Những cây vạn thọ Pháp bé xíu xanh non được cấy đều vào bầu, đây là loại hoa ngắn ngày nhất cho Tết Nguyên đán sắp tới. Những bàn tay thoăn thoắt ở làng hoa Sa Đéc đang tất bật chuẩn bị xuân.
Những cây vạn thọ Pháp bé xíu xanh non được cấy đều vào bầu, đây là loại hoa ngắn ngày nhất cho Tết Nguyên đán sắp tới. Những bàn tay thoăn thoắt ở làng hoa Sa Đéc đang tất bật chuẩn bị xuân. Một đài ngắm hoa đang khẩn trương hoàn thành. Lên đây, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh khóm Sa Nhiên- với hàng trăm hộ trồng hoa.
Chú Nguyễn Hiệp Hòa tươi rói bên giống cây mới- cà chua tình yêu. |
“Thay áo mới”
Với ngàn loài hoa đủ sắc màu, nhưng dường như làng hoa Sa Đéc chưa hài lòng với chính mình, luôn “may áo mới” chờ xuân. Đó không chỉ là những giống cây, giống hoa mới cho xuân mà còn là những tiểu cảnh để du khách thỏa sức chụp ảnh.
Điểm mới của làng hoa năm nay là có đài ngắm hoa được trang bị thêm ống ngắm giúp du khách có thể phóng tầm nhìn tổng thể làng hoa trong bán kính 20km.
Người bỏ tiền ra xây dựng đài ngắm hoa này là ông Trần Hữu Tài (khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông).
Đài ngắm hoa đang được ráo riết hoàn thành phục vụ du khách dịp Tết Dương lịch 2019. |
Đài ngắm hoa được xây dựng bằng sắt kiên cố, chân đài rộng 4,5m, đỉnh đài rộng 3,5m sức chứa tối đa khoảng 40 người. Công trình sẽ được đưa vào phục vụ khách tham quan dịp Tết Dương lịch 2019.
Trên tuyến đường chính từ cổng làng hoa dài hơn 2km, nhiều hộ dân hợp thành một khu sản xuất hoa kiểng kết hợp với tham quan du lịch.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các cổng hoa, cụm tiểu cảnh,… nên hàng năm nơi đây đón hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Mỗi năm, chú Nguyễn Hiệp Hòa đều làm mới hơn 3.000m2 đất bằng những hoa, quả, cây con mới. Đôi tay vẫn nhanh nhẹn thay dừa cạn vô chậu mới trắng tinh, chú cười: “Cây đủ lớn rồi, giờ vô chậu cho thiệt đẹp”.
Về giống mới, chú Hòa chỉ tay ra phía trước nhà: “Đó là cà chua tình yêu, tết tới sẽ đỏ au, trái và cây nhỏ và đẹp, dính với nhau như tình nhân vậy đó”- rồi chú nói thêm- “còn cây trước mặt là rêu may mắn”.
Cây rêu may mắn là dạng cây kiểng để bàn, hình dạng như những hoa hồng màu xanh. Mấy mươi năm kinh nghiệm trồng hoa, chú Hòa không nhớ nổi mình đã trồng bao nhiêu loại, bởi vì “tôi thích làm mới lạ khu vườn mình, nên mỗi năm đều tìm giống mới hết”.
Thông thường chú Hòa cung cấp hoa, kiểng cho thị trường trang trí, văn phòng. Còn tết nhất, chú để ý chọn những cây có tên rất tết hoặc rất tình yêu: cây tình yêu, cà chua tình yêu,… trồng khắp vườn nhà. Chú Hòa khoe: “Năm nay, rêu may mắn này hút hàng lắm, vừa mới vừa đẹp mà”.
Ngoài được hòa mình vào không khí trong lành của làng hoa, ngắm hoa, du khách còn được trải nghiệm tự tay trồng hoa, được thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản của địa phương tại những homestay trong làng hoa. Vừa ngắm hoa, vừa tìm những bức ảnh đẹp, thưởng thức món ăn ngon thì không còn gì bằng.
Cho xuân đẹp làm sao
Những ngày này, làng hoa Sa Đéc nhộn nhịp hơn, rỉ rả tiếng nói cười của nông dân không ngơi tay tưới cây, vô chậu. Cúc mâm xôi, păng xê xanh rì, he hé nụ, hoa hồng, dạ yến thảo,… thì rực rỡ báo hiệu xuân sắp về.
Mùa xuân của anh Trần Duy Toàn bắt đầu ở nơi 10.000 chậu cúc mâm xôi đâm chồi, trổ hoa vàng rực. |
Những ai ở làng hoa trồng cúc mâm xôi đều nhận được sự “nể phục” bởi đây là loại cây khó tính bậc nhất với thời gian trồng khá dài, để chậu hoa tròn đều và nở đúng vào dịp tết là cả một quá trình kỳ công.
Cũng theo nghiệp “cha truyền con nối”, ở tuổi 35, anh Trần Duy Toàn (xã Tân Khánh Đông) đã làm chủ 3,5 công đất với 10.000 chậu cúc mâm xôi là chủ yếu, cùng với cát tường, vạn thọ, ớt,…
Bắt đầu ươm giống từ tháng 6, những cây cúc mâm xôi phải trải qua “ngắt đọt 4 cơi” mới có thể sẵn sàng đón tết. Theo anh Toàn, “mấu chốt nằm ở chỗ biết cách làm bông và bộ rễ mà yếu là thua”.
Anh Toàn cười, tự hào về hàng ngàn chậu bông ra nụ tròn xoe, xanh rì: “Cỡ rằm tháng Chạp là người ta ì ì kéo tới chụp hình do bãi ít sình và bông ra vàng rực.
Bởi mình trồng đẹp thì người ta mới tới, có khách thì tui còn mừng nữa. Có người trả tiền để chụp hình mà tui hổng lấy”.
Cô Nguyễn Thị Năm (khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông) năm nay đã 61 tuổi. Trồng bông từ thời của ông ngoại, đến ba, rồi cô Năm “làm phụ xong kế nghiệp luôn tới giờ”.
Tay thoăn thoắt bấm những nụ păng xê, cô Năm cho biết: “Già có mình ên, trồng cây quanh năm, kiếm chút đỉnh đồng ra đồng vô”.
Cô chỉ hàng vạn thọ, hoa dâm bụt, hoa trang,… xếp đều ran trước nhà: “Vừa bán trống giàn thì bầu cây, ươm giống 500 chậu để kịp lo vụ tết. Mần cái này phải tỉ mẩn lắm, quan trọng nhất là nhớ từng loại cây ngắt đọt, vô chậu làm sao cho ra bông đúng tết.
Từ 5 giờ sáng tui cơi tới chiều, như cây păng xê này thì giữa tháng 11 âl, đến rằm tháng Chạp, rồi đợi 25 âl bấm đọt lần nữa”.
Quý trầu bà bởi ý nghĩa may mắn, thành đạt và bình an, đã 15 năm, cô Đinh Thị Thúy Oanh (đường Trần Khánh Dư, phường Tân Quy Đông) xem những mầm xanh này là một phần không thể tách rời trong cuộc sống.
Con trai đều đặn phụ mẹ tưới nước, còn hơn 10.000 chậu trầu bà, mồng gà, ngọc ngân thì do một tay cô Oanh ươm cây, chăm bón.
“Để chuẩn bị cho đợt tết này, mừng hết sức khi có chị ở gần nhà qua phụ. Bắt đầu từ sáng sớm, trưa đói thì chạy về nhà ăn cơm no bụng rồi trở lại làm tới 7-8 giờ tối. Bữa nào mà giao hàng đi TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh ĐBSCL đòi hàng gấp thì ở lại đến 10 giờ khuya là bình thường”.
Cô Oanh chia sẻ “bí kíp” để trồng trầu bà: “Trầu bà là cây ưa ẩm, nhu cầu nước cao, không chịu hạn nên phải tưới nước mỗi ngày. Nhưng cũng không được tưới quá nhiều dẫn đến ngập úng ngập thì cây sẽ bị vàng lá và thối rễ”.
Diện tích hoa kiểng trên địa bàn TP Sa Đéc là hơn 510ha với hơn 2.500 loài hoa, trên 2.300 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng. Giá trị sản xuất hoa kiểng hàng năm của địa phương đạt khoảng 1.450 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của thành phố này.
Đối với những người dân nơi đây, nghề trồng hoa không chỉ là sinh kế mà còn là tình yêu đất, yêu thiên nhiên cho xuân thêm đẹp.
Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, để phục vụ cho thị trường hoa Tết Nguyên đán 2019, làng hoa Sa Đéc đã chuẩn bị hơn 3 triệu chậu hoa kiểng các loại. Trong đó, cúc mâm xôi trên 157 ngàn chậu, hoa hồng các loại trên 600 ngàn chậu và trên 8 ngàn giỏ cúc đồng tiền với nhiều màu sắc đỏ, cam, vàng,… Phường Tân Quy Đông và xã Tân Khánh Đông là nơi tập trung nhiều hộ sản xuất hoa kiểng nhất trên địa bàn. |
Bài, ảnh: HUYỀN THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin