Trong cái se lạnh của tiết trời cuối năm, ngồi trên chiếc đò chèo, thưởng thức tô bún riêu, nhâm nhi một ly cà phê buổi sáng, thả hồn bồng bềnh theo con nước, mang lại cảm giác lâng lâng khó tả.
Trong cái se lạnh của tiết trời cuối năm, ngồi trên chiếc đò chèo, thưởng thức tô bún riêu, nhâm nhi một ly cà phê buổi sáng, thả hồn bồng bềnh theo con nước, mang lại cảm giác lâng lâng khó tả. Dạo chợ nổi Long Xuyên, điểm hấp dẫn không chỉ bởi các món ăn dân dã, các loại rau, củ, quả tươi ngon mà còn khám phá được nét sinh hoạt sông nước truyền thống của người miền Tây.
Độc đáo miền sông nước
Chẳng ai nhớ chợ nổi Long Xuyên hình thành từ khi nào, kể cả những người gắn bó gần cả đời với chợ nổi. Khi mà giao thông đường bộ chưa phát triển, người dân còn quen mua, bán bằng xuồng, ghe trên sông, chợ nổi Long Xuyên đã xuất hiện.
Ngày nay, dù giao thông đường bộ phát triển, hệ thống chợ, siêu thị hình thành rất nhiều trên đất liền, chợ nổi vẫn tồn tại và giữ nguyên vẹn hình thức sinh hoạt như xưa, trở thành nét văn hóa độc đáo miền sông nước.
“Từ nhỏ, tôi đã theo cha, mẹ buôn bán ở chợ nổi, sau đó thì chèo đò chở khách tham quan. Tại đây, bán hàng không cần treo bảng quảng cáo, chỉ cần dựng “cây bẹo” (kiểu cây sào bằng tre), treo hàng lên đó là được.
Nhìn vào mặt hàng được treo lủng lẳng trước mũi ghe, khách dễ dàng lựa chọn được sản phẩm mình muốn mua.
Mỗi một chiếc ghe sẽ treo bán một món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày” - anh Lê Văn Hoàng (người lái đò ở chợ nổi Long Xuyên) chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng “treo gì bán đó” mà có những trường hợp treo mà không bán (như quần áo) hoặc bán mà không treo (đồ ăn, thức uống).
“Len lỏi đâu đó, có những chiếc ghe đang treo miếng lá dừa nhưng cái người dân muốn bán ở đây là ghe, xuồng chứ không phải bán lá dừa” - anh Hoàng nói thêm.
ThS Nguyễn Hữu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, chợ nổi Long Xuyên có những nét đặc thù giống như nhiều chợ nổi khác ở miền Tây, nhưng điểm đặc biệt là trong khi phần lớn các chợ nổi khác chủ yếu bán trái cây thì chợ nổi Long Xuyên lại chuyên về rau, củ tươi ngon.
“Sự khác biệt này cùng với các món ăn dân dã, lợi thế nằm gần cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) là những điểm hấp dẫn của chợ nổi Long Xuyên. Từ chợ nổi, du khách có thể sang tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Quan trọng là cách tổ chức du lịch cần chuyên nghiệp hơn, dịch vụ phong phú hơn và ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách” - ThS Toàn phân tích.
Kết hợp khai thác du lịch
Đến chợ nổi Long Xuyên, du khách nên đi sớm để thưởng thức bữa sáng theo đúng kiểu “nổi” của người dân miền Tây. “Từ bến phà Ô Môi, chạy dài theo bờ sông Hậu khoảng 2km là chợ nổi Long Xuyên.
Khung thời gian đẹp nhất để tham quan chợ nổi từ 5-6 giờ sáng. Những ngày cuối năm, cái se lạnh của gió bấc thổi trên sông tạo cảm giác rất lạ.
Sáng sớm, du khách có thể được ngắm cảnh bình minh trên sông, vừa thưởng thức các món ngon dân dã như: bún riêu, bún cá, bánh tằm và nhâm nhi ly cà phê để tận hưởng cảm giác vừa ăn, vừa được lắc lư bồng bềnh theo con sóng.
Những chiếc ghe máy hứa hẹn sẽ đưa du khách tham quan từng ngõ ngách của khu chợ nổi”- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch An Giang Huỳnh Thị Như Lam giới thiệu.
Đặc thù của chợ nổi Long Xuyên là tính giản dị, mộc mạc. Người bán hàng rất từ tốn, “nói sao bán vậy” chứ ít có chuyện trả giá. Đây là điểm mà du khách rất thích thú.
“Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài, ở tận Anh, Pháp, Hà Lan… khá am hiểu về văn hóa chợ nổi. Họ thậm chí biết giá tô bún riêu, bún cá, ly nước và chuẩn bị sẵn tiền lẻ để trả.
Người hướng dẫn du lịch cho biết, khách nước ngoài rất quý bản tính chân chất, thiệt thà của người dân chợ nổi” - anh Lê Văn Hoàng nhấn mạnh.
Chợ nổi Long Xuyên hấp dẫn là thế nhưng do hoạt động theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” nên số người biết đến chưa nhiều. Để khai thác lợi thế độc đáo này, một số bạn trẻ đã sáng tạo “book tour” tham quan chợ nổi thông qua facebook.
Chị Bùi Thị Ngọc Phương, chủ trang fanpage “Trip with Phương Bùi” cho biết, trang du lịch của chị nhận tour du lịch chợ nổi Long Xuyên mỗi ngày với giá bình dân.
Theo đó, đối với đoàn khách từ 5 người trở lên, chỉ với 265.000 đồng/người, khách được tham quan chợ nổi, bè cá, khám phá cù lao Ông Hổ bằng xe đạp địa hình (tham quan làng nhang, xóm mùng, vườn táo), được bao ăn sáng trên chợ nổi, ăn trưa trong vườn, thưởng thức trái cây, thức uống.
Nếu chỉ tham quan chợ nổi, giá rẻ hơn. Tùy theo đoàn khách, giá tour là 110.000 đồng/người (đoàn 3-5 người), 95.000 đồng/người (6-10 người), 85.000 đồng/người (trên 10 người). Riêng giá dành riêng cho sinh viên Trường Đại học An Giang là 65.000 đồng/người (nhóm từ 15 người trở lên).
“Giá tour bao gồm: tàu tham quan chợ nổi, ăn sáng (hủ tiếu, mì, bánh canh, nui, cháo, bún thịt xào, bún cá…), uống nước (cà phê, cà phê sữa, trà đường, các loại nước ngọt), ăn trái cây trên ghe (khóm, dưa hấu, xoài, chuối, chôm chôm...tùy theo mùa), tham quan làng bè nuôi cá.
Trong quá trình tham quan chợ nổi và đón ánh bình minh, du khách sẽ được giới thiệu về văn hóa chợ nổi, về con sông Cửu Long, tính cách con người An Giang.
Khách có thể mua hàng, cho cá ăn tại bè và lưu lại những bức ảnh đáng nhớ về miền Tây sông nước” - chị Phương giới thiệu.
Theo TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin