Đưa du lịch về nông thôn - hướng đi của ĐBSCL

01:12, 19/12/2018

Để tăng thêm thu nhập cho người dân, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp với du lịch nông nghiệp, giúp nông dân thu "lợi nhuận kép" từ sản xuất và góp phần thúc đẩy du lịch. 

 

Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Du khách tham gia trải nghiệm hoạt động hái ấu của người nông dân ở khu vực lòng hồ Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước. Đây là nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Để tăng thêm thu nhập cho người dân, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã phát triển kinh tế nông nghiệp kết hợp với du lịch nông nghiệp, giúp nông dân thu "lợi nhuận kép" từ sản xuất và góp phần thúc đẩy du lịch. 

Đưa du lịch về nông thôn: Những bài học quốc tế

Phát triển du lịch kết hợp với các trang trại nông nghiệp không phải chuyện lạ trên thế giới. Cụ thể, Hàn Quốc đã có chính sách phát triển du lịch từ năm 1984. Trung Quốc xây dựng các điểm tham quan dành cho du khách quốc tế từ năm 1990. Nhật Bản có chương trình xây dựng nhà nghỉ nông thôn khắp nước Nhật từ năm 1994, nhằm phục vụ cho du khách ăn, nghỉ, tham gia các hoạt động hàng ngày như trồng trọt, câu cá, chăn nuôi, gặt hái... khi họ đặt chân đến tham quan. Thái Lan cũng đã có chính sách khuyến khích phát triển du lịch theo mô hình trang trại từ năm 1997. 

Gần đây nhất, các chương trình du lịch gắn liền trang trại nông nghiệp từ Đài Loan (Trung Quốc) và nước Áo cũng có sức hút với nhiều du khách.

Có thể thấy du lịch nông nghiệp, sinh thái không phải là loại hình mới nhưng luôn "kích thích" sự tìm hiểu, khám phá của du khách khắp nơi trên thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng từ những quốc gia đi trước về du lịch nông nghiệp, ngành du lịch Việt Nam có những bài học bổ ích trong chiến lược phát triển.

Theo ông Phan Đình Huê, đại diện Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, chuyên gia tư vấn phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, loại hình du lịch "kỳ nghỉ ở vùng quê-Farm Holidays” ở Áo rất phát triển. Những người làm du lịch của đất nước này tổ chức rất bài bản nên du lịch nông nghiệp tại Áo mang lại thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.

Vì vậy, với nhiều lợi thế như là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, khí hậu tốt quanh năm, vùng có nhiều nắng có thể thu hút khách du lịch từ xứ lạnh, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể học tập để trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp-nông thôn của Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngoài các quốc gia và vùng lãnh thổ có bề dày lịch sử về du lịch nông nghiệp sinh thái như Áo, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng là một nơi có chiến lược phát triển du lịch nổi bật. 

Theo ông Văn Dư Hồng, Hiệp hội Du lịch nông nghiệp Đài Loan, người Đài Loan có một triết lý, nông trại là nơi lưu giữ mọi khoảnh khắc của con người từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, về già. Do đó, hình thức du lịch nông trại đã phát triển.

Ông Văn Dư Hồng chia sẻ khởi đầu, các trang trại tại Đài Loan chỉ là nơi trồng hơn 400 loài hoa và các loại cây ăn trái, tạo thu nhập cho nông dân. Nhưng khi nhận thấy giá trị tinh thần các trang trại có thể mang lại, những nông trại này đã phát triển quy mô, dùng 400 loài hoa này dùng chế tạo thành tinh dầu thu hút khách du lịch.

Khách tới tham quan cánh đồng hoa, được xông chân, massage chân, tắm bằng các loại tinh dầu hoặc thưởng thức những món ăn từ các loài hoa và có thể nghỉ lại ở những căn phòng có chủ đề hoa cỏ mang lại cho khách sự thư thái.

Với những vườn cây ăn quả, nông dân Đài Loan tạo một hướng đi riêng là "Trải nghiệm văn hóa nông thôn." Các chủ trang trại chủ động xây dựng các nhà nghỉ nông thôn trong khuôn viên trang trại, lập chương trình tìm hiểu văn hóa sản xuất, trồng trọt cho du khách trực tiếp thực hiện. 

Du khách được trải nghiệm các công đoạn làm nghề truyền thống như làm đồ sứ, làm các loại dầu, hái chè...; giúp du khách hiểu thêm về nghề nhuộm vải bằng cây lam thảo. 

Mỗi nông dân là một hướng dẫn viên

Là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn về làm du lịch sinh thái, nông nghiệp với những vườn cây ăn trái, trang trại, cánh đồng lúa... Những điều này đặc biệt thu hút du khách, nhất là khách nước ngoài. 

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%. Du lịch sinh thái cộng đồng đang trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân, giúp nhiều vùng nông thôn được "thay áo mới," rút ngắn khoảng cách với thành thị. 

ĐBSCL là vùng đất nổi tiếng với những tour du lịch sinh thái. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gian sống và trải nghiệm với các hoạt động của vùng sông nước như chăm sóc vườn cây, tát ao, bắt cá, thu hoạch trái cây, đi chợ nổi, nghe hát đờn ca tài tử cùng với các “nghệ nhân nông dân."

Nắm bắt điều này, các địa phương khu vực ĐBSCL đã hướng dẫn nông dân xây dựng kế hoạch cho nhiều sản phẩm du lịch, tour du lịch nông nghiệp, sinh thái. Các sản phẩm này dần đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, tham gia vào thực tế sản xuất tại điểm du lịch của du khách trong và ngoài nước.

Du khách tham quan rừng tràm ngập nước tại khu du lịch làng nổi Tân Lập, tỉnh Long An. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Du khách tham quan rừng tràm ngập nước tại khu du lịch làng nổi Tân Lập, tỉnh Long An. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay chia sẻ các hoạt động hằng ngày như chăm sóc, tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao trái... không xa lạ với người sản xuất, nhưng lại là điều khá mới mẻ với hầu hết khách du lịch, tham quan, trải nghiệm. Do đó, chính nông dân cũng có thể trở thành một hướng dẫn viên nhiệt tình, đủ kiến thức chuyên môn để du khách thảo luận, tìm hiểu.

Đồng Tháp là một trong những địa phương khai thác trang trại, vườn cây, ao cá khá tốt để phục vụ phát triển du lịch. Địa bàn tỉnh có nhiều loại hình du lịch, hoạt động tham quan hấp dẫn du khách như trải nghiệm một ngày tại ao sen, câu cá, trang trại quýt hồng, làng hoa Sa Đéc... Khi kết hợp sản xuất với điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, chủ các nhà vườn có thể tăng lợi nhuận lên gấp 2 đến 3 lần so với chỉ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Thanh Hùng, ngụ tại thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp sản xuất 3.000m2 hoa kiểng. Trên vườn hoa kiểng này, ông Hùng xây dựng các nhà nghỉ kiểu homestay đầu tiên tại Sa Đéc vào năm 2017. 

Để phục vụ du khách, ông đã đầu tư làm đường đi nội bộ, mái che mát cho khách đi tham quan, trang bị thêm một số chăn, màn, giường, đệm và xây thêm các phòng ngủ...

Ngoài ra, ông còn thả thêm ếch trong ao của vườn hoa kiểng. Du khách đến thăm vườn hoa kiểng sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc hoa, nuôi ếch, trải nghiệm một ngày làm nông dân và thưởng thức những món ăn đồng quê.

Ông Hùng đã đặt tên cho điểm du lịch của mình là “Ngôi nhà hoa ếch." Trong một năm qua, khoảng 120 khách trong và ngoài nước đã đến tham quan điểm du lịch này.

Từ những bài học quốc tế, du lịch nông nghiệp, sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tiến xa. Nhưng hiện nay, ngành này vẫn chưa đủ mạnh để trở thành nơi giữ chân du khách trong nước và quốc tế. Do đó, ngành du lịch rất cần những chiến lược mới có thể tháo gỡ những "nút thắt" này./.

Theo HỒNG NHUNG (TTXVN/VIETNAM+) 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh