Muốn đưa dừa Việt đi năm châu

05:11, 18/11/2018

Nông sản của quê hương sản xuất thì nhiều mà bán chẳng được bao nhiêu, người dân quê mình mãi nghèo khó, anh trăn trở và quyết tâm gia tăng giá trị cho nông sản với cách làm sáng tạo, đột phá theo hướng xuất khẩu

Nông sản của quê hương sản xuất thì nhiều mà bán chẳng được bao nhiêu, người dân quê mình mãi nghèo khó, anh trăn trở và quyết tâm gia tăng giá trị cho nông sản với cách làm sáng tạo, đột phá theo hướng xuất khẩu

Chắc ai cũng đã uống nước dừa tươi nhưng uống trái dừa tươi mà giật nắp khoen như bật lon bia, lon nước ngọt thì hẳn nhiều người chưa từng. Sản phẩm độc đáo có tên Cocolala này của anh Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Khi Ta Trẻ - một người con xứ dừa Bến Tre.

Thích làm cái mới

Tốt nghiệp ngành quản lý nhà hàng - khách sạn, sau đó lấy thêm bằng về kiểm toán quốc tế, Nguyễn Tấn Lộc khởi nghiệp với ngành may mặc từ năm 2010. Tuy chẳng liên quan gì đến kiến thức đã học nhưng theo Lộc, những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn ấy chính là trải nghiệm tuyệt vời nhất cho hành trình với trái dừa Cocolala sau này.

Hồi đó Lộc nhận thấy nhu cầu áo affliction (loại áo dành cho dân chơi sành điệu) ở Việt Nam rất nhiều nhưng chưa có đơn vị nào sản xuất được.

Mày mò khắp nơi tìm nguồn vải, đơn vị may gia công, người thiết kế..., cuối cùng Lộc cũng cho ra thị trường những sản phẩm áo affliction có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, giá rẻ hơn nên bán rất chạy.

CEO Cocolala Nguyễn Tấn Lộc
CEO Cocolala Nguyễn Tấn Lộc

Sau đó trên thị trường xuất hiện nhiều hàng nhái thương hiệu của Lộc, bán với giá rẻ hơn rất nhiều khiến tình hình kinh doanh của anh khó khăn hơn trước.

"Tuy bán chậm hơn nhưng những khách hàng chuộng hàng chất lượng vẫn trung thành với chúng tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đã đến lúc mình sống chết với đặc sản quê hương của mình.

Tôi bắt đầu tìm hiểu tất cả thông tin về dừa, các sản phẩm về dừa của Việt Nam cũng như của hai nước có trữ lượng dừa tương đồng với Việt Nam là Thái Lan và Philippines. Ý tưởng Cocolala ra đời từ đó" - Lộc nói.

Lộc cho biết câu hỏi lớn nhất luôn nằm trong suy nghĩ của Lộc khi bắt đầu với Cocolala là tại sao dừa xiêm Thái Lan và Philippines đi khắp thế giới với giá trị rất cao, còn dừa Việt Nam thì chưa.

Sang tận Thái Lan nghiên cứu và học cách làm của nước bạn, Lộc thấy được cơ hội rất lớn cho trái dừa quê mình. "Phải độc đáo về mẫu mã, phải chuẩn về chất lượng quốc tế", đó là dòng chữ mà Lộc ghi lại khi đi tìm câu trả lời.

Về chất lượng, dừa xiêm xanh Bến Tre có vị ngọt nhẹ, thanh, rất tự nhiên, tương đương dừa Thái. Để có được một trái dừa mang thương hiệu Cocolala, Lộc định ra các tiêu chuẩn khắt khe.

Các tiêu chuẩn đó là dừa xiêm xanh được trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, có trọng lượng từ 1,3 kg trở lên, độ ngọt trên 8.0, trái tròn đều, không bị sẹo, hái trong ngày.

"Về mẫu mã, tôi nghĩ đến việc tiện lợi của người dùng. Chúng ta khui lon nước ngọt khá đơn giản, vậy tại sao không làm cái khoen cho trái dừa? Nhiều người muốn uống dừa nhưng lại ngại chặt chẻ.

Đó là lý do trái dừa xiêm xanh sau khi hái xuống được gọt sạch và xử lý bằng laser với nắp khoen gắn vào vỏ, khi uống chỉ việc bật nắp khoen là uống, rất tiện lợi" - Lộc cho biết.

Bao tiêu cho nông dân

Để có vùng nguyên liệu chất lượng, đủ tiêu chuẩn, Lộc bắt đầu đến các nông hộ trồng dừa xiêm xanh, thuyết phục họ chăm sóc vườn dừa theo chuẩn của mình và ký bao tiêu với giá ổn định với người trồng dừa.

Lộc hiểu rằng với người dân, họ sẽ yên tâm sản xuất nếu sản phẩm của họ được một đơn vị uy tín bao tiêu, giá bán luôn ở mức cao và ổn định.

Có tới hàng trăm sản phẩm liên quan đến cây dừa cũng như hàng ngàn doanh nghiệp đang kinh doanh dừa nhưng chọn cách bán dừa tươi như Lộc thì không nhiều bởi rủi ro quá lớn.

Những tháng gần đây, đặc biệt là sau khi xuất hiện và gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank Việt Nam, mỗi tháng Cocolala bán ra thị trường khoảng 20.000-30.000 trái dừa tươi. Nhưng với Lộc, đó là những con số khá nhỏ nếu so với sản lượng dừa hiện có của tỉnh Bến Tre.

"Sắp tới, Cocolala sẽ đầu tư thêm máy móc, hệ thống kho lạnh, nghiên cứu quy trình bảo quản chuẩn để có thể nâng thời gian dừa tươi lên 60 ngày thay vì 40 ngày như hiện nay.

Đó là hướng đi mà tôi đang làm tất cả để đưa trái dừa tươi đi khắp nơi trên thế giới. Hiện các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản phải đi bằng đường hàng không rất tốn kém" - Lộc chia sẻ.

Hiện nay, Cocolala có mặt tại nhiều thành phố trên cả nước, các quán cà phê, nhà hàng, khách sạn lớn cũng đưa trái dừa ngon ngọt, độc đáo này phục vụ khách hàng.

Lộc hy vọng một ngày nào đó người Việt đi du lịch ở những bãi biển nổi tiếng trên thế giới, khi gọi dừa sẽ bất ngờ nhận được trái dừa tươi có dòng chữ "Made in Vietnam". 

Nâng tầm nông sản Việt

Đó là phương châm kinh doanh của ông chủ Cocolala khi chia sẻ về những dự định trong thời gian tới. Lộc cho biết với phương châm "nâng tầm nông sản Việt", anh sẽ cùng đội ngũ của mình phát triển thêm nhiều dòng nông sản khác hướng đến việc xuất khẩu.

Theo Lộc, chỉ có con đường xuất khẩu mới mang lại nhiều giá trị cho nông sản Việt. Để đủ chuẩn xuất khẩu, người làm ra sản phẩm phải làm chuẩn các khâu từ nhỏ nhất trong sản xuất. Từ đó, nông dân sẽ bán được nông sản của mình với giá trị cao hơn.

Theo NLDO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh