Dịch bệnh hoành hành "thủ phủ" quýt hồng

02:11, 15/11/2018

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ" quýt hồng của vùng ĐBSCL. Nhờ cây quýt hồng mà nhiều bà con ở đây có cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây cây quýt hồng phát bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chết hàng loạt, khiến những hộ dân nơi đây hết sức lo lắng.

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp từ lâu đã được mệnh danh là “thủ phủ” quýt hồng của vùng ĐBSCL. Nhờ cây quýt hồng mà nhiều bà con ở đây có cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây cây quýt hồng phát bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chết hàng loạt, khiến những hộ dân nơi đây hết sức lo lắng.

>> Xem Video Clip

Những cây quýt nhiễm bệnh trơ trọi lá chờ chết.
Những cây quýt nhiễm bệnh trơ trọi lá chờ chết.

Anh Huỳnh Long Thuận (ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cho biết, sau bao năm vun trồng, 160 gốc quýt hồng đã cho trái sai oằn và chuẩn bị thu hoạch đợt đầu tiên vào dịp tết năm nay.

Thế nhưng, niềm vui trúng mùa vội tắt khi 2 tháng trở lại đây, 100% cây quýt hồng trong vườn bị vàng đọt, sau đó lan dần xuống gốc, dần rụng lá và chết, phải đốn bỏ.

“Quýt trái dữ lắm, nếu không bệnh sẽ thu lời cũng vài chục triệu đồng. Giờ đốn hết, mất trắng rồi”- anh Thuận buồn bã nói.

Cách đó chừng 500m, vườn quýt hồng của hộ gia đình anh Đoàn Minh Thiện (ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) cũng rơi vào cảnh tiêu điều, khi 40% gốc quýt trong vườn đã nhiễm bệnh. 

“Thấy nổi viền lá có màu vàng lốm đốm là biết cây bị bệnh rồi. Cây bắt đầu rủ lá, héo dần trên đọt, chừng nào xuống tới gốc là cây chết. Còn mấy cây trái sai oằn đốn không đành nên để lại, hy vọng trái sẽ kịp già trước khi cây chết, vớt vát được phần nào hay phần đó”- anh Thiện thở dài nói.

Người dân đành chặt quýt làm củi.
Người dân đành chặt quýt làm củi.

10 công đất trồng cây có múi của hộ chú Lê Hồng Đức (ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) hiện đang bước vào giai đoạn cho trái phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2019. Trong đó, quýt hồng chiếm phân nửa diện tích.

Chú Đức cho biết, những gốc quýt hồng trong vườn nhà chú, cây nhỏ nhất cũng có tuổi đời 6 năm tuổi. Mỗi cây có thể cho từ 100 ký trở lên, nên khi phát hiện cây nhiễm bệnh chú đã hết sức lo lắng.

“Một cây quýt trồng tới khi cho lợi nhuận phải mất ít nhất 3 năm chăm sóc chứ có ít đâu. Thấy cây bệnh là tui rầu, suốt ngày ra vườn thăm nom. Hễ có cây nào bệnh là tui thuê người hái bỏ trái để dưỡng sức, dừng ngay việc bón cây bằng phân hóa học mà thay vào đó là phân hữu cơ hy vọng cứu được”- ông Đức đứng lặng người nhìn vườn quýt hồng hồi lâu rồi bộc bạch.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lai Vung, trên địa bàn huyện hiện có hơn 5700ha đất trồng cây có múi. Trong đó, quýt hồng chiếm 820ha và đã có 40% diện tích bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ hay còn gọi là bệnh chết xanh (chết vàng).

Nổi viền lá và có màu vàng lốm đốm là dấu hiệu của bệnh.
Nổi viền lá và có màu vàng lốm đốm là dấu hiệu của bệnh.

Ông Huỳnh Văn Tồn cho biết thêm: “Bệnh vàng lá, thối rễ trên cây có múi đã diễn ra từ nhiều năm nay và trên tất cả các loại cây có múi tại địa bàn huyện Lai Vung.

Song chỉ có năm nay là bệnh lây lan trên diện rộng và gây thiệt hại nặng nề nhất, đặc biệt là trên cây quýt hồng. Dự tính, sản lượng quýt hồng trong vụ tết 2019 sẽ bị giảm rất nhiều, riêng chất lượng trái thì vẫn được đảm bảo đúng chuẩn”.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát như hiện nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện khuyến cáo bà con nên xử lý các vi sinh vật gây hại, bón vôi để tăng độ PH trong đất. Đồng thời, bón phân hữu cơ ủ hoai cung cấp dinh dưỡng cho đất.

“Về lâu về dài phòng sẽ xây dựng mô hình mẫu khoảng 20- 30ha để cho bà con nhìn thấy cái lợi của việc áp dụng canh tác tổng hợp. Sử dụng các loại vi sinh vật đối kháng với các loại vi sinh vật gây hại, bón phân hóa học hợp lý kết hợp với việc dùng các loại phân hữu cơ”- ông Huỳnh Văn Tồn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh