Độc đáo kiến trúc những ngôi đình cổ

09:11, 15/11/2018

Những ngôi đình như: đình Châu Phú, Đa Phước, Mỹ Phước, Bình Mỹ… có hàng trăm năm tuổi. Tuy trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng những ngôi đình này không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc cổ xưa độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp, gắn liền với việc khai hoang, lập ấp của người dân An Giang xưa.

Những ngôi đình như: đình Châu Phú, Đa Phước, Mỹ Phước, Bình Mỹ… có hàng trăm năm tuổi. Tuy trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng những ngôi đình này không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc cổ xưa độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa - tín ngưỡng tốt đẹp, gắn liền với việc khai hoang, lập ấp của người dân An Giang xưa.

Gắn bó với đời sống của người dân từ xưa, đình thần là nơi thờ các vị Thành hoàng hoặc thờ các vị thần theo sắc phong của vua với ý nghĩa phù hộ cư dân một làng.

Đình thần còn là môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống, là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, nơi tổ chức lễ, vui chơi, diễn xướng các loại hình nghệ thuật cổ truyền...

Qua lời kể của các bậc cao niên, buổi đầu sơ khai, các đình thần được dựng lên rất đơn sơ bằng nguyên vật liệu tại chỗ như: cây, lá có sẵn, không gian nhỏ hẹp.

Thời gian, các đình thần được người dân nhiều lần tu sửa khang trang và rộng rãi hơn. Tuy trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng nhiều ngôi đình thần vẫn giữ được kiến trúc cổ, mang đậm màu sắc dân gian với nhiều hình ảnh ấn tượng.

Khuôn viên đình Bình Mỹ
Khuôn viên đình Bình Mỹ

Hầu hết các ngôi đình cổ ở An Giang được xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái bằng cột gỗ tròn căm xe gắn kết tài tình với các xiên, kèo tạo nên một khung sườn kiên cố, chịu lực rất cao cho toàn bộ khối kiến trúc.

Nền các ngôi đình lát gạch bông, xung quanh là tường gạch hồ vôi ô dước, phía trên là nóc cổ lầu, mái tam cấp, lợp ngói âm dương.

Trên nóc các ngôi đình thần cổ thường được chạm khắc, khảm mảnh gốm sứ nổi bật nhiều tượng đẹp, mang màu sắc dân gian như: lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, chim, công, phụng, sư tử…

Ngoài ra, các thân kèo được người thợ xưa chạm khắc nhiều đường nét hoa văn hoa lá, đầu rồng, vòm mây rất đẹp mắt.

Ngôi đình thần gồm các gian: chính điện, võ qui, võ ca, nhà khói… Võ ca (gian trước) là nơi diễn ra hát bội và khai lễ Kỳ yên hàng năm. Kế đến là võ qui (gian giữa) rất rộng, dành cho các chức sắc chầu lễ hoặc hội họp.

Vị trí trung tâm là chính điện, nơi trang nghiêm nhất đặt ngôi thờ Thành hoàng Bổn cảnh. Đây là nơi được trang trí đẹp nhất ở đình thần, gồm: hoành phi, câu đối, khánh thờ, các bao lam và các mảng phù điêu... Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sơn son thiếp vàng làm tăng vẻ uy nghi, cổ kính.

Hai bên thờ Tả ban và Hữu ban, đối diện là bàn thờ Hội đồng được xem như các quan theo phò tá thần. Trong đình còn thờ Tiền hiền và Hậu hiền, đây là các vị tiền bối từng bỏ công sức, tiền của xây dựng làng, xã hay đình làng trong những ngày thành lập.

Kiến trúc bên trong đình thần Châu Phú
Kiến trúc bên trong đình thần Châu Phú

Qua kết cấu kiến trúc, cách thức xếp đặt các ngai thờ cũng như kỹ thuật chạm khắc, các màu sắc và hoa văn trang trí ở các ngôi đình thần cổ thể hiện tài hoa và sự tinh tế của người xưa.

Nội thất của các ngôi đình cổ ở An Giang còn nổi bật với nhiều bản điêu khắc gỗ, phù điêu, tranh sơn thủy, các bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối, khánh thờ… có kỹ thuật chế tác và nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, như: chạm nổi, chạm lộng, chạm khuyết…

Nội dung điêu khắc được thể hiện phong phú, thể hiện sáng tạo theo tư duy văn hóa đặc thù của cư dân nông nghiệp, hình thành nên tín ngưỡng dân gian rất gần gũi với đời sống được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của các ngôi đình, qua các đề tài về hoa lá, rồng mây, muông cầm điểu thú, tứ linh, bát tiên, cá hóa long, các câu chuyện dân gian…

Mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ca ngợi công đức của các bậc thần linh, tiền nhân đã phò trợ dân làng trên bước đường khai hoang, lập nghiệp, ổn định cuộc sống.

Bao lam và cột đình Bình Mỹ được chạm khắc tinh xảo
Bao lam và cột đình Bình Mỹ được chạm khắc tinh xảo

Ngoài ra, các ngôi đình cổ còn lưu giữ tủ, nghi thờ cẩn ốc xà cừ với nhiều đề tài đặc sắc về truyện tích xưa, các đồ thờ như: lư đồng, trống, chiêng, chưng đèn, long đình, long vị… chạm trổ tinh vi có giá trị nghệ thuật cao.

Đặc biệt, sắc thần là một trong những hiện vật còn lưu giữ mang nhiều giá trị, được ban Quý tế các đình thần gìn giữ kỹ lưỡng. Đây là hiện vật được Ban Qúy tế các đình thần và người dân địa phương trân trọng, tôn thờ như một báu vật của đình và là di sản văn hóa của dân tộc.

Ông Lê Công Thời (80 tuổi), Trưởng ban Qúy tế đình thần Châu Phú (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Đình thần là nơi lưu giữ văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người dân trong làng, không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian, mà còn là kho tàng chứa đựng tinh hoa văn hóa, nơi quy tụ, gắn kết cộng đồng.

Vì vậy, việc gìn giữ giá trị văn hóa, kiến trúc các ngôi đình cũng chính là để kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc”.

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh