Đặc sản của mùa

04:10, 18/10/2018

Hồi xưa người ta hay nói "mùa nào thức ấy", vì thời tiết thuận lợi với loại cây nào thì nó mới nở hoa kết trái được. 

Hồi xưa người ta hay nói “mùa nào thức ấy”, vì thời tiết thuận lợi với loại cây nào thì nó mới nở hoa kết trái được.

Muốn ăn dưa hấu, củ kiệu, cải tùa xại phải đợi gần tết mới có, cá biển cũng theo mùa ngư dân mới khai thác được nên các loại khô cá khoai, cá đuối, cá dứa… đâu phải lúc nào cũng có sẵn ở các cửa hàng như ngày nay. Đặc biệt là con cá bổi (cá sặc rằn) phải đợi mùa tát đìa mới có khô mà ăn.

Tháng Chín âm lịch là thời điểm “mưa sòng” - cách gọi của người miền Tây khi mưa dai dẳng, nước ngập đồng, lúa trỗ đòng cũng chính là mùa giăng câu, giăng lưới, đặt trúm, đặt lờ…

Không chỉ có thế, mùa mưa ở xứ tôi còn giúp chị em có thêm thu nhập từ việc bán các loại rau đồng như bồn bồn, rau mác, năn bộp, bông súng, rau muống mà không cần vốn vì nó sinh sôi tự nhiên.

Riêng công việc làm cá khô thì vắng bặt mặc dù nơi đây là “vương quốc” của con cá bổi ngon có tiếng từ xưa tới giờ.

Đó là chuyện của ngày hôm qua, thuở sản vật còn tự nhiên phát triển, bây giờ từ động vật đến thực vật dù nó có nguồn gốc tại đây cũng đã được đưa vào “quy trình” sản xuất rồi.

Nhớ hồi nhỏ, tới mùa tát đìa cả xóm như ngày hội, vì một quy ước bất thành văn tồn tại rất lâu và trở thành nét đặc thù của xứ rừng tràm, đó là kiểu lao động vần công, nhà có đông người cũng vậy, láng giềng vẫn tới chung tay thu hoạch cá đìa cho rốt ráo rồi sang nhà khác.

Hồi đó đâu sung sướng như bây giờ cái gì cũng làm bằng mày móc hay vật dụng tiện ích, chỉ có đôi tay mà công việc trôi chảy nhịp nhàng.

Chuyện chiếc gàu tát đìa cũng là đề tài trong những lúc đàm đạo bên tách trà nóng của mấy anh nông dân, họ tính coi lượng nước, độ sâu, địa thế của khẩu (họng) đìa phù hợp với loại gàu dai hay gàu sòng, dùng lưới chụp hay tát bằng tay?

Rồi lực lượng bắt cá, vận chuyển, thả giống mùa sau, làm khô, làm mắm… thấy vậy chứ sẽ xong xuôi chóng vánh, gọn gàng bởi công việc này được lặp đi, lặp lại mỗi mùa đìa ở quê tôi.

Năm đó ba tôi trúng đìa, mấy khẩu đìa lớn nước còn nhiều nên phải dùng lưới chụp, còn đìa nhỏ thì tát. Cá thu hoạch được mấy tấn, hầu hết làm khô vì vô chính vụ thương lái chỉ cân cá lóc, trê, rô, còn cá bổi đều làm khô để bán sau.

Những chàng trai lực điền khiêng từng cần xé cá nặng oằn đổ trước sân, có hơn 10 người phụ nữ chuẩn bị sẵn dao, thớt, cá đem vô tới đâu là làm tới đó. Xong việc, ai cần bao nhiêu cá đem về ăn thì cứ xách, không bán buôn chi hết, tới nhà khác cũng vậy. 

Cá bổi được nuôi lan trên ruộng, tới mùa khô chúng tập trung xuống đìa, hầu như chủ đìa không phải cho ăn, chúng tự duy trì và phát triển bằng thức ăn trong tự nhiên nên thịt cá vừa thơm, vừa béo, không như cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp thân mập tròn chứa toàn mỡ và mất đi vị ngọt tự nhiên và mùi đặc trưng của khô bổi miệt vườn.

Ngoài con khô ngon lành, người ta còn tận dụng mỡ cá để nấu dầu, thứ dầu này dùng để bảo quản các vật liệu bằng kim loại để chống gỉ sét và lúc kinh tế khó khăn dầu cá còn làm chất đốt để thắp sáng nữa.

Khi làm khô, cá bổi mang trứng phải lấy ra khỏi bụng, do số lượng nhiều ăn tươi không hết nên bà con xứ tôi có sáng kiến làm mắm trứng cá, lúc đầu chỉ để nhà ăn, sau đó nhiều người nếm thứ thấy ngon nên mắm trứng cũng bán được cho những người ưa chuộng món dân dã này.

Hôm nay trở lại quê nhà vào tháng Chín những ngày không có mưa, xe chạy dọc bờ sông xanh ngát lục bình, những giàn phơi cá giăng giăng nối tiếp những khoảng sân. Tôi nói với đứa em cùng đi: “Ôi… cá khô mùa nghịch!”.

Nó bảo: “Không đâu chị, khô bổi bây giờ đâu có mùa vì người ta nuôi công nghiệp nên thu hoạch quanh năm, hôm nào nắng thì phơi ngoài trời, khi đổ mưa thì đưa vô lò sấy.

Hồi xưa buổi sáng mình thấy khói bay mù mịt cả xóm vì đốt con cúi đuổi ruồi, bây giờ chỉ cần xịt thuốc một phát là không con ruồi nào dám bén mảng!”.

Tôi lạc hậu với nghề truyền thống ở quê đã gắn bó thời niên thiếu, thấy con khô bổi vẫn cái màu xam xám, với cái mùi đặc trưng khi phơi đặng nắng, lúc nướng trên bếp than hồng vẫn tỏa ra mùi thơm hấp dẫn nhưng khi nếm vào mới thấy khác biệt với con cá bổi quê mùa, tự kiếm ăn bằng rong rêu, sinh vật bé nhỏ trên ruộng lúa, dưới ao đìa, nó đâu biết tới thứ đồ ăn công nghiệp có sẵn, không cần phải lội lặn đi tìm mà lớn nhanh như thổi.

Quê mùa vậy đó mà nó giữ cái hồn quê có tình làng nghĩa xóm, có hình ảnh lam lũ của chàng trai cô gái tất tả với gàu sòng, gàu dai, với dao, với thớt, với mùi khói rơm từ con cúi đuổi ruồi.

Theo Bạc Liêu Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh