gian và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chúng tôi nói với nhau rằng: Vùng đất chết nay đã thực sự hồi sinh!
Theo THÚY AN (Quân đội nhân dân)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin