Quê hương xã Khánh Thuận, huyện U Minh hôm nay đã dần thay da đổi thịt nhờ vào quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân. Ngoài sinh kế từ rừng tràm, người dân nơi đây còn trồng cây ăn trái tăng thu nhập cho gia đình, nhiều hộ thoát nghèo.
Quê hương xã Khánh Thuận, huyện U Minh hôm nay đã dần thay da đổi thịt nhờ vào quyết tâm của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân. Ngoài sinh kế từ rừng tràm, người dân nơi đây còn trồng cây ăn trái tăng thu nhập cho gia đình, nhiều hộ thoát nghèo.
Dù đã 78 tuổi nhưng ông Thiệt vẫn hăng say lao động để phát triển kinh tế gia đình. |
“Trước đây, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây tràm, sinh kế còn gặp khó khăn khi đa phần canh tác theo kiểu truyền thống, năng suất thấp.
Gần đây, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong canh tác, mô hình đa canh được nhân rộng mà nhiều hộ dân tại địa phương dần có cuộc sống ổn định”, ông Nguyễn Thành Khẩn, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết.
Qua rồi thời khốn khó
Nhắc về thời đi mở đất, ông Ngô Văn Thiệt, 78 tuổi, Ấp 18, xã Khánh Thuận, thở dài: “Lúc đó rừng hoang sơ, điện đài, đường sá không có, dân cư thưa thớt, cách xa vài cây số mới có 1 cái nhà.
Sinh sống nhờ trồng tràm, giăng cá đồng. Hồi ấy cá, rắn, rùa, lươn nhiều vô kể nhưng phải chạy từng ký gạo. Đời sống khó khăn nhưng vui, vì chúng tôi vượt khó bằng cái nghĩa xóm làng”.
Hơn 20 năm gắn bó với miệt rừng tràm này, ông Thiệt không thể nào quên những ngày tháng gian khó khi cùng vợ và các con vô xứ “khỉ ho cò gáy” này dựng nhà lập xóm.
Hỏi ông vì sao biết xứ này khó khăn thế mà vẫn quyết lên đây bám trụ, ông Thiệt chỉ cười trừ: “Vì khoái vùng nước ngọt, mê cá đồng”. Chính các sở thích “lạ lùng” này mà gia đình ông rời quê hương xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi để về với đất rừng U Minh gầy dựng cơ nghiệp.
Ông Thiệt kể: “Chắc bởi cái duyên nên tôi không ngại khó mà rời vùng đất mặn để lên vùng nước ngọt sinh sống.
Lúc ấy gian khó biết chừng nào, nhưng không hiểu sao tôi thấy yêu mến nơi đây, quyết định cùng vợ và các con bám trụ. Gian khó đã trải qua, đất không phụ lòng người, giờ sống khoẻ re nhờ cây tràm, cây ăn trái, con cá đồng”.
Là người quê gốc Đầm Dơi nhưng bà Nguyễn Thị Thành, 66 tuổi, Ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh cũng quyết tâm vượt khó bám trụ mảnh đất này gần 20 năm qua.
Vượt qua gian khó là khoảng thời gian thử thách lớn đối với gia đình bà Thành khi mới chuyển về xứ tràm sinh sống. Ổn định cuộc sống chưa bao lâu thì chồng bà qua đời, để lại cho bà gánh nặng mưu sinh với 4 người con.
Bà Thành nhớ lại: “Hồi mới tới đây đất đai rộng mênh mông mà người dân sinh sống thì thưa thớt. Lúc đó khổ dữ lắm, ăn cơm phải chui vô mùng, đốt đèn cóc chứ làm gì có đèn điện như bây giờ.
Từ lúc ông nhà tôi mất càng khổ hơn, một mình nuôi con nơi xứ rừng hẻo lánh. Nhờ xóm làng đùm bọc mà mẹ con tôi vượt qua những ngày khốn khó”.
Niềm vui thoát nghèo
Đùm bọc nhau bởi cái tình chòm xóm, vì lẽ đó mà dù gian khó nhưng họ vẫn một lòng quyết tâm bám trụ, chinh phục vùng đất khó.
Chính cái gian nan đã tạo nên những tinh thần thép nơi xứ rừng tràm này. Một thời gian khó đã qua, mảnh đất Khánh Thuận giờ đây đã dần thay màu áo mới, ấp xóm lung linh ánh đèn điện, những con đường mở ra kết nối thành thị - nông thôn gần nhau hơn.
Niềm vui thoát nghèo, ổn định cuộc sống là ước mơ mà người dân nơi đây đã hiện thực hoá trên chính mảnh đất mình gắn bó. Ông Lâm Quốc Tiến, Phó trưởng Ấp 18, xã Khánh Thuận, phấn khởi: “Nhờ nỗ lực của địa phương, sự đồng thuận của người dân mà nay số hộ nghèo đã dần được xoá.
Nhờ vào các mô hình kinh tế hiệu quả trên đất rừng, ngoài thu nhập từ cây tràm, người dân còn đa canh.
Lợi thế nằm trong vùng lõi xứ rừng, bên ngoài bao quanh nước mặn nên đây là điều kiện thuận lợi để người dân Ấp 18 phát triển 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, trồng cây ăn trái bên cạnh cây tràm".
Gia đình ông Thiệt có 7 ha rừng tràm, 1 ha nuôi tôm, trồng lúa kết hợp, 1,5 ha trồng cam. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi mà kinh tế gia đình ông dần phát triển.
Ông Thiệt bộc bạch: “Mảnh đất này trù phú lắm, chịu khó, siêng năng thì lo gì thiếu cái ăn, cái mặc. Từ ngày áp dụng kỹ thuật mới vào trồng rừng, đời sống người dân quanh vùng phần nào khấm khá, cộng thêm trồng cam, nuôi tôm, trồng lúa nữa thì sống khoẻ”.
Mảnh vườn trồng cam của ông Thiệt với 5 ngàn gốc, mỗi năm cho 2 vụ trái, mỗi vụ từ 40-50 tấn. Trừ hết các khoản chi phí, thu nhập gia đình ông từ 150-200 triệu đồng/năm. Ngoài ra ông Thiệt còn thả nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa.
Mang khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên nhiều hộ dân nơi đây có kinh tế ổn định. Anh Liên Hùng Em, Ấp 18, xã Khánh Thuận cũng có chung niềm phấn khởi khi thoát nghèo trên mảnh đất trước đây còn khốn khó. Với 5 ha đất, anh Hùng Em trồng tràm, quýt đường và chuối xiêm.
Anh Hùng Em phấn khởi: “Từ lúc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, năng suất, chất lượng tăng cao, đời sống gia đình từ đó đầy đủ hơn.
Quyết tâm bám đất, bám rừng nên dù khó khăn, gia đình tôi không ngại. Giờ 4 đứa con tôi khôn lớn, còn 1 đứa đi học nên cố gắng chăm lo cho nó đầy đủ.
Đừng như thời trước, cha mẹ nó không có một chữ bẻ đôi, tối ngày chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cực lắm”.
Mảnh đất heo hút ngày xưa giờ đây đã có nhiều sản vật, mang lại nguồn kinh tế lớn. Nhờ sự cần cù, chịu khó, nỗ lực bám đất, bám rừng nên đời sống người dân dần nâng cao. Người dân nơi đây đã tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi nên có được cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng./.
Xã Khánh Thuận, huyện U Minh hiện có 3.213 hộ dân, trong đó có 659 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo. Huyện U Minh được mệnh danh là "túi chứa nghèo" và Khánh Thuận từng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Hiện đời sống người dân dần ổn định, kinh tế phát triển nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng rừng, các mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng. Từ đầu năm 2018 đến nay, xã đã thành lập 4 tổ hợp tác về khai thác, vận chuyển lâm sản, nuôi cá đồng và trồng cây ăn trái. |
Theo Hằng My (CMO)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin