Nhộn nhịp xóm "lưỡi câu"

11:09, 16/09/2018

"Đã hơn 6 năm rồi, xóm lưỡi câu này mới nhộn nhịp trở lại sau nhiều năm làm để sống qua ngày. Năm nay, lũ về sớm lại lớn nên bạn hàng tới đây đặt hàng nườm nượp. Vậy là làm "quyết liệt" ngày đêm mới kịp giao hàng"

“Đã hơn 6 năm rồi, xóm lưỡi câu này mới nhộn nhịp trở lại sau nhiều năm làm để sống qua ngày. Năm nay, lũ về sớm lại lớn nên bạn hàng tới đây đặt hàng nườm nượp. Vậy là làm “quyết liệt” ngày đêm mới kịp giao hàng”- ông Trần Văn Be (68 tuổi ngụ ấp Tây Khánh B, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang) hồ hởi nói.

Tuy một số công đoạn làm lưỡi câu được hỗ trợ từ máy móc…
Tuy một số công đoạn làm lưỡi câu được hỗ trợ từ máy móc…

Gia đình ông Be đã có trên 50 năm làm nghề này theo kiểu cha truyền, con nối và là hộ thâm niên nhất ở xóm “lưỡi câu” này.

Ông kể: Hiện ấp này đang có trên 180 hộ dân với gần 800 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 140.000- 160.000 đ/người/ngày tùy theo công đoạn sản xuất. Bình quân mỗi hộ gia công từ 40.000- 50.000 lưỡi câu/ngày.

Riêng gia đình ông Be còn đầu tư trên 15 máy dập, máy mài, máy uốn lưỡi câu cho một số hộ gia công tại nhà với giá mỗi máy từ 8 triệu- 15 triệu đồng.

Mỗi ngày ông đi thu lưỡi câu “thành phẩm” từ các cơ sở gia công rồi bán lại cho thương lái tại Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp, miền Đông Nam Bộ, miền Trung và cả Campuchia nữa...

Trừ hết các khoản chi phí ông Be còn lời từ 700.000- 800.000 đ/ngày, tăng khoảng 30% so với các năm “nước lũ kém”.

Chị Nguyễn Thị Thu (50 tuổi)- người đã có trên 30 năm làm nghề nói: “Nghề này tuy thu nhập không nhiều nhưng được cái có công việc quanh năm; vừa làm lưỡi câu vừa có thể quán xuyến việc gia đình, phù hợp với người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em xóm này. Nhà tui có 2 mẹ con cùng làm, mỗi ngày có được 250.000- 300.000đ, đủ trang trải các khoản sinh hoạt trong gia đình”.

Theo nhiều người dân chuyên làm lưỡi câu tại đây: Mùa nước nổi (từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) là mùa cao điểm. Nhà nhà, người người nhộn nhịp lao động. Năm nay khí thế bắt đầu sớm hơn một tháng, do lũ về sớm.

… Nhưng một số công đoạn phải làm thủ công.
… Nhưng một số công đoạn phải làm thủ công.

Nguyên liệu để làm lưỡi câu là thép. Nếu như trước kia, người ta sử dụng thép từ những sợi cáp phế thải thì nay dùng cả inox.

Để làm một chiếc lưỡi câu, đầu tiên là cho máy cán thẳng dây thép từ những cuộn lớn, chặt khúc đúng cỡ, dập ngạnh, mài lưỡi, sửa mũi, vô khuôn, uốn lưỡi, cắt 2 ngạnh, dập đít, trui, xóc bóng rồi đóng gói (từ 20- 100 chiếc/bọc tùy loại ).

Làng nghề Mỹ Hòa hiện sản xuất khoảng 50 chủng loại lưỡi câu như: lưỡi câu cá ngừ bò, cá ngát, cá đuối; lưỡi câu rắn, ếch;… đáp ứng nhu cầu của đủ mọi nghề đi câu. Mỗi năm, làng nghề này sản xuất khoảng 200- 270 tấn lưỡi câu.

Lưỡi câu cá đồng hiện có giá bán bình quân 4.000 đ/trăm lưỡi; lưỡi câu cá đuối 30.000 đ/lưỡi; lưỡi câu cá mập giá 8.000- 10.000 đồng/lưỡi.

Ông Nguyễn Bá Thế (huyện Ba Tri- Bến Tre) cho biết: “Lưỡi câu ở đây làm rất sắc sảo, chất lượng cao, giá thành rẻ nên tui thường xuyên đến đây mua về bán lại cho bà con câu cá đồng lẫn ngư dân đi biển”.

Nghề làm lưỡi câu ở phường Mỹ Hòa tồn tại đã hơn 50 năm và đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2007.

Sản phẩm của làng nghề Mỹ Hòa nổi tiếng chắc, bền, nhiều chủng loại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt cá trên đồng nước, trên sông và trên biển của ngư dân nên rất được nhiều người đánh bắt ưa chuộng.

Xóm lưỡi câu Mỹ Hòa đang nhộn nhịp vào mùa lũ mang theo bao tín hiệu tốt lành cho bà con vốn đã gắn bó với nghề hàng chục năm qua.

Bài, ảnh: TAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh