Nắm bắt nhu cầu thị trường, để tăng thêm thu nhập trong mùa Tết, nhiều người đã chọn cách bán những món ăn đặc trưng trong và ngoài tỉnh, tất cả được gom hết lên… mạng, mọi giao dịch vì thế trở nên tiện lợi.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, để tăng thêm thu nhập trong mùa Tết, nhiều người đã chọn cách bán những món ăn đặc trưng trong và ngoài tỉnh, tất cả được gom hết lên… mạng, mọi giao dịch vì thế trở nên tiện lợi.
Dịch vụ gói hàng, tư vấn, vận chuyển tận nơi kèm theo các khuyến mãi luôn được lòng người mua, nên hình thức làm ăn này càng nở rộ.
Anh Huỳnh Tấn Phát (TP. Long Xuyên) đang kinh doanh các loại cá khô lý giải: “Ban đầu, hầu như dân bán đặc sản đều là người giới thiệu, được gửi đi mua giúp, nhờ gửi hàng giúp. Mình mới nghĩ, nhu cầu nhiều vậy, sao không tự làm dịch vụ luôn.
Có sẵn các “mối” với các cơ sở uy tín, kết nối và nhận bán trung gian theo giá thành hợp lý, người mua - người bán đều tiện lợi. Năm nay là năm thứ 3 mình bán đặc sản Tết, khách hàng thân quen nhiều, cận Tết là gọi đặt hàng, chủ yếu làm quà và ăn trong gia đình”.
Theo anh Phát, khác với những hộ kinh doanh quy mô, thường lấy hàng số lượng nhiều và chấp nhận sản phẩm không đồng đều, có thể bị lỗi, hàng tuần anh đều đến tận cơ sở sản xuất, lựa chọn các loại cá khô đảm bảo chất lượng lẫn hình thức.
Ngoài bán lẻ cho khách, anh còn bỏ sỉ cho những người có nhu cầu kinh doanh tương tự. Thực hiện được uy tín này thì việc “buôn” mới duy trì lâu dài, vì đa số mọi người đều ngại mua hàng trên mạng, quan tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Qua lời giới thiệu của anh Phát, chúng tôi biết thêm nhiều người "bạn nghề" với anh, trong đó có cả những người ngoài tỉnh rất thích kinh doanh đặc sản An Giang.
Chị Huỳnh Kim Phú (người tỉnh Bình Định) hiện có trang cá nhân bán đặc sản từ cá khô, mắm, đường thốt nốt rất hiệu quả. Chị Phú cho biết, công việc này bắt đầu cách đây 2 năm, khi cùng đồng hương du lịch đến An Giang thưởng thức nhiều món ngon và trở về ai cũng thèm được ăn lần nữa.
Chị Phú đã nhạy bén liên hệ các cơ sở sản xuất lấy hàng số lượng nhiều bán lai rai trong năm, giá thành chênh lệch giá bán tại chỗ 10.000-20.000 đồng nên mọi người đều chấp nhận.
Giữa năm 2018, chị Phú chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, việc kinh doanh đặc sản càng thêm thuận lợi vì hàng chuyển đến rất nhanh, ngoài bán cho đồng hương chị còn cung cấp cho nhiều khách hàng là người An Giang đang làm việc xa quê.
Nhờ người dân bản địa giới thiệu, chị Phú kết nối thêm nhiều cơ sở uy tín, bán sỉ để có lợi nhuận tốt hơn. Đặc sản ưa chuộng là: khô nhái, tung lò mò, các loại cá khô làm tại huyện An Phú, TX. Tân Châu, mắm, đường thốt nốt, rượu…
Chị Minh Vy (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), một khách hàng đến tận nơi cung cấp hàng trung gian tham quan cho biết, nghĩ tới quà tặng cho bạn bè phương xa thì không gì qua các món ăn đặc sản.
Chị chọn mua từ những địa chỉ bán trung gian vì tiết kiệm được thời gian lựa chọn. Hơn nữa, phần lớn người “buôn” đặc sản hiểu tâm lý khách hàng, họ gom nhiều sản phẩm bán cùng lúc, người mua không phải tự liên hệ nhiều chỗ, tiết kiệm chi phí vận chuyển đáng kể.
Hai bên mua - bán đều quen biết nhau, nhờ sự ủng hộ của bạn bè nên khách hàng thêm rộng mở. Chị Vy lưu ý, kinh nghiệm khi mua đặc sản là ngoài những sản phẩm có nhãn mác của cơ sở, hiện nay còn có nhiều người tự dán nhãn riêng với ý định tạo thương hiệu, cần phân biệt và hỏi rõ để mua được giá tốt.
Nhất là dịp cuối năm, nhu cầu khách hàng tăng, người mua không rành có thể bị “chặt” giá cao gấp nhiều lần so với giá gốc.
Ưu điểm giúp dân “buôn” đặc sản làm ăn được trong điều kiện có rất nhiều điểm bán, thậm chí cả siêu thị, cửa hàng lớn vẫn có là nhờ cung cách phục vụ.
Họ luôn chủ động tính sẵn cho người mua như: có thể gom đơn hàng để giảm phí vận chuyển, mua nhiều được tặng thêm quà, giảm giá, gói hàng theo yêu cầu, giúp khách hàng gửi quà đến tận địa chỉ…
Việc tìm mua đặc sản giờ đây không còn khó khăn, lại được chiều lòng rất nhiều mặt, giúp nghề kinh doanh đặc sản trở thành “nghề tay trái” hấp dẫn đem lại thu nhập cho nhiều người trong dịp Tết.
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin